Trong khi các bác sỹ đang nỗ lực hết mình để chiến thắng dịch COVID-19 thì các cơ quan chức năng, báo chí cũng đang nỗ lực hết mình để dập "đại dịch thông tin."
Trong khi các bác sỹ đang nỗ lực hết mình để chiến thắng dịch COVID-19 thì các cơ quan chức năng, báo chí cũng đang nỗ lực hết mình để dập “đại dịch thông tin.”
Các phóng viên là những chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch thông tin. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN) |
Trong khi cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, vẫn có không ít người lợi dụng dịch bệnh, cố tình đồn thổi, đưa tin sai sự thật, gây hoang mang, lo sợ quá mức cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ, cương quyết xử lý các trường hợp tung tin giả, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai lệch
Vừa qua, Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (Công an thành phố Đà Nẵng) đã ra Quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với P.V.T (sinh năm 1985, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Trước đó, ngày 2/4, P.V.T đã đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; lợi dụng vụ việc 2 công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ để xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Đây là một trong số hơn 30 vụ xử lý người cố tình tung tin giả, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh của Công an thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.
Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi, Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị Nội bộ (Công an thành phố Đà Nẵng) khuyến cáo khi tương tác trên mạng xã hội, người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu đăng tải thông tin giả, sai sự thật, ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cao hơn nữa là vi phạm hình sự.
Người dân cũng cần thận trọng khi đọc thông tin trên mạng xã hội, cần rà soát các thông tin, kiểm chứng qua các nguồn tin chính thống để tránh tiếp tay lan truyền tin giả, tin sai lệch.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, cho biết từ những ngày đầu chống dịch đến nay, Sở đã phân công cán bộ liên tục theo dõi thông tin trên mạng xã hội, phân loại các đối tượng để xử lý nếu có vi phạm.
Với các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về tình hình dịch COVID-19, Sở đã phát hiện và mời làm việc 5 trường hợp, ra quyết định xử phạt 2 trường hợp vi phạm pháp luật trong việc đăng tải thông tin;, đề nghị 1 trường hợp rút bài viết trên mạng xã hội vì thông tin có thể gây hiểu nhầm; phối hợp Công an thành phố phạt 2 trường hợp vi phạm pháp luật trong việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Một ví dụ về hệ quả xấu của tin giả là ngày 11/3, trên mạng xã hội lan truyền thông tin có 10 bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay trong đêm đó, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này. Mặc dù vậy, tin đồn thất thiệt này vẫn gây lo lắng cho một số người dân tới khám bệnh, người thân, hàng xóm của các y, bác sỹ trong Bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân cho biết những thông tin thất thiệt bị lan truyền trong cộng đồng sẽ khiến người dân hoang mang, lo sợ quá mức cần thiết và có thể làm sai các quy tắc phòng, chống dịch trong cộng đồng, tạo cơ hội cho virus dễ dàng lan truyền hơn.
Tin giả nhắm vào đội ngũ y, bác sỹ càng làm cho những người đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch thêm khó khăn, mệt mỏi về tinh thần. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, không lan truyền tin giả và lựa chọn nguồn tin chính xác từ các cơ quan quản lý, các báo, đài chính thống.
Chung tay dập “đại dịch thông tin”
Trong khi các bác sỹ đang nỗ lực hết mình để chiến thắng dịch COVID-19 thì các cơ quan chức năng, báo chí cũng đang nỗ lực hết mình để dập “đại dịch thông tin.”
Theo nhà báo Lê Phi, Trưởng Văn phòng Miền Trung, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, tin giả trên mạng xã hội có đặc điểm là đánh trúng tâm lý lo lắng của người dân và khả năng lan truyền rất nhanh. Trách nhiệm của báo chí chính thống là kịp thời vạch mặt, lên án, chặn đứng các thông tin thất thiệt, nguy hại.
Nhưng để chống lại các thông tin giả mạo này thì các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin sớm để báo chí chính thống đăng tải. Tránh việc báo chí chưa có thông tin nhưng các tin tức, hình ảnh đã rò rỉ trên mạng xã hội, sau đó bị kẻ xấu biến tấu và làm sai lệch bản chất, gây hoang mang dư luận.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đã có nhiều bài viết chuyên sâu về nhận diện, xử lý và phòng chống “đại dịch thông tin.” Ông cho biết sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan báo chí trên “mặt trận” chống tin giả, tin sai lệch là một đặc điểm nổi bật của Việt Nam, được thế giới đánh giá cao.
Nhưng chỉ chính quyền và báo chí là chưa đủ, một xã hội muốn chống đỡ được dịch bệnh hay tình trạng tin giả tràn lan thì cần sự chung tay, góp sức từ mỗi người dân.
Chẳng hạn, muốn phòng ngừa lây nhiễm virus thì mỗi người cần thay đổi thói quen, thường xuyên rửa tay kháng khuẩn và đeo khẩu trang.
Còn để phòng ngừa tin giả, tin sai lệch thì mỗi người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá, đồng thời trang bị các kiến thức cần thiết.
Khi gặp một thông tin mới, chúng ta cần bình tĩnh tìm hiểu và tự hỏi bản thân xem có nên lan truyền thông tin đó không? Khi người dân được trang bị những kiến thức đúng đắn, chỉ chia sẻ các thông tin chính thống thì “đại dịch thông tin” sẽ không thể lan truyền./.
Theo Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin