Nông thôn chuyển mình đổi mới

05:04, 30/04/2020

45 năm trôi qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020), nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã chuyển mình đổi mới, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

45 năm trôi qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020), nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã chuyển mình đổi mới, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Một khu dân cư ở Tam Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: VINH HIỂN
Một khu dân cư ở Tam Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: VINH HIỂN

Đổi mới từng ngày

Từng trải qua những ngày tháng bom rơi lửa đạn, bà Nguyễn Thị Hiền (ấp Thanh Trí, xã Hòa Thạnh- Tam Bình) cho biết: “45 năm trôi qua, tôi luôn được ngủ yên giấc mỗi đêm vì không còn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không còn tiếng súng đạn”.

Theo bà Hiền, ngày xưa người dân đi lại chủ yếu là đi bộ hoặc bơi xuồng, chèo ghe. Nhà nào giàu lắm mới có ghe máy chạy. Giờ thì bước ra trước nhà toàn là đường đan, lộ nhựa, nhà nào cũng có xe gắn máy, muốn đi đâu chỉ việc dắt xe ra chạy, còn đi xa thì chỉ việc “bấm” điện thoại là có xe tới nơi rước.

Diện mạo nông thôn Vĩnh Long đang ngày càng khởi sắc. Ảnh chụp tháng 2/2020
Diện mạo nông thôn Vĩnh Long đang ngày càng khởi sắc. Ảnh chụp tháng 2/2020

Sinh ra vào thời điểm chuyển mình đổi mới của lịch sử, anh Lê Như Thảo (sinh năm 1975) đã lớn lên ở Ấp 3 (xã Hòa Thạnh). “Quê hương mình đổi thay từng chút, khi nhìn lại qua nhiều năm mới “giật mình” trước sự đổi thay không nhỏ”- anh Thảo cười tươi.

Tuổi học trò của anh Thảo gắn liền với những ngôi trường tre lá tạm bợ, đi học đường đồng bờ ranh nhỏ xíu, mỗi khi trời mưa hay mùa nước tràn về là té lên té xuống.

Đến khi học cấp 2 thì toàn mặc quần ngắn để “bò qua cầu khỉ”, còn bữa nào gãy cầu thì ngồi chờ quá giang qua sông. Lên cấp 3, anh Thảo phải lội bộ cả cây số mới tới chỗ gửi xe, sau đó đạp xe thêm 7 cây số nữa mới tới trường.

Giờ nhìn lại, các con của anh Thảo “sướng như tiên”, đường đến trường đã không còn vất vả, xa xôi như trước nữa. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới những ngôi trường chuẩn quốc gia càng được đầu tư hoàn thiện đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.

Cùng ngụ xã Hòa Thạnh, ông Hồ Huy Hoàng (ấp Thanh Trí) kể lại với vẻ tiếc nuối, bởi trước đây khi đang học ĐH năm nhất thì phải bỏ dở nửa chừng vì điều kiện khó khăn...

Vì vậy, ông quyết tâm nuôi dạy con nên người. Nhờ vậy mà cả 4 người con của ông đều học giỏi và thành đạt, trong đó 2 con du học thạc sĩ nhờ học bổng, nhờ tiền tích lũy trong công việc.

Việc học hỏi đã làm thay đổi đáng kể cách nghĩ, cách sống của người dân nông thôn. Tuy sống ở quê, nhưng ngay khi có công nghệ là ông Hoàng đã sớm cập nhật để “không bị tụt hậu”. 

Vừa nói, ông Hoàng mở điện thoại cho chúng tôi xem ứng dụng “Bệnh viện cây ăn quả” để khi trồng trọt có gì cần thì chỉ việc chụp hình gửi lên hỏi và sẽ được kỹ sư giải đáp thắc mắc.

“Giờ làm nông phải có kiến thức, muốn làm “trúng” cũng phải suy nghĩ, trăn trở đủ điều, biết tiếp cận công nghệ, xử lý kỹ thuật, học hỏi thêm từ sách báo, mạng Internet…”- ông Hoàng nói và chỉ tay vào vườn nhãn 8 năm tuổi đang trổ bông đầy cây: “Để làm được như vậy, tui phải học hỏi rất nhiều và kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Cây càng lớn thì kỹ thuật làm bông phải càng cao”.

Làm nông giờ khác xưa

Trước đây, nông dân phải dãi nắng dầm sương, cực khổ trăm bề để làm ra nông sản, nhưng giờ thì khác… Nhờ công nghiệp hóa- hiện đại hóa mà đã giải phóng đáng kể sức lao động của nông dân.

Như việc trồng lúa xưa toàn làm bằng tay, người cấy lúa, cắt lúa giỏi cũng phải bắt đầu từ 5 giờ sáng làm tới 1- 2 giờ trưa mới xong được 1 công, rồi bó lúa, suốt lúa, sau đó đem phơi, trời mưa thì bưng ra bưng vô muốn “rãn xương sống luôn” rồi còn phải quây bồ chứa lúa… nhưng giờ đây nhờ có máy móc hỗ trợ, một số nơi còn chuyển sang sử dụng máy cấy lúa, máy phun xịt thuốc, còn thu hoạch thì đã có máy gặt đập liên hợp mà “chỉ trong 1 buổi là cắt được 60- 70 công lúa”- ông Hoàng nói.

Nhờ công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông thôn đã giải phóng đáng kể sức lao động của người dân. Ảnh: XUÂN TƯƠI
Nhờ công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông thôn đã giải phóng đáng kể sức lao động của người dân. Ảnh: XUÂN TƯƠI

Thương lái đến tận ruộng mua lúa, còn lúa để dành ăn thì cũng đã có các lò sấy, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức. Từ 1 vụ lúa/năm, giờ đây nông dân có thể trồng 2- 3 vụ/năm với năng suất, chất lượng cao hơn trước.

Ngày xưa, nông dân độc canh cây lúa nhưng qua các phong trào cải tạo vườn tạp, mô hình vườn- ao- chuồng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân đã đa dạng hóa canh tác.

“Chuyện trồng cây ăn trái giờ cũng đã khác hẳn ngày xưa, không còn cảnh xách nước tưới vườn mà nhiều hộ đã đầu tư hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt rất hiện đại, giúp tiết kiệm chi phí, công sức.

Thời gian đó có thể làm được nhiều chuyện khác”- ông Hoàng còn cho biết thêm- “Tui mới mua hệ thống tưới vườn nhãn, điều khiển bằng điện thoại, vài bữa nữa sẽ cho vận hành, mình chỉ việc bật- tắt, hẹn giờ hoặc lịch biểu là máy bơm sẽ tự động tưới theo đúng thời gian mình muốn”.

Đặc biệt, trong 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới- một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội, chính trị và quốc phòng- an ninh do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo và đời sống của người dân nông thôn cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Điều dễ dàng nhận thấy khi về nông thôn là điện, đường, trường, trạm y tế… được đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu dân sinh. Nông thôn thay đổi, cách nghĩ, cách sống và cách làm nông của người dân nông thôn cũng thay đổi theo.

Đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước xác định rõ ràng, tạo điều kiện để người dân đóng góp và hưởng thụ nhiều hơn.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- đánh giá cao về diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức trong xây dựng nông thôn mới của người dân nông thôn được nâng lên.

Hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn được đầu tư và khai thác hiệu quả, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kết nối thị trường, tạo điều kiện cho học tập và khám chữa bệnh được tốt hơn.

Cùng với đó, việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đã góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.

XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh