Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Hòa Hiệp (Tam Bình) lần thứ XIII

Tạo đột phá kinh tế từ "nguồn lực- ý tưởng- đam mê và kỹ thuật"

Cập nhật, 04:45, Thứ Bảy, 30/05/2020 (GMT+7)

“Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đòi hỏi người dân phải có tư tưởng đột phá thông qua tác động của địa phương và xã hội. Song, phải có nguồn lực, ý tưởng, đam mê và kỹ thuật”- đó là nhận định của đồng chí Huỳnh Văn Y- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp (Tam Bình) khi nói về quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp của xã trong nhiệm kỳ qua.

Đây cũng là một trong những khâu đột phá được Đảng bộ xã đề ra trong nhiệm kỳ 2020- 2025, trong đó sẽ đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo mối liên kết thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Hòa Hiệp đã từng bước chuyển dịch đúng hướng.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Hòa Hiệp đã từng bước chuyển dịch đúng hướng.

Ruộng lên vườn hiệu quả hơn chục lần

Thông qua vận động của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác, năm 2017, ông Lê Văn Nào (Sáu Nào) ở Ấp 9, đã mạnh dạn chuyển 4 công lúa sang trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP. “Thấy có hiệu quả nên tui chuyển hết diện tích còn lại, đến nay được 8 công”- ông Sáu Nào cho biết.

Cùng thời điểm đó, một số bà con trong ấp cũng chuyển, “lúc đầu chỉ hơn 1 mẫu, sau lên mấy mẫu” rồi cùng nhau thành lập tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ do ông Sáu Nào làm tổ trưởng, để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng.

Hiện, tổ hợp tác có tổng diện tích 4,9ha với 8 thành viên, trong đó 2 người ở xã lân cận. “So với trồng lúa, cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả gấp chục lần”- ông Sáu Nào phấn khởi nói tiếp- “Trồng thanh long ruột đỏ giáp năm là có thu hoạch, chăm sóc tốt thì 10 tháng cho trái.

Lúc mới trồng chỉ để 1 trái/nhánh, về sau nhánh càng nhiều thì cho trái càng nhiều và có thể để 2- 3 trái/nhánh. Mỗi năm, thanh long cho trái 4 vụ. Từ năm thứ 2 trở đi năng suất hơn 1 tấn/công/vụ, hiện giá bán 17.000- 35.000 đ/kg, lời ít nhất cũng hơn chục triệu đồng/công/vụ.

4,9ha trồng thanh long của tổ đã tạo việc làm cho cả chục lao động nữ, “hết mần cỏ đến cắt chèo, rút bông, vuốt tai thanh long, tiền công 17.500- 25.000 đ/giờ.

Còn lao động nam làm thì xịt thuốc, rải phân, thu hoạch, vận chuyển… tiền công 240.000 đ/ngày. Làm không có ngày nghỉ, tổ phải họp tính toán để thuê lao động làm việc xen nhau”- ông Sáu Nào nói.

Trong phát triển kinh tế tập thể, đến nay xã đã thành lập hợp tác xã Lúa giống Ấp 8; toàn xã có 18 tổ hợp tác sản xuất, 4 điểm gia công hàng thủ công.

So nhiệm kỳ trước, tăng 4 tổ và 1 điểm gia công, chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế tập thể ngày càng hoàn thiện và tạo việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động.

Giảm 1,3% hộ nghèo/năm

Nhờ phát triển thêm mô hình chăn nuôi dê (giống dê Boer của Mỹ), giúp ông Nguyễn Phú Xuân (ấp Hòa Phong) có được nguồn thu khá vì “chỉ 1 năm là có thể thu hồi vốn”. Sau đó, mỗi năm mỗi tuyển bán và “có năm bán được gần 150 triệu đồng”.

Hiện đàn dê của ông còn 6 con, trong đó 4 con chuẩn bị đẻ. “Nuôi dê được cái là lấy công làm lời, điều đặc biệt là các loại cỏ, lá cây gì cũng ăn nên cứ cho đủ cỏ là vỗ béo dê”- ông Xuân nói.

Với 6 công vườn kém hiệu quả, ông Xuân đã chuyển sang trồng mít Changai (Thái Lan) và mới đây là trồng mít Malaysia.

Ngoài bán trái, ông còn phát triển thêm nghề ươm cây giống và tháp cây để bán. “Bao nhiêu cây giống đều được mối ở Hà Nội vào thu mua hết, mỗi đợt bán 200- 300 cây”- ông Xuân cho biết hiện cây giống mít Thái có giá 45.000 đ/cây, còn mít Malaysia 150.000 đ/cây. Chỉ tính riêng vụ tết, ông “bỏ túi” rủng rỉnh hơn 40 triệu đồng.

Theo ông Xuân “bây giờ nông dân nắm bắt khoa học- kỹ thuật dữ lắm, luôn chú trọng chọn cây giống có hiệu quả kinh tế cao về trồng. Vì vậy, việc đầu tư ươm và tháp cây giống chất lượng bán ra thị trường sẽ là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả”.

Còn theo ông Sáu Nào “để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đòi hỏi nông dân phải có tiềm lực kinh tế, hiểu biết cây trồng và nắm bắt kỹ thuật”.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Huỳnh Văn Y cho rằng, một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ qua là đã chỉ đạo chuyển dịch nông nghiệp đúng hướng, diện tích trồng lúa giảm, diện tích trồng màu và cây ăn trái tăng, tạo được mô hình chuyên canh như: bưởi, cam sành, thanh long…

Bên cạnh, xã cũng giữ vững cánh đồng mẫu lớn 7/7 ấp; thực hiện mô hình lúa sạch (1,4ha) và lúa chất lượng cao (400ha). Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tiếp tục phát triển khá, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm được chú trọng... Nhờ vậy, đến nay hầu hết lao động trong độ tuổi đều có việc làm.

Nhiệm kỳ qua, tỷ lệ hộ thoát nghèo bình quân 1,3%/năm, đạt 131,4% so nghị quyết. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,43%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm, tăng gần 7,5 triệu đồng so thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2017).

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của xã Hòa Hiệp được đầu tư ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống nhân dân.

Hòa Hiệp là một trong những xã NTM luôn giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới qua từng năm, tạo tiền đề vững chắc để xã nâng chất các tiêu chí nhằm hướng đến mục tiêu “cán đích” nông thôn mới nâng cao vào đầu nhiệm kỳ và về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối nhiệm kỳ 2020- 2025.

Đồng chí Huỳnh Văn Y- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp

Nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã Hòa Hiệp tập trung vào 3 khâu đột phá. Trong đó, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tập trung cơ cấu lại trong nội bộ ngành nông nghiệp, tăng cường củng cố phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ; đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo mối liên kết thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tương xứng với tiềm năng của xã. Phát huy các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề đảm bảo lao động có việc làm ổn định thu nhập khá, nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI