Sẽ hỗ trợ cứu vườn cây bị nhiễm mặn

08:03, 13/03/2020

Qua khảo sát, ghi nhận một số thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn tại một số địa phương mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ người dân biện pháp kỹ thuật để chăm sóc lại vườn cây nhiễm mặn, khôi phục sản xuất, giảm thiệt hại.

Qua khảo sát, ghi nhận một số thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn tại một số địa phương mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ người dân biện pháp kỹ thuật để chăm sóc lại vườn cây nhiễm mặn, khôi phục sản xuất, giảm thiệt hại.

Hạn, mặn cũng làm một số diện tích lúa ở huyện Vũng Liêm ảnh hưởng năng suất.
Hạn, mặn cũng làm một số diện tích lúa ở huyện Vũng Liêm ảnh hưởng năng suất.

Mặn ngược dòng Cổ Chiên gây nhiều thiệt hại

Xã Chánh An (Mang Thít) bị nước mặn tấn công từ ngày 6/12/2019 đến nay. Trong thời gian mặn xâm nhập đã bị thiệt hại cụ thể: rụng lá, trái sầu riêng là 2 công, trong đó 1/4 diện tích này sầu riêng bị chết cây. 3 công ớt bị thiệt hại trên 30%. Vườn ươm cây con thiệt hại 1,2ha gồm cây mít và sầu riêng, trong đó 5 công ươm mít bị chết 100%...

Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng, ông Nguyễn Đạt Ân (ấp Tân An, xã Chánh An- Mang Thít), chua xót nói: “Do vào mùa thuận nên tôi cũng đang kích thích nhẹ làm bông, với hơn 20 gốc sầu riêng, trái cũng bằng cổ tay. Nhưng do xâm nhập mặn bất ngờ, người dân không hay, xả bộng khiến vườn tôi bị ngập, giờ cây đang cho bông thì rụng nụ, cháy lá, cây đang cho trái thì rụng lá, rụng trái”. Hiện tại, ông Ân cũng chỉ còn cách khắc phục là bỏ trái cứu cây, xới gốc bón phân, xử lý thuốc để dưỡng cây lại.

Ông Phạm Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Chánh An- cho biết, trước khi chưa có mặn, địa phương đã cập nhật thông tin dự báo năm 2020 mặn sẽ xâm nhập sớm, qua đó đã tăng cường tuyên truyền cho người dân tự nạo vét mương, ao vườn để trữ nước ngọt và yêu cầu trưởng ấp nắm tất cả các bộng, vận động nhân dân đóng nắp quạt trong và ngoài để đối phó. Hiện, xã còn nhiều con kinh công cộng đã bồi lắp dẫn đến không đủ nước để trữ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp.

“Xâm nhập mặn khiến cây ăn trái bị cháy lá rất nhiều, rau màu cũng bị ảnh hưởng. Để đảm bảo cho người dân đủ nước sản xuất và sinh hoạt, trước mắt xã kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí nạo vét các kinh nội đồng, nâng cấp đê bao, nhất là đê bao Rạch Rừng”- ông Phạm Văn Tuấn đề nghị.

Tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)- địa phương lần đầu tiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nên người dân không kịp trở tay. Ông Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã- cho hay, toàn xã có 4 ấp bị hạn, mặn xâm nhập là Bình Hòa 1, Bình Hòa 2, Phú An 1, Phú An 2 với khoảng trên 200ha vườn cây ăn trái có dấu hiệu bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Trong đó, chủ yếu là cây chôm chôm bị thiếu nước tưới nên bị đổ lá, cháy lá, không ra đọt. Địa phương cũng đã tuyên truyền đến người dân để nâng cao ý thức ứng phó hạn mặn, nạo vét kinh mương, xây các đập dã chiến, đóng cống để ngăn mặn, hỗ trợ thùng chứa nước cho các hộ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn có hoàn cảnh khó khăn,...

Ghi nhận tại vườn chôm chôm của ông Nguyễn Ngọc Nhân (ấp Bình Hòa 2- xã Bình Hòa Phước), nhiều cây chôm chôm xơ xác, lá rụng đầy gốc, vì “uống” phải nước mặn, hiện các mương trữ nước cũng khô cạn. Theo ông Nhân, nước mặn vào kinh mương người dân không hay nên tưới lên cây làm héo lá.

Khi nước cạn muốn tháo nước mặn ra cũng không hết vì mương vườn sâu hơn kinh nội đồng. Giờ tưới không được mà không tưới thì cây không xong. Từ đó giờ xã này chưa bị ảnh hưởng mặn bao giờ nên người dân chưa biết xử lý như thế nào. Múc 1 ca nước lên đo độ mặn bằng thiết bị tự mua, độ mặn hiển thị là 1,3‰. “Nước này mà tưới thì cây quéo lá liền”- ông Nhân cho hay.

Còn tại huyện Vũng Liêm, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng mặn trong tháng 1 và 2/2020 của huyện trên 192ha, trong đó trên 92ha lúa Đông Xuân và Hè Thu với tỷ lệ thiệt hại từ 10- 70% và 100ha sầu riêng bị héo, rụng lá thiệt hại 10- 30%. Diện tích cây trồng bị thiếu nước cục bộ 7.596ha lúa và 4.694ha cây ăn trái. Toàn huyện cũng đã có trên 4.000 hộ dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn.

Sẽ hỗ trợ người dân khắc phục vườn cây nhiễm mặn

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT từ đầu mùa khô đến nay, Vĩnh Long đã chịu ảnh hưởng của 3 đợt mặn, trong đó đợt mặn cao nhất là vào rằm tháng Giêng, cách đây hơn 1 tháng. Dự báo trong tháng 3 sẽ còn đón đợt mặn cao, tuy nhiên đến thời điểm này thì độ mặn chưa cao so với dự báo.

Qua khảo sát tình hình thiệt hại của xâm nhập mặn tại các địa phương mới đây, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, so với năm 2016, thì độ mặn năm nay cao hơn nhưng thiệt hại giảm rất nhiều, đây là điều đáng mừng. Một phần là do ý thức người dân đã được nâng cao, chủ động nắm thông tin mặn để kiểm soát trước khi tưới nước phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, một số hệ thống thủy lợi đã dần hoàn chỉnh, phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt, ngành chuyên môn có chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cho người dân khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, đến giờ phút này cũng đáng tiếc là có xảy ra thiệt hại trên một số vùng cây ăn trái và lúa trong tỉnh.

Ngoài 4 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn năm 2016 như: Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn thì năm nay phát sinh thêm một phần của huyện Long Hồ.

Nhất là các xã cù lao của huyện này là vùng trồng cây ăn trái chuyên canh của tỉnh, đặc biệt là chôm chôm, do độ mặn lên cao nên người dân không thể lấy nước tưới khiến cây bị thiếu nước, dẫn đến héo lá, rụng lá, có biểu hiện suy kiệt, đang rất cần sự chăm sóc cũng như chờ lượng nước ngọt để giải cứu.

Nhiều vườn cây ăn trái bị héo lá sau những đợt xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay.
Nhiều vườn cây ăn trái bị héo lá sau những đợt xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay.

Hiện nay, một số vườn bị nước mặn bủa vây nhưng không có nguồn nước tưới. Nếu tình trạng này kéo dài, không có mưa thì chắc chắn sẽ còn thiệt hại nhiều hơn, trừ những hộ dân có điều kiện đi mua nước ngọt về để tưới cho cây thì có thể giúp cây phục hồi lại.

Do đó, biện pháp đầu tiên đề xuất hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu rõ tác hại của xâm nhập mặn để chủ động phối hợp với ngành chức năng cùng có giải pháp xử lý. Hiện tại mặn đã xâm nhập và gây thiệt hại thì giải pháp đặt ra hiện nay là cần tổ chức khắc phục kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm, sau đợt khảo sát này, sở sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân giải pháp khắc phục, đặc biệt là xác định rõ nguyên nhân thiệt hại do hạn, mặn hay do dịch bệnh để có cách xử lý đúng. Bên cạnh, tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình nạo vét kinh mương để có thể lấy nước ngọt, về lâu dài sẽ hoàn thiện dần các công trình, cống ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh