Những ngày đầu, khi thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, nhịp sống đô thị TP Vĩnh Long dường như chậm rãi hơn bình thường với những tuyến phố vắng người, nhiều cửa hàng kinh doanh, nhà đóng cửa…
Những ngày đầu, khi thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, nhịp sống đô thị TP Vĩnh Long dường như chậm rãi hơn bình thường với những tuyến phố vắng người, nhiều cửa hàng kinh doanh, nhà đóng cửa…
Song, vài ngày qua, nhiều người bất ngờ khi các con đường, chợ dân sinh trở nên đông đúc dù vẫn còn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 05 của UBND tỉnh về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
2 tiệm bánh ngọt lớn trên đường Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long) có lượng khách khá đông trong những ngày giãn cách xã hội. |
Đã xuất hiện tâm lý chủ quan?
Nhìn chung, phần lớn người dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về giãn cách xã hội. Chỉ có một bộ phận “cảm thấy ngột ngạt khi ở mãi trong nhà” và khi có một vài thông tin lạc quan, tích cực về dịch bệnh thì họ lơi lỏng việc bảo vệ chính bản thân mình cùng gia đình- đặc biệt là những gia đình ở phố thị.
Những hành vi như: không đeo khẩu trang, tập trung đông người, lén lút mở bán hàng kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu… là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Họ suy nghĩ rằng, bên ngoài tránh dịch nên ít người đi ra công viên, chạy bộ vài vòng chắc sẽ an toàn.
Song, khi ai cũng nghĩ vậy thì kết quả chiều mát, Công viên Khu vượt lũ Phường 8, Công viên Phường 9 hay Quảng trường TP Vĩnh Long tập trung khá đông những người đi bộ, chạy bộ hay hóng mát. Trong số này có không ít người không đeo khẩu trang và chưa thực hiện tốt giãn cách 2m để phòng chống dịch bệnh.
Trẻ em chơi bóng đá (không đeo khẩu trang)! Anh Lưu Vĩnh Tường thường chạy bộ trong Công viên Khu vượt lũ Phường 8 cho biết: “Tôi có thói quen chạy bộ mỗi sáng quanh khu dân cư, giờ cách ly thì mọi người chạy ít hơn chút nhưng quen rồi sáng nào cũng chạy”.
Nói về việc thực hiện giãn cách xã hội, anh Tường cho biết: “Khi chạy bộ tôi cũng cố gắng chạy xa xa người khác nhưng cũng có nhiều nhóm chạy 5-7 người họ thân với nhau nên vừa chạy vừa nói chuyện”.
Qua quan sát trong những ngày gần đây, trên một số tuyến phố của TP Vĩnh Long, đã xảy ra tình trạng bon chen khi mua thức ăn, trà sữa. Họ đứng sát vào nhau, thậm chí người bán cũng “đeo khẩu trang như không”.
Tại quầy bán hải sản, các quán trà sữa trên đường Trưng Nữ Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long) mỗi chiều đều rất đông khách. Vậy là quên mất quy định 2m, nhiều người vẫn đứng san sát nhau. Tương tự tại 2 tiệm bánh ngọt lớn trên đường Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long), lượng khách cũng thường xuyên đông và mọi người dường như chỉ mong muốn mua xong để về nên không để ý đến chuyện giãn cách xã hội.
Đến nay, có khoảng 3,5 tỷ người trên toàn cầu phải thực hiện giãn cách xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện. Tại Việt Nam, từ 1-15/4/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16, trong đó khuyến khích người dân nên ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. |
Không nên lơi lỏng thực hiện “giãn cách xã hội”
Tâm lý chủ quan và sự khó chịu khi phải “bó gối” ngồi nhà đã khiến lượng người dân ra đường đông hơn, kể cả tại các chợ truyền thống, đặc biệt trước thông tin khả quan trong việc phòng chống dịch. Việc này vô tình gây nhiều ảnh hưởng đến công tác chống dịch.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ truyền thống, nhiều người chấp hành tốt việc mang khẩu trang, thậm chí có người còn đeo 2 cái khẩu trang “cho chắc”! Trong khi đó, vẫn còn một số người bán không đeo khẩu trang hoặc có đeo thì “cũng như không”.
1 góc chợ Vĩnh Long trên đường 1 Tháng 5 vào sáng chủ nhật (12/4) |
Chị Nguyễn Ngọc Duyên (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Buổi sáng ở chợ Vĩnh Long có chốt chặn, đo thân nhiệt, có bố trí điểm rửa tay sát khuẩn và nhắc nhở người đi chợ, tiểu thương ý thức đeo khẩu trang.
Song, đến chiều tối tôi chạy ngang khu vực chợ cá thì một số người buôn bán trên vỉa hè không ý thức đeo khẩu trang và an toàn vệ sinh thực phẩm. Người mua, người bán khá đông. Thiệt tình, mình không biết ai bệnh, ai không nên tôi hạn chế đi chợ luôn, chỉ mua đồ ăn cần thiết rồi nhanh về rửa tay, thay đồ liền”.
Còn anh Nguyễn Khánh Duy cho biết: “Chủ nhật vừa rồi về quê tôi đi chợ xã An Phước (Mang Thít) thì thấy người dân quê mình còn chủ quan quá. Số người bán và người mua không đeo khẩu trang rất nhiều, trong khi chợ thì đông đúc”.
Các chuyên gia y tế khẳng định, nếu không thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, người dân ra đường và tiếp xúc nhiều trong khi dịch đang âm thầm lây lan trong cộng đồng sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Vì thế, người dân cần ý thức thực hiện nghiêm ở trong nhà, chỉ ra đường khi thật cần thiết trong những ngày này. Do diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn hiện hữu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết, tâm lý của người dân khi thấy ca bệnh giảm, ổn thì có tâm lý chủ quan, lơi lỏng trong thực hiện chủ trương giãn cách xã hội sẽ hết sức nguy hiểm, có thể biến nỗ lực phòng chống dịch lâu nay của Việt Nam thành vô ích.
Tỉnh có chỉ đạo đối với các ngành chức năng, cơ quan quản lý về y tế, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là chính quyền địa phương quản lý chặt trong thời gian còn “cách ly xã hội”.
Từ đây đến hết 15/4, người dân Vĩnh Long không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, vẫn thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Vĩnh Long về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Cách ly xã hội đem lại những hiệu quả về y tế, sau đó về xã hội. Việc thực hiện cách ly xã hội mang lại những hiệu quả về ngăn dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam. Cụ thể là số mắc mới giảm liên tục từ ngày 4/4 đến nay. Trong gần 10 ngày qua, 3 ngày có số mắc cao nhất ghi nhận 4 bệnh nhân/ngày, cũng có 2 ngày ghi nhận 1 bệnh nhân, trong khi ở thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4, số bệnh nhân ghi nhận mỗi ngày đều trên 10 người (ngày 22/3 ghi nhận tới 19 bệnh nhân), các ổ dịch mới mất dấu ca F0 liên tiếp xuất hiện... Song, theo các chuyên gia dịch tễ học, dù số người nhiễm giảm nhưng đây lại là những ca nhiễm trong cộng đồng, không chỉ từ những người nhập cảnh vào Việt Nam như trước đây. Vì vậy, tất cả ca nhiễm hiện nay đều được đánh giá là F0 và việc giãn cách xã hội là điều cực kỳ cần thiết. |
Bài, ảnh: QUYỀN HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin