Kỳ 2: "Dồn điền đổi thửa" cùng nhau hiến đất xây quê hương đổi mới

04:04, 02/04/2020

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong", thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã khơi dậy sức mạnh lớn lao của nhân dân theo chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và đã tạo nên "kỳ tích" trong việc khơi sức dân xây dựng giao thông nông thôn.

[links()]

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã khơi dậy sức mạnh lớn lao của nhân dân theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và đã tạo nên “kỳ tích” trong việc khơi sức dân xây dựng giao thông nông thôn.

Tuyến đường Ấp 10 ngày càng rộng, đẹp hơn nhờ người dân hiến đất và chăm sóc hoa, cây kiểng 2 bên đường.
Tuyến đường Ấp 10 ngày càng rộng, đẹp hơn nhờ người dân hiến đất và chăm sóc hoa, cây kiểng 2 bên đường.

Từ câu chuyện “dồn điền đổi thửa”

Chúng tôi về thăm xã Mỹ Lộc, giờ đây đã trở thành vùng quê trù phú với những mảnh vườn, thửa ruộng mướt màu xanh. Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, những căn nhà tường khang trang điểm tô bởi các loại hoa, cây cảnh tạo nên sức sống mới ở vùng nông thôn.

Là xã anh hùng trong kháng chiến, đến thời bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Mỹ Lộc tiếp tục chung tay xây dựng quê hương và đã đưa Mỹ Lộc trở thành xã đầu tiên của huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM và cũng là xã đầu tiên của huyện về đích NTM nâng cao. Thành quả đó, chính là nhờ làm “khéo” công tác dân vận trong xây dựng NTM.

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhất là ruộng đất của ông cha để lại không ai dễ cho đi nhưng người dân Ấp 10 của xã Mỹ Lộc thì nghĩ khác.

Cùng nhau hiến đất làm bờ đê, mở rộng làm đường đan rồi làm lộ nhựa, khi Nhà nước cần người dân tiếp tục hiến đất để nhựa hóa con đường. Điều đáng quý là người dân nơi đây sẵn sàng “dồn điền đổi thửa”, đổi đất với nhau để cùng hiến đất cho Nhà nước xây đường.

Theo thiết kế, tuyến đường Ấp 10 sẽ chạy xuôi qua phần đất nhà của bà Đinh Thị Ba tới 3.000m2. Đây là diện tích không nhỏ. Tuy gia đình bà Ba rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước, nhưng việc mất quá nhiều đất cũng ảnh hưởng đến đời sống gia đình.

Thấu hiểu nỗi niềm đó, lãnh đạo Chi bộ Ấp 10 đã “hiến kế” với Đảng ủy, UBND xã về việc “dồn điền đổi thửa”. Qua đó, địa phương đã có sự linh hoạt, chủ động trong việc vận động các hộ lân cận cùng đổi đất với bà Ba để “mỗi người cùng tham gia hiến một ít nhưng được hưởng cái lợi chung”.

Như vậy, gia đình bà Ba không phải hiến quá nhiều đất, chỉ hiến 1.000m2 đất thay vì 3.000m2 như dự tính lúc đầu.

Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu (83 tuổi) cũng đã đổi ruộng với bà Ba và hiến khoảng 1.000m2 đất. Nhớ lại, thời chiến chồng bà Sáu- ông Nguyễn Văn Đạt làm trưởng công an xã và hy sinh năm 1969.

Một mình bà Sáu nuôi dạy 6 đứa con, trong đó có đứa còn trong bụng mẹ, vì nước vì dân bà tiếp tục làm giao liên và có công nuôi chứa lãnh đạo Tỉnh ủy. Với công lao đó bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Đến nay, khi Nhà nước tiếp tục làm cuộc cách mạng xây NTM, chính quyền ở xã tới lui vận động, bà Sáu cũng hiểu “nếu xây được con đường thì cũng con cháu, bà con chòm xóm mình được hưởng lợi chứ nói chi xa”, vậy là bà gật đầu đồng ý.

Và thành quả từ huy động sức dân

Bà Sáu (giữa) đã hiến 1.500m2 đất để làm đường phía trước nhà và sau ruộng.
Bà Sáu (giữa) đã hiến 1.500m2 đất để làm đường phía trước nhà và sau ruộng.

Trong cuộc vận động “dồn điền đổi thửa”, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh cũng là 1 trong 3 hộ đã đồng ý đổi ruộng với gia đình bà Đinh Thị Ba, đồng thời hiến 500m2 đất để làm đường.

Ông Thanh kể: Lúc đó chính quyền địa phương và chi bộ ấp tới động viên, tui thấy cũng thấu tình đạt lý vì “đây cũng là trách nhiệm mà dân mình nên làm”- ông Thanh bày tỏ.

“Quan trọng là làm cho được NTM”- ông Thanh nói: “vì mình và bà con cũng được hưởng lợi từ công trình mang lại. Đường sá ngon lành thiệt là mê, giao thương hàng hóa mau lẹ, mà bán hàng nông sản cũng có giá hơn”.

Bà Nguyễn Thị Sáu thì cho biết: “Nếu tính tổng diện tích đất gia đình tui đã hiến để làm lộ trước nhà và phần đất ruộng thì tới 1.500m2. Cũng nhờ vậy mà giờ chỗ nào đi lại cũng “ngon ơ”.

Làm đường xong thì Nhà nước vận động trồng hoa để làm đẹp cảnh quan, giờ đường sá trong xã toàn bông hoa, cây cảnh, nhìn vui như tết. Chuyện đi đứng giờ thiệt sướng hết sức”- bà Sáu cười móm mém.

Năm 2019, xã Mỹ Lộc đã về đích NTM nâng cao với 13/19 tiêu chí đạt vượt so quy định. Trong đó, vượt 50% tỷ lệ đường liên ấp đạt chuẩn đường giao thông nông thôn; tỷ lệ ấp đạt văn hóa 5 năm liên tục vượt 30%; tỷ lệ thụ hưởng và tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa và tập luyện thể thao vượt 26%...

Anh Nguyễn Tấn Phước- con rể của bà Sáu- cũng tiếp lời: Ngày xưa đất ruộng giá chỉ 20- 30 triệu đồng/công, nhưng từ khi gia đình tui hiến đất ra mặt tiền, giá đất giờ lên tới 600- 700 triệu đồng/công.

Nhờ mở thêm đường và việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn trước rất nhiều…

Ông Nguyễn Văn Năm- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM xã- cho biết: Trong xây dựng NTM, điều quan trọng là làm sao nói cho dân hiểu được rằng mình chính là người thụ hưởng thành quả từ chương trình xây dựng NTM mang lại.

Trong công tác vận động cũng vậy, nếu khơi gợi được sự đồng cảm của người dân thì sẽ được đồng tình cao.

Bằng biện pháp “mưa dầm thấm lâu” mà người dân xã Mỹ Lộc đã sẵn sàng cho đi “tấc vàng” để biến vùng đất đầy gian khó ngày nào trở nên xinh đẹp, trù phú.

Giờ đây, người dân xã Mỹ Lộc nói chung và Ấp 10 nói riêng không những có đường đi thông suốt mà nước sạch, điện thắp sáng đã kéo về vùng quê, hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh đảm bảo phục vụ tốt cho đời sống dân sinh.

Đối với những người từng trải qua thời chiến đầy gian khó, từng chung sức xây dựng quê hương sẽ càng thêm trân quý và hiểu được “việc cho đi là xứng đáng”.

Kỳ cuối: Chất lượng cuộc sống- thước đo của sự thành công

Bà Đinh Thị Ba: “Thời chiến, gia đình chồng tui theo cách mạng đánh đuổi quân xâm lăng; gia đình tui thì hiến xuồng, ghe máy phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân. Thời bình, Nhà nước cần thì gia đình tui tiếp tục hiến đất để xây mới quê nhà “hơn cả sự mong đợi”. Trong Di chúc, Bác Hồ từng cho rằng: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây lại hơn mười ngày nay”, nhưng tui thấy quê hương mình đã đổi thay hơn mấy chục lần so trước ngày giải phóng”.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh