Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, việc lây truyền virus những ngày gần đây có chậm lại nhưng chưa thể khẳng định dịch đã được ngăn chặn. Vì vậy, không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, việc lây truyền virus những ngày gần đây có chậm lại nhưng chưa thể khẳng định dịch đã được ngăn chặn. Vì vậy, không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Sáng 8/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.
Mỗi người dân cần tự bảo vệ mình
Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn Bộ Công an, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội… đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị trong mùa dịch. Thời gian tới, các tổ chức, đoàn thể cần tiếp tục kêu gọi các lực lượng, nhất là thanh niên tham gia hiến máu, không để tình trạng thiếu máu trong điều trị, cứu người.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 8/4, Việt Nam có 251 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 126 người đã được chữa trị khỏi (16 người được chữa trị khỏi hoàn toàn giai đoạn 1; 110 người được chữa khỏi ở giai đoạn 2).
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị nhấn mạnh tình hình điều trị COVID-19 tại Việt Nam đang được thực hiện tốt. Điều đáng mừng là hàng ngày, số lượng bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 ít hơn số người được chữa khỏi, số được chữa khỏi đã chiếm hơn 50% số ca bệnh. Các bệnh nhân đều được điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế và các phác đồ thử nghiệm từ kinh nghiêm của các nước trên thế giới. Bộ Y tế đã, đang tập trung hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19 không để người mắc bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đã xây dựng nhiều kịch bản, quy trình để người dân đến khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay, như chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19; đái tháo đường, ung thư...; hướng dẫn người cao tuổi tại nhà theo nguyên lý y học gia đình. Tất cả người dân cần tự bảo vệ mình, hạn chế tối đa khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trừ trường hợp cần cấp cứu. "Người dân cũng cần tìm hiểu kĩ căn bệnh trước khi đến khám; có liên hệ trước đặt lịch khám. Nếu bắt buộc phải đến khám, người dân cần đảm bảo phương tiện phòng hộ, đeo khẩu trang, thực hiện đúng theo quy định, quy trình bệnh viện hướng dẫn," phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê khuyến nghị.
Không để bùng phát thành các ổ dịch lớn
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định dù Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh, nhưng phải thừa nhận một thực tế, đó là dịch đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi, trước 0 giờ ngày 22/3, thời điểm tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó rất nhiều người đến từ các nước đang có dịch.
Cụ thể, tính đến sáng 8/4, trong 251 trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam, có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam (PHEOC), qua theo dõi thực tế cho thấy hiện nay đã có tình trạng các lây nhiễm ra cộng đồng, điển hình như các bệnh nhân 237, 243, 251. Về trường hợp bệnh nhân 243, một số ý kiến cho rằng bệnh nhân lây từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai nhưng cũng cần đặt trường hợp bệnh nhân đã bị lây nhiễm từ cộng đồng, bởi xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, có đến cả những bệnh viện khác nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây từ cộng đồng.
Hiện cả nước đang thực hiện biện pháp cách ly xã hội (giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc) theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì thế việc lây truyền có chậm lại nhưng chưa thể khẳng định dịch đã được ngăn chặn. Vì vậy, không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cần tiếp tục các biện pháp: tiến hành cách ly, xét nghiệm những người tiếp xúc, có liên quan để tiến hành khoanh vùng, dập dịch ngay; quyết liệt thực hiện việc cách ly xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người khỏe mạnh, phát hiện sớm các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, khoanh vùng, cách ly sớm, không để bùng phát thành các ổ dịch lớn.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài việc tìm nguồn lây, cần xác định mỗi trường hợp mắc COVID-19 đều là ổ dịch, phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch với tinh thần không chủ quan, mất cảnh giác.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đến giờ phút này, các nguyên tắc chống dịch của Việt Nam đang đi rất đúng hướng, hiệu quả, hoàn toàn khác các nước phương Tây.
Một mặt, Việt Nam theo dõi, nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới nhưng điều quan trọng là phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Đặc biệt, trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, khi phát hiện cần coi đây là ổ dịch tiềm năng, cần tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với những người tiếp xúc gần; người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần người mắc bệnh.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thành và triển khai việc khám bệnh online, hỗ trợ người dân trong việc điều trị các bệnh thông thường tại nhà.
Tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để kịp thời phát hiện, xử lý
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng trong hai ngày gần đây, số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 có xu hướng giảm, vì thế đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Số lượng người dân có mặt ngoài xã hội, tham gia giao thông có chiều hướng tăng cao so với thời điểm công bố Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc cần có sự chấn chỉnh kịp thời, tránh tâm lý chủ quan, buông lỏng.
Thời gian tới, Bộ Công án sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thực hiện công việc ''đi từng ngõ, gõ từng nhà;" đồng thời bên cạnh việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Bộ cũng đã tính đến các phương án bảo vệ an toàn cho các lực lượng tiếp xúc, trấn áp tội phạm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 luôn đồng hành cùng Bộ Công an trong việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà.'' Thời gian tới, công tác rà soát cần mở rộng, tập trung vào các nhóm liên quan đến người nước ngoài (đang lưu trú, cư trú tại các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, nhà nghỉ; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam; người nước ngoài vào Việt Nam du lịch) và nhóm người Việt Nam (làm việc trực tiếp với người nước ngoài, người từ nước ngoài về nước; người đi qua/đi về từ vùng dịch; người liên quan, tiếp xúc gần, tiếp xúc gần với tiếp xúc gần với người mắc bệnh; người lang thang; đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội). Bộ Y tế đã và sẽ có các hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Các lực lượng đi làm nhiệm vụ cần được trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân, bởi có thể tiếp xúc với các trường hợp bị mắc COVID-19./.
Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin