Năm 2019, thu nhập bình quân của xã NTM Bình Hòa Phước (Long Hồ) đạt 45,53 triệu đồng/năm, tăng gấp 1,57 lần so thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM (năm 2015). Năm 2020, xã đăng ký về đích NTM nâng cao, theo quy định thu nhập bình quân đầu người phải đạt 50 triệu đồng/năm. Vì vậy, xã cần phấn đấu tăng thêm 4,47 triệu đồng/người/năm.
Năm 2019, thu nhập bình quân của xã NTM Bình Hòa Phước (Long Hồ) đạt 45,53 triệu đồng/năm, tăng gấp 1,57 lần so thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM (năm 2015). Năm 2020, xã đăng ký về đích NTM nâng cao, theo quy định thu nhập bình quân đầu người phải đạt 50 triệu đồng/năm. Vì vậy, xã cần phấn đấu tăng thêm 4,47 triệu đồng/người/năm.
Đập dã chiến ngăn mặn, dẫn nước ngọt “cứu” vườn cây ăn trái. |
Từ những giải pháp tình thế
Những tháng đầu năm 2020, toàn xã có 1/2 diện tích đất bị xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân sinh. Song, để kịp về đích theo lộ trình đề ra, địa phương và người dân đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước “cứu” vườn cây ăn trái cũng như giải quyết “bài toán” thu nhập.
Trong 900ha diện tích đất nông nghiệp của xã có hơn 400ha vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh- cho biết: Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhận định được tình hình xâm nhập mặn lên từ từ nên xã đã dự báo, thông báo đến người dân, có kế hoạch chủ động ứng phó.
Theo đó, mỗi ngày 2 buổi (sáng- chiều) xã đều cập nhật thông tin tại chợ, nhà văn hóa… về tình hình độ mặn và khuyến cáo bà con trong việc tưới tiêu.
“Ngày nào tui cũng nhờ đứa con làm ở UBND xã coi dùm thông báo độ mặn. Nếu dưới ngưỡng 0,5‰ thì… tui tưới nước cho cây “giải khát”- ông Nguyễn Thanh Triết- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Hòa 1- nói.
Anh Nguyễn Văn Trãi (ấp Bình Hòa 1) thì “xử lý tình huống” tạm thời bằng cách lấy nước máy tưới cho 5 công chôm chôm vì cây “không thể chịu khát kéo dài”.
Tới tháng trả tiền nước mà “giật mình” trước con số tăng vọt. Song, anh Trãi cũng như nhiều hộ dân cho rằng tính ra tưới nước máy vẫn rẻ hơn một số hộ phải mua nước sông về tưới với giá 1,6 triệu đồng/ghe (40m3) mà “phải đợi đôi ba bữa mới có”. Còn nếu không thì tự vận chuyển xe để lấy nước.
Nhà ở xa nguồn nước nên 7 năm trước, anh Võ Văn Nhựt (ấp Phú An 2) đã cho đào giếng, chủ yếu là để… thủ khi bị cúp nước hoặc nước kém không vô tới thì cũng có nước sinh hoạt.
Không ngờ cái giếng này phát huy tác dụng, giúp 7 công nhãn và chôm chôm của anh không bị “khát nước” khi nơi đây “bất ngờ bị mặn”.
Theo anh Nhựt, nước giếng tuy không tốt bằng nước sông nhưng vẫn có thể “chữa cháy” được và vẫn tốt hơn là dùng nước sinh hoạt để tưới cây. Song, cũng phải tốn tiền điện bơm nước lên rồi đưa xuống mương cho lắng đọng lại rồi mới tưới cây.
Đến những giải pháp dài hơi
Mô hình chăn nuôi dê đang được xã khuyến khích nhân rộng. |
Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh cho hay, trên địa bàn xã Bình Hòa Phước có QL57 đi qua, dưới đường lộ có cống nước lớn (đường kính khoảng 1,5m) được làm từ lâu nhưng qua thời gian không sử dụng nên bị bồi lắng. Vừa qua, xã đã vận động khơi thông để dẫn nước ngọt từ phía ấp Phước Định 1 qua Bình Hòa 1.
Bên cạnh, xã cũng đã vận động người dân nạo vét kinh mương để hứng nước ngọt từ sông Cổ Chiên qua, đặt mô tưa bơm nước hay linh hoạt xử lý cho cây ra trái mùa nghịch để tiết kiệm nước.
Đồng thời, xã cho đóng 100 nắp bộng, UBND huyện hỗ trợ 50 thùng chứa nước (500 lít/thùng) để giúp người dân trữ nước…
Phối hợp Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện khảo sát, thiết kế và cho thi công 2 con đập dã chiến ngăn không cho nước mặn từ phía sông Hàm Luông lấn vô mà dẫn nước ngọt từ sông Cổ Chiên vào. Công trình đã “giải mặn” cho vườn cây ăn trái, từ đây, xã dự kiến làm thêm đập dã chiến cho ấp Phú An 2.
“Với trách nhiệm của mình, xã sẽ làm hết sức mình để chăm lo cho dân”- Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh nói. Song, đây chỉ là những giải pháp giúp hạn chế thiệt hại để giữ thu nhập cho bà con.
Về lâu dài, xã rất mong có nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp sức hỗ trợ về kinh phí và hướng dẫn kiến thức để khắc phục vườn cây ăn trái sau thời gian bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Trước mắt, xã vận động người dân phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình nuôi dê đang được khuyến khích nhân rộng vì chủ yếu là “lấy công làm lời”.
Đặc biệt là, dê có thể uống nước… mặn chút đỉnh và không cần tắm như một số vật nuôi khác và giá ở mức tương đối cao.
Bên cạnh, mô hình nuôi lươn không bùn cũng khá phù hợp trong tình hình hạn mặn vì sử dụng nước máy 100% để đảm bảo xử lý sạch. Hiện, đàn heo của xã đang được quan tâm tái đàn và giá ổn định; xã cũng vận động các hộ nuôi ao cá, nuôi cá lồng bè duy trì diện tích hiện có và phát triển thêm khi có điều kiện.
Bí thư Đảng ủy xã- Trần Minh Cảnh cho biết thêm, xã cũng dự kiến mở thêm các lớp đào tạo nghề như sửa kiểng mai, nấu ăn, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch… để nâng cao tay nghề cũng như thu nhập cho người dân.
Mong rằng, với những giải pháp như trên sẽ giúp xã Bình Hòa Phước giải được “bài toán” thu nhập để đến cuối năm nay xã có thể về đích NTM nâng cao theo lộ trình đề ra. Đồng thời, hướng đến mục tiêu cuối cùng là “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn”.
Năm 2019, xã Bình Hòa Phước có 2.025 lao động có việc làm qua đào tạo, đạt 33,44%, xã đang phấn đấu thêm 31,56% để đạt tiêu chí GD-ĐT về chỉ tiêu tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo. Toàn xã có 6.056 lao động trong độ tuổi lao động tham gia lao động, đạt 96,42%, xã cần phấn đấu thêm 1,58% để đạt tiêu chí lao động có việc làm. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin