Xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) từ lâu được biết đến là vùng đất cây lành trái ngọt, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống người dân khấm khá.
Xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) từ lâu được biết đến là vùng đất cây lành trái ngọt, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống người dân khấm khá.
Để có được sự thay đổi này, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), Đảng bộ, chính quyền và người dân đã nỗ lực rất lớn để xây dựng xã nhà thành vùng quê xinh đẹp, trù phú. Bình Hòa Phước là một trong những xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Từ nguồn huy động sức dân, các con đường, cây cầu tại xã Bình Hòa Phước được đầu tư ngày càng đạt chuẩn. |
Giao thông ngày càng hoàn thiện
“So với hồi mới giải phóng, xã Bình Hòa Phước đã thay đổi xa lắm”- ông Trần Văn Tỏ (Ba Tỏ)- Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp Phước Định 2- đã mở đầu câu chuyện như thế.
Sinh ra và lớn lên ở xứ cù lao nên ông Ba Tỏ hiểu rõ những khó khăn trong việc đi lại, bởi trước đây toàn là cầu tre lắt lẻo, giỏi lắm thì có miếng ván rộng cỡ 2 tấc để đi.
“Nếu tính 2 đầu của ấp Phước Định 2 là từ ấp Phước Định 1 (xã Bình Hòa Phước) đến xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách- Bến Tre) chỉ khoảng 2,5km mà có trên 20 cây cầu bắc qua kinh mương và 32 cây cầu qua sông”- ông Ba Tỏ kể.
Những năm mới giải phóng, đường rất lầy lội, đi xe đạp gặp mưa phải dẫn bộ. Hồi đó, trường xã chỉ dạy tới cấp 2, bàn ghế thì đóng, sửa tối ngày. Lên cấp 3 phải đi 12km tới huyện Chợ Lách để học. Mỗi lần tan trường là học trò lội bộ “trắng dã” luôn, tới mùa lũ thì nước ngập ngang đầu gối.
Thấy vậy, ông Ba Tỏ qua lò gạch xin gạch hư về đập, xin pít- toong đổ đường đi tạm, sau đó thì vận động đổ đan rồi nâng cấp đường lên từ từ. Lúc mới xây cầu cũng chủ yếu vận động làm cầu nhỏ, sau đó thì nới ra thêm nên giờ có cây cầu rộng 2,6m để cho xe 4 bánh qua.
Hiện, các cây cầu ngang rạch cũng đã được thay thế bằng tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn nên bà con an tâm sản xuất, khỏi lo chuyện nước nôi, đi lại cũng thoải mái hơn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh, người dân thường gọi ông Ba Tỏ là “ông Ba cầu đường” vì có bao nhiêu cầu, đường bị hư, xuống cấp là ông đi vận động xây, sửa “riết rồi… không còn cầu để bắc”.
Trong sự phát triển địa phương thì giao thông luôn đi trước, đường đi thuận tiện sẽ kéo theo phát triển cơ sở hạ tầng. Khởi phát từ ấp Phước Định 2, đến nay nhiều địa phương trong xã cũng làm tốt công tác huy động sức dân, nhờ vậy đường sá giờ đi lại “ngon lành” hơn trước rất nhiều.
Đưa ánh sáng điện về quê
Những năm đầu khi mới giải phóng, người dân xã Bình Hòa Phước cũng như nhiều địa phương khác toàn xài đèn dầu, hộ khá giả mới sắm nổi cây đèn “măng sông” vì giá tròm trèm trăm giạ lúa. Đèn cũng chỉ được dùng khi có đám tiệc. Ở xứ cù lao ngày xưa đâu ai nghĩ là có điện để xài, nhưng bây giờ nhà nhà sáng điện…
Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh, nhớ lại: Năm 1997, xã đã làm nên đột phá. Thay vì 3 năm nữa mới có điện, nhưng xã đã vận động nhân dân góp tiền kéo đường dây điện trung thế từ huyện Chợ Lách qua.
Xã Bình Hòa Phước hiện có 2.485 hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, đạt 100%. Đến nay, 100% đường liên xã, liên xóm của xã đều đạt chuẩn. Xã có 4,3km đường liên ấp cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (đạt 58,9%), dự kiến năm nay sẽ xây 3km đường liên ấp từ cầu Cái Muối đến QL57. Qua đó, sẽ nâng tỷ lệ đường liên ấp đạt chuẩn lên 100%. |
Lúc đó, mỗi hộ góp khoảng 1,5- 2 triệu đồng (1 năm sau Nhà nước trả lại). Xã cũng thành lập các tổ điện, trong đó chọn người có uy tín, năng nổ làm tổ trưởng để vận động người dân hùn tiền vô điện hạ thế.
Khi đó, Điện lực huyện Long Hồ thiết kế, chiết tính bình điện, trụ, đường dây hạ thế cho các ấp. Ấp Phước Định 2 được kéo điện trước tiên nhờ Điện lực tỉnh cho bình và đường dây hạ thế để kéo vô nhà dân ở Cầu Mương. Cũng trong năm đó, ông Ba Tỏ được bầu làm tổ trưởng tổ điện.
Ông đã vận động bà con hùn tiền mua 2 cái bình 37,5 KVA để kéo điện hạ thế (dài khoảng 2.000m). Khi khánh thành thì công khai ra dân nên rất được người dân đồng tình.
Trước khi giao lại cho ngành điện lực quản lý, ông Ba Tỏ đã tranh thủ xin thêm 2 bình 37,5 KVA cho phủ hết địa phương, nhờ vậy mà 100% người dân trong ấp đã có điện sử dụng.
Ông Võ Văn Đài (ấp Phú An 2) nhớ lại: Lúc đó, tiền “máng điện” (mua bình, trụ và dây hạ thế) là 3 triệu đồng/hộ, trong đó 2 triệu đồng tiền mặt, còn 1 triệu thì vay ngân hàng. Khi ông tổ trưởng dẫn đi vay, người dân rất đồng tình. Song, cũng có người không tin vì nghĩ rằng chuyện có điện là… nằm mơ, tới khi có điện rồi mới “mừng dữ lắm”.
Thông qua phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, năm 2008, xã Bình Hòa Phước triển khai mô hình “trong nhà có mỏ ngoài ngõ có đèn” và cũng làm đầu tiên ở ấp Phước Định 2 sau đó lan rộng ra các ấp.
Sôi nổi nhất là những năm 2017- 2018- 2019, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã, các ấp đua nhau vận động làm đèn. Đến nay, toàn xã có trên 19km đường có đèn thắp sáng. “Từ khi có đèn đường, những cụ ông, cụ bà rủ nhau đi bộ tập thể dục.
Ngày tết người dân vui mừng đi chúc tết, có việc về trễ cũng không lo trời tối vì đường sá ngon lành mà đèn thì sáng trưng, cuộc sống nơi thôn quê giờ không khác thành thị bao nhiêu”- Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh nhận định.
Ông Nguyễn Văn Phước (ấp Bình Hòa 1): Ngày xưa cứ mỗi con rạch là một cây cầu nhưng rất khó đi. Đặc biệt là có đường ranh làng dài 200m toàn bắc bằng tre. Sau này, được bơm cát rồi làm đường đi. Nhờ giao thông thuận tiện, người dân cất nhà theo tuyến đường, các cơ sở dịch vụ mua bán cũng phát triển theo. Ông Võ Văn Đài (ấp Phú An 2): “Tui tâm đắc nhất là giao thông của xã được đầu tư ngày càng hoàn thiện, giờ xe 4 bánh mua nông sản chạy tới cửa, xe 2 bánh thì vô tới vườn, nên chuyện chuyên chở, buôn bán nông sản dễ dàng hơn và được giá hơn nên người dân rất phấn khởi. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin