Khoảng 20.000 tỉ đồng đã được chuyển đến tay người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Dự kiến, đến 15/5 việc chi trả sẽ kết thúc.
Khoảng 20.000 tỉ đồng đã được chuyển đến tay người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Dự kiến, đến 15/5 việc chi trả sẽ kết thúc.
Người dân phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy nhận hỗ trợ sáng 30/4. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến thời điểm này, các địa phương cơ bản chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng gồm người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo. Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện những người lao động gặp khó đang mong ngóng từng ngày được nhận tiền hỗ trợ khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường và họ bắt đầu đi tìm kiếm việc làm mới.
Là gia đình thuộc đối tượng hộ cận nghèo rời làng quê ở huyện Nam Trực, Nam Định lên Hà Nội làm nghề thu mua đồng nát, 2 tháng nghỉ làm do dịch bệnh, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn càng thêm khó khăn khi tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Dù có tên trong danh sách được nhận khai hỗ trợ từ tổ dân phố phường Nam Đồng, nơi chị thuê trọ nhưng bản thân chị không biết liệu có được nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng hay không?
“Bình thường mỗi ngày đi kiếm được 100.000 đồng tiêu tiền ăn, tiền nhà nhưng khi có dịch Covid-19 thì nghỉ. Mong nhà nước giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Nhà tôi là hộ cận nghèo, cũng mong muốn Chính phủ cho như vậy thì tốt”- chị Nguyễn Thị Hoàn nói.
Hiện tại nhiều nơi, danh sách những đối tượng cần hỗ trợ đã có nhưng để đảm bảo đúng người, đúng đối tượng thì việc rà soát kỹ là vô cùng cần thiết. Theo ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Phố Hà Nội, thực hiện theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, phường đã lên danh sách có khoảng 2.300 đối tượng lao động tự do.
“Toàn bộ danh sách chúng tôi đã chuyển lên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy. Trước tiên, UBND phường cũng đã thành lập tổ công tác tại cơ sở gồm Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ để rà soát. Căn cứ kết quả rà soát thì, một lần nữa khi nhập danh sách về UBND phường thì chúng tôi xem xét chuyển lên Ủy ban quận và cũng chờ văn bản chỉ đạo của Ủy ban quận”- ông Nguyễn Hải cho biết.
Còn ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho biết, do đối tượng lao động tự do đông và phức tạp nên cần có thời gian, khi thành phố phê duyệt danh sách và cấp kinh phí thì quận sẽ tiến hành chi trả theo đúng quy định.
“Hiện nay chúng tôi đã ban hành kế hoạch đến tất cả các phòng ngành chức năng của quận, bao gồm Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH, Chi cục Thuế, UBND các phường liên quan đến các nhóm đối tượng trong Quyết định 15. Nhóm đối tượng bổ sung thì sau khi có quyết định của thành phố thì chúng tôi sẽ triển khai ngay để đảm bảo chi trả kịp thời, nhanh chóng đến tất cả các nhóm đối tượng người lao động có giao kết hợp đồng lao động cũng như người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.
Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ, ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, hiện công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội đã hoàn tất. Hiện tỉnh đang khẩn trương đôn đốc kế hoạch chi trả cho các đối tượng còn lại. Các doanh nghiệp đã cập nhật danh sách lao động phải tạm thời nghỉ việc, có thể tiến hành chi trả trong tháng 5, riêng nhóm lao động tự do sẽ nhận hỗ trợ muộn hơn.
“Trong tháng 5 này sẽ giải quyết cho 8 ngành nghề thuộc nhóm lao động tự do. Còn lại những đối tượng lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hiện các doanh nghiệp đang lập danh sách qua BHXH, đang xác nhận, có đến đâu sẽ thực hiện đến đấy. Thực chất chúng tôi đã có văn bản chuyển xuống các doanh nghiệp để triển khai. Sở cũng đã cùng tham mưu với UBND tỉnh mời tất cả các huyện, thị trấn lên để tập trung chỉ đạo triển khai việc này cho thật tốt”- ông Đặng Xuân Hải cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến thời điểm này, tất cả các địa phương đều đã triển khai gói an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Khoảng 20.000 tỉ đồng đã được chuyển đến tay người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và dự kiến đến 15/5 việc chi trả cho nhóm này sẽ kết thúc. Đối với những nhóm lao động còn lại trong diện được nhận hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các địa phương tập trung tiến hành ngay, không để các đối tượng này phải chờ đợi lâu, bắt đầu từ ngày 9/5, tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng để số người mất việc sẽ từng bước quay lại làm việc, ổn định cuộc sống.
“Đến nay 63 tỉnh thành phố đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ, 45/63 tỉnh, thành phố đã rà soát xong và bắt đầu từ ngày 9/5 tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng, dự kiến theo ước tính khoảng 7.630 tỷ đồng. 47 tỉnh đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động và trên 300 tỷ đồng. Tôi đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp triển khai đúng và hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng. Đối với các doanh nghiệp, cần ưu tiên tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Dịch bệnh đang được khống chế và cuộc sống dần trở lại nhịp thường ngày, doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất và người lao động mong được nhà nước hỗ trợ để giải quyết những khó khăn trước mắt trong lúc chờ việc làm. Người dân cũng rất mong muốn gói hỗ trợ sớm đến tay người được hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch./.
Theo Kim Thanh/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin