Ý thức cách ly- ý thức phòng chống dịch COVID-19

06:03, 26/03/2020

Giữa thời điểm dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ nỗ lực ở mức cao nhất "chống dịch như chống giặc"; sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất để bảo vệ tính mạng của người dân cũng như sự bình an cho đất nước. 

Giữa thời điểm dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ nỗ lực ở mức cao nhất “chống dịch như chống giặc”; sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất để bảo vệ tính mạng của người dân cũng như sự bình an cho đất nước.

Đối với những người được cách ly tập trung sau khi trở về từ vùng dịch, ý thức và tinh thần trách nhiệm lại càng được nêu cao, vì có như vậy mới đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thân và cộng đồng.

Các bạn trẻ cùng nhau dọn dẹp khu vực cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long.
Các bạn trẻ cùng nhau dọn dẹp khu vực cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long.

“Cách ly”- cơ hội cho con rèn kỹ năng

Những ngày gần đây, lượng người Việt Nam trở về từ nước ngoài được chia về các khu cách ly khá đông.

Hình ảnh lực lượng chức năng, nhân viên y tế và đội dân quân tự vệ đã căng mình làm việc luân phiên ngày đêm để đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt nhất cho đồng bào trở về nước ở những khu cách ly y tế tập trung khiến không ít người xúc động.

Song, hình ảnh hàng trăm người chen chúc xách theo lỉnh kỉnh đồ đạc, nháo nhác đến khu vực Ký túc xá ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để tiếp tế từ bia đến quạt điện, tủ lạnh, chổi lau nhà,... cho người thân trong khu cách ly nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Điều kiện ở khu cách ly khá tốt nhưng những người thân đã vô tình tạo thêm áp lực khi những người chống dịch ở tuyến đầu phải làm việc liên tục vì có quá nhiều người.

Chưa kể việc tập trung đông người, ngay khu vực cách ly còn làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và công tác thu gom rác thải và đồ dùng mà những người cách ly đã sử dụng và vứt đi cũng là một áp lực.

Rồi khi khu cách ly này tạm ngưng nhận đồ tiếp tế cho người cách ly, chỉ nhận những nhu yếu phẩm thật cần thiết như thuốc, khẩu trang… thì nhiều người tìm cách ném hàng qua hàng rào, bất chấp lệnh ngưng tiếp tế.

Chị Trương Thị Ngọc Hương (Quận 5- TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hình ảnh phụ huynh ùn ùn đến tiếp tế cho con quá nhiều đồ đạc tại các khu cách ly một lần nữa lại bộc lộ những điểm yếu trong cách nuôi dạy con cái của cha mẹ Việt Nam.

Chị thở dài: “Không ít ba mẹ thương con quá đến mức bao bọc, quên mình vất vả và quên luôn người khác cũng đang nai lưng vất vả vì con. Sợ con chịu khổ mà không biết rằng có những khi chịu khổ cũng giúp chúng học bao điều mà nhà trường và gia đình khó dạy được.

Không tin tưởng vào khả năng thích nghi và xoay xở của con. Lúc nào cũng nghĩ nó còn bé lắm. Ngại cho con trải nghiệm những khó khăn”.

Cũng có 2 con du học sinh ở Australia trở về đang thực hiện cách ly tại Ký túc xá ĐH Quốc gia, song vợ chồng chị vẫn vững tâm khi con trở về an toàn và đang vui hòa nhập cùng mọi người 14 ngày trong môi trường cách ly.

Với chị, đó là một trải nghiệm, bài học quý báu mà con học được trong mùa dịch bệnh. “Tôi chú trọng đến khía cạnh tinh thần cho con hơn là vật chất. Một tinh thần lạc quan, tử tế và kiên nhẫn cho con lúc này quan trọng hơn cả. Qua facebook, thấy con vui, khỏe, cùng các bạn vệ sinh phòng ốc, ăn ngon, ngủ yên giấc là an tâm lắm”.

Mỗi người chọn cách ứng xử, có thể kiên nhẫn hoặc có thể hoảng loạn. Nhưng chọn thái độ tiêu cực chỉ gây hại cho bản thân nhiều hơn là có lợi.

Phần lớn những người ở khu cách ly tập trung là người lao động, du học sinh về nước… Đa phần đều xa gia đình và quen với cuộc sống tự lập. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi 14 ngày, phụ huynh nên một lần nữa “buông tay” để người thân trưởng thành từ những trải nghiệm thực tế.

“Cách ly” và trách nhiệm công dân trong mùa dịch

2 tuần cách ly tập trung trong môi trường xa lạ sẽ không thoải mái như ở nhà, nhưng sự an toàn cho tất cả thì chắc chắn là nhiều hơn. Với em Nguyễn Thảo Mai (du học sinh)- là 1 trong 231 người trở về từ Australia đang cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long (xã Loan Mỹ- Tam Bình) rất mừng vui khi trở về quê hương Vĩnh Long trong mùa dịch. Và Mai cùng mọi người tuân thủ nghiêm túc các quy định và vẫn giữ được tinh thần thoải mái, lạc quan.

Em Nguyễn Thị Lệ Quyên (du học sinh Hàn Quốc, quê ở Đồng Nai) vừa trải qua 14 ngày cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Trước khi về, trong đầu em vẫn còn nhiều suy nghĩ tiêu cực, lo sợ về việc cách ly. 2 tuần trải nghiệm, em lại cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn như được trở về tuổi thơ nơi bình yên cùng những người bạn ở nhiều miền quê khác nhau”.

“Ở đây không máy lạnh nhưng xung quanh cây cối rất mát mẻ, không tủ lạnh nhưng có thùng mút trữ đá, không máy giặt lại cho tôi được rèn luyện được kỹ năng giặt tay, nước lâu lâu bị mất nhưng vẫn có nước trong hồ dự trữ, mọi thứ đơn giản không bộn bề và bình yên đến lạ”.

Trong khu cách ly, mọi người đến từ nhiều nơi lại gặp nhau ở điểm chung, đó là đều dành 14 ngày tạm xa người thân, công việc để chăm sóc sức khỏe. “Có các chị đang mang bầu, một chị có em bé mới 4 tháng tuổi…

Ai cũng rất lạc quan, vui vẻ, thoải mái, giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người cùng lau dọn thường xuyên để môi trường sống trong sạch, đẩy lùi COVID-19. Tới bữa ăn, cùng chủ động phụ các việc như rửa chén, làm cá, nhặt rau, lau dọn nhà ăn phụ giúp các chú bộ đội”- Lệ Quyên chia sẻ.

Đang mang bầu được hơn 24 tuần, chị Nguyễn Thị Quỳnh Thu (quê ở Bắc Ninh) cho biết: «Về đây cách ly thì đảm bảo sức khỏe cho 2 mẹ con em hơn.

Nếu mình không cách ly thì về không biết có lây cho gia đình mình hay không, rồi liên lụy hàng xóm nữa. Có khi đi ra ngoài còn nguy hiểm hơn, cách ly là khoảng thời gian để tranh thủ nghỉ ngơi”.

Khoảng thời gian 14 ngày là như nhau với những người cách ly tập trung và trốn cách ly hoặc khai báo y tế gian dối. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ, ý thức và trách nhiệm sẽ đem lại hiệu quả cho công tác phòng chống dịch, thay vì là hậu quả. Dịch bệnh sẽ không còn quá đáng sợ khi mỗi người đều trân trọng công sức và có ý thức với xã hội như vậy.

Dịch bệnh COVID- 19 cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại sự quý giá của cuộc sống và về những gì quan trọng nhất đối với mỗi người, như là việc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già hoặc bệnh tật, yêu thương và trân quý cuộc sống này nhiều hơn. Nếu nhìn theo khía cạnh tích cực giữa giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh hoành hành, sự có mặt của siêu vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã “giúp” mọi người củng cố lại mọi sinh hoạt vốn bị xem nhẹ lúc bình thường, mọi người gần gũi, quan tâm đến nhau hơn và cũng ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình, của cộng đồng nhiều hơn.

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh