Xuất phát là tỉnh thuần nông, nên ngành công nghiệp, thương mại hầu như không có gì đáng kể, chủ yếu là vài trăm cơ sở sản xuất quy mô nhỏ vào giai đoạn 1975- 1985. Nhưng đến nay, trải qua 45 năm với nhiều cam go, thử thách, ngành công thương Vĩnh Long đã có những bước chuyển mình và tăng tốc rõ nét với nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.
Xuất phát là tỉnh thuần nông, nên ngành công nghiệp, thương mại hầu như không có gì đáng kể, chủ yếu là vài trăm cơ sở sản xuất quy mô nhỏ vào giai đoạn 1975- 1985.
Nhưng đến nay, trải qua 45 năm với nhiều cam go, thử thách, ngành công thương Vĩnh Long đã có những bước chuyển mình và tăng tốc rõ nét với nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm Vĩnh Long. Ảnh do Sở Công thương cung cấp |
Những chặng đường cam go
Sau 30/4/1975, xuất phát điểm của nền kinh tế tỉnh rất thấp nên sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp hầu như không có gì đáng kể.
Lúc bấy giờ chỉ có khoảng 600 cơ sở với quy mô nhỏ, sản xuất thủ công và bán cơ khí như: xay xát lúa gạo, sản xuất gạch ngói nung, nước đá, đường, nước chấm, đồ mộc, sửa chữa cơ khí nhỏ,… tập trung chủ yếu ở địa bàn TX Vĩnh Long, TX Trà Vinh (tỉnh Cửu Long) và một số thị trấn.
Nói về buổi sơ khai của ngành “tiểu công nghiệp” tỉnh nhà, ông Phạm Văn Khôn (chú Năm Khôn)- nguyên Trưởng Ty Công nghiệp (1978- 1982) nhớ như in: “Lúc đó là thời kỳ phôi thai, kỹ thuật sản xuất rất thô sơ, gọi là các ngành “tiểu công nghiệp”, nhỏ lẻ vì chủ yếu làm bằng tay chân. Máy móc chưa xuống ruộng nhiều đâu.
Rồi từ từ tụi tôi mới đi đó đi đây, đi các nước tiên tiến, nhờ có cán bộ, kỹ sư giỏi nên học hỏi về cải tiến máy cày, máy xới, đưa xuống ruộng để phục vụ sản xuất cho nông dân, rồi dần dần máy in gạch, máy đánh tơi xơ dừa, máy ép đường,... ra đời”.
Chú Năm Khôn nói, cả tỉnh không có lấy một cơ sở công nghiệp nặng, các ngành tiểu thủ công nghiệp sản xuất từ nguyên liệu địa phương không phát triển được.
Nguyên liệu để sản xuất, phụ tùng thay thế cho các loại máy nông nghiệp, giao thông vận tải đều phải nhập ngoại, sau ngày giải phóng nguồn vật tư này cạn dần, gây khó khăn cho việc phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp.
Trong khi đó, ngành thương nghiệp (thương mại, du lịch) cũng trải qua một thời kỳ phục hồi, cải tạo, nâng cấp.
Ông Trần Nam Thành- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp (1975- 1981) là người được xem là góp công lớn trong việc xây dựng và phát triển nhà máy đường tại huyện Tam Bình lúc bấy giờ, chia sẻ: Lúc đó là thời kỳ thiếu thốn đủ thứ, tư liệu sản xuất ít, muốn vận chuyển hàng hóa cũng rất khó khăn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất. |
Tuy nhiên, Vĩnh Long thời bấy giờ có năng lực sản xuất rất cao, người dân cũng rất hăng hái, quyết tâm sản xuất nên hàng hóa làm ra tới đâu là tiêu thụ hết đến đó.
Ông Trần Nam Thành năm nay đã 83 tuổi, cười thân tình, nói với tôi: “Bây biết không, hồi xưa ít học, chỉ được trình độ trường làng nhưng được cái nhiệt tình, với nhiều mối quan hệ thân thiết nên học lóm thêm, thấy cái gì hay, có ích, có lợi thì áp dụng, rồi kéo mối tiêu thụ về Vĩnh Long. Nhờ vậy mà thời đó, Vĩnh Long xuất khẩu được gạo, đường, tôm với số lượng khá lắm”.
Nhớ lại lúc làm giám đốc tại nhà máy đường tại Tam Bình, ông Nam Thành cho hay: “Ban đầu làm đường phải kéo bằng sức trâu, rồi làm thủ công, năng suất đâu có bao nhiêu mà cực lắm.
Dần dần, nhờ được cấp trên hướng dẫn, học hỏi, tìm tòi, cải tạo máy móc thêm nên năng suất cũng được nâng lên. Nhờ đó mà thời đó, đường ở Vĩnh Long có tiếng lắm nhen”.
“Sau thời gian xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, thì các đơn vị có thể xuất khẩu, trong đó các mặt hàng hải sản và nông sản thực phẩm có trữ lượng lớn và giá trị xuất khẩu”- chú Năm Khôn nhớ lại.
Từng bước chuyển mình, tăng tốc
Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Từ đó đến nay, với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, việc lưu thông hàng hóa trên thị trường xã hội của tỉnh từng bước được ổn định.
Ngành công thương Vĩnh Long đã có bước phát triển mạnh mẽ sau 45 năm. Ảnh: THẢO LY |
Cụ thể, từ năm 2001- 2010, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại. Theo đó, đã huy động mọi nguồn lực, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Ở giai đoạn này, công nghiệp Vĩnh Long rất đa dạng, bao gồm nhiều ngành như: cơ khí, kỹ thuật điện, vật liệu xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may,… được hình thành và phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu và lao động địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
“Số lượng doanh nghiệp không ngừng phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị, sản xuất gắn với thị trường, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh nên bước đầu đã có những kết quả tốt”- ông Phạm Tứ Phương nói thêm.
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng trưởng các ngành có tiềm năng phát triển bền vững và thân thiện môi trường.
Tỷ trọng khu vực công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ trong GRDP luôn có xu hướng tăng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu của nền kinh tế và đã có những tác động nhất định đến phát triển kinh tế- xã hội.
Nói về hướng đi 5 năm tới, ông Phạm Tứ Phương cho biết: Sẽ phát triển ngành công thương theo hướng nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành. Thực hiện có trọng điểm, có thứ tự, bố trí nguồn lực cho việc phát triển các ngành kinh tế ưu tiên và các địa bàn kinh tế trọng điểm.
Đồng thời, phát triển ngành công thương theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp thông lệ quốc tế. Cơ cấu ngành theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh, chú trọng việc đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa; triển khai các giải pháp nền tảng ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.
Ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Long luôn đạt mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016- 2020 dự báo đạt 14,85%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 11,78%/năm. Hoạt động nội thương đạt tốc độ phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2016- 2020 tăng bình quân 11,76%/năm. Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh, đã có những phát triển nhanh chóng góp phần tiêu thụ hàng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh. Bình quân giai đoạn 2016- 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 12,72%/năm. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, hàng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao. |
THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin