Ở ĐBSCL mùa này, nhiều thửa ruộng, mảnh vườn thao thức. Nhà nông ngồi đứng không yên lo giải mặn để bắt đầu mùa vụ mới. Những người duyên nợ, yêu mến đồng bằng cũng vì thế mà thao thức…
Ở ĐBSCL mùa này, nhiều thửa ruộng, mảnh vườn thao thức. Nhà nông ngồi đứng không yên lo giải mặn để bắt đầu mùa vụ mới. Những người duyên nợ, yêu mến đồng bằng cũng vì thế mà thao thức…
Một vườn chôm chôm ở Bình Hòa Phước (Long Hồ) bị thiệt hại do hạn mặn. |
Hình ảnh hàng kiệu giăng giăng bên hông nhà chú Tư như một “nét xưa” hiện lên giữa ngôi nhà vườn cao to, bề thế…
Gọi là “nét xưa” bởi hàng kiệu là hình ảnh thân quen ở miền Tây trước đây, khi mà nhà nhà có thói quen chứa nước mưa để uống và nấu nướng.
Nhà nào kiệu nhiều còn được xem là… nhà giàu trong xóm. Chú Tư cho hay, bắt đầu từ năm 2016 đến nay, năm nào đến mùa mưa chú cũng hứng đầy nước dành cho mấy tháng mùa khô này nấu nướng và sinh hoạt.
Năm nay, lần đầu tiên mặn lấn tới vườn, mấy kiệu nước càng quý giá hơn nhưng để cứu cả chục công chôm chôm đang cần nước để “làm trái” thì không thể. Ngóng nước ngọt từ sông vô cứu vườn, chú Tư thương vườn vì thế mà… thao thức.
Trong khi đó, mấy công chôm chôm nhà chú Hai thì bị mặn chụp không kịp trở tay nên đợt trái này coi như mất trắng vì đã bị héo lá, quéo cành,…
Dù vậy, chú Hai cũng vét vội con mương, lót bạt, “giục thằng con mua bằng được ghe bơm nước lên ao dã chiến tưới vườn”. Để cho “đỡ nóng”, chú tận dụng đất vét mương đắp gốc cây, kéo lục bình phủ lên mặt liếp…
Chú Hai nói, cả đời ở đây mới thấy mặn lần đầu nên phải tính toán, tìm cách khôi phục vườn, rồi tính toán năm sau giữ nước ngọt trong vườn cho nhiều, siết cây ra ngon ơ dù có mặn về để gỡ lại.
Đâu chỉ nông dân có ruộng vườn bị mặn thao thức tìm phương kế cứu vườn. Hình ảnh những người nông dân miền Tây “bao đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời” bên ruộng đồng khô cạn, lúa nhiễm mặn héo khô ngoài đồng và những nông dân bên vườn cây héo cành, trụi lá, rụng trái non… lay động triệu triệu trái tim người dân của dải đất hình chữ S đang ở khắp nơi.
Rất nhiều chính sách hỗ trợ của ngành chức năng; nhiều người nổi tiếng quyên góp hàng tỷ đồng “tiếp sức” miền Tây vượt qua hạn mặn.
Nông dân bị ảnh hưởng hạn mặn trăn trở tìm cách cứu vườn. |
Trong đó, những nhà khoa học “duyên nợ với đồng bằng” cũng ngày đêm đau đáo trăn trở hiến kế để ĐBSCL thích ứng với hạn mặn và hướng tới phát triển bền vững.
TS. Dương Văn Ni cho hay, ông đã từng bỏ rất nhiều thời gian đi lại để tìm hiểu về sinh thái ĐBSCL “vì mê”. Theo đó, ông từng đi lại những vùng từ Long An, qua Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh,… Sau đó, ông cũng đã đi ngược dòng Mekong qua Biển Hồ, qua Lào, qua Thái Lan...”.
Theo TS. Dương Văn Ni, bản chất của nguồn nước ở ĐBSCL là phải thay đổi nhờ dao động của thủy triều: ngày có nước lớn, nước ròng; tháng có nước rong, nước kém; năm có mùa nước nổi, mùa nước cạn. Về hạn mặn, ông cho hay “Hạn mặn ở ĐBSCL 1.000 năm trước đã có.
Trong 1.000 năm đó, có năm nó thụt vô sâu, có năm lùi ra ngoài. Đó là bản chất của hệ sinh thái. Do đó, nếu bị chặn lại thì chính là làm ngược với quy luật”- ông nói.
Và, chính vì mong muốn cần “hiểu hệ sinh thái đồng bằng để hành xử đúng” nên ngay trong mùa hạn mặn 2019- 2020 này, TS. Dương Văn Ni cũng đã “lên tiếng” cách hành xử liên quan đến mặn- ngọt bằng giải pháp công trình.
Trong khi đó, GS.TS. Võ Tòng Xuân thì trăn trở bởi “đến bây giờ các tỉnh mới nghĩ đến việc khôi phục ao hồ là hơi muộn”.
Ông cho rằng, người dân và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần phải đổi mới cách nghĩ và cách làm. Phải tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ để sử dụng tiết kiệm trong mùa nắng, giảm bớt diện tích trồng lúa trên các vùng nhiễm mặn và áp dụng kỹ thuật tưới xen kẽ cho ruộng lúa tại vùng có nước ngọt, đẩy mạnh sản xuất cây trồng và vật nuôi thích nghi vùng mặn.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin