Hạn mặn gay gắt- ĐBSCL ngày càng thiếu nước?

06:03, 03/03/2020

Hạn mặn năm 2019- 2020 rất gay gắt, có thể bằng hoặc hơn mùa khô năm 2015- 2016 nhưng không vì vậy mà vội vàng kết luận ĐBSCL ngày càng thiếu nước- ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập nói vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long về tình hình hạn mặn đang diễn ra ở ĐBSCL hiện nay.

Hạn mặn năm 2019- 2020 rất gay gắt, có thể bằng hoặc hơn mùa khô năm 2015- 2016 nhưng không vì vậy mà vội vàng kết luận ĐBSCL ngày càng thiếu nước- ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập nói vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long về tình hình hạn mặn đang diễn ra ở ĐBSCL hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Thiện.
Ông Nguyễn Hữu Thiện.

* Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình hình hạn mặn 2019- 2020 ở ĐBSCL. Nguyên nhân nào khiến mặn đến sớm và xâm nhập sâu?

Tình hình xâm nhập mặn của ĐBSCL năm nay có thể bằng hoặc gay gắt hơn cả mùa khô năm 2015- 2016. Điều này giới chuyên gia cũng như ngành nông nghiệp đã dự báo trước từ 7/2019. Có sự tương quan rất chặt chẽ giữa mực nước lũ của mùa lũ năm trước và mùa khô năm sau.

Nguyên nhân chính là do hiện tượng El Nino diễn ra từ đầu năm 2019 cho đến khoảng 9/2019 trên toàn lưu vực sông Mekong gây ra lượng mưa thấp kỷ lục nên nước sông Mekong rất ít. Mùa nước thì nước đã không lên nổi, thành ra đến mùa khô thì xâm nhập mặn sâu.

Bởi vì, ranh giới mặn ngọt ở ĐBSCLvào mùa khô là sự tranh chấp ngày đêm giữa lực sông và lực biển. Bất cứ khi nào mà sông yếu thì biển mạnh nó lấn vào sâu.

Vậy thì, năm nào mà nước lũ sông Mekong thấp thì mùa khô sẽ gay gắt. Hồi mùa lũ 2015, chúng ta cũng đã từng dự báo mùa khô 2016 là hạn mặn gay gắt và năm nay một lần nữa khẳng định mối quan hệ này là đúng.

* Thủy điện có là nguyên nhân gây khô hạn ở ĐBSCL?

- Nguyên nhân chính gây ra hạn mặn thiếu nước ở ĐBSCL là do hiện tượng El Nino. Thủy điện không tiêu thụ nước mà chỉ tích- xả nước nên không làm thay đổi tổng lượng nước, chỉ làm thay đổi thời gian đi của nước.

Trong tình huống những năm thiếu nước khô hạn, nước muốn đi qua 1 chuỗi đập thủy điện trên dòng sông thì mất rất nhiều thời gian.

Như vậy, thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu gây ra thiếu nước nhưng gặp tình huống khô hạn thì thủy điện làm chậm đường đi của nước rất lâu và làm cho tình trạng hạn mặn gay gắt càng gay gắt thêm.

* Hạn mặn năm 2019- 2020 có thể bằng hoặc hơn cả hạn mặn lịch sử năm 2015- 2016, như vậy có phải thiệt hại sẽ nặng nề hơn?

- Năm 2016, chúng ta đã dự báo trước được nhưng dù sao cũng là lần xảy ra đầu tiên, cả hệ thống nông nghiệp và nông dân bị bất ngờ nên thiệt hại lớn.

Đây là lần thứ 2, đã có kinh nghiệm lần đầu và ngành nông nghiệp năm nay đã chủ động dự báo và thông báo sớm cho nông dân. Đến giờ này, việc dịch chuyển thời vụ đã được tiến hành ở các địa phương nên có thể kỳ vọng thiệt hại sẽ thấp hơn năm 2016.

* Hạn mặn lặp lại 2 lần với tầng suất khá dày. Vậy có thể kết luận là tình hình càng ngày càng bi đát- ĐBSCL ngày càng thiếu nước không?

- Năm 2016 đã hạn mặn gay gắt 1 lần, năm 2020 lại hạn mặn gay gắt lần nữa- lập lại khá là dày nhưng cần phân biệt năm nay và năm 2016 xếp vào loại năm cực đoan. Trong bối cảnh bình thường thì El Nino và La Nina luân phiên theo chu kỳ từ 2- 7 năm.

Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tầng suất cao hơn. Thành ra, năm 2016 xảy ra rồi, năm 2020 xảy ra nữa thì chẳng qua là sự kiện cực đoan 1 cách ngẫu nhiên mà nó lặp lại với tầng suất dày hơn nhưng không có nghĩa là tình hình chung mãi như thế về sau, của tất cả các năm.

Thành ra, cần phải tỉnh táo, xét riêng từng trường hợp, không nên hốt hoảng thấy tình hình 2016- 2020 như vậy thì vội vàng kết luận đây là tình hình chung của ĐBSCL càng ngày càng thiếu nước.

* Theo ông, giải pháp ứng phó nên như thế nào cho phù hợp đối với ĐBSCL?

- Năm cực đoan phải ứng phó riêng theo tình huống của năm đó chớ không dùng làm chuẩn để xây dựng những chiến lược chung vì như vậy sẽ đi quá đà. Chiến lược lâu dài thì phải dựa theo nhiều năm- trên cái phi cực đoan (trong đó có kế hoạch dự phòng cho những năm cực đoan).

Trong ngắn hạn, đối với những năm cực đoan như năm nay thì cách hay nhất là né. Bởi vì, cực đoan thì chúng ta đối phó, đương đầu khó mà thành công và né bằng cách dịch chuyển lịch thời vụ và chúng ta cũng phải hiểu đặc điểm của từng vùng.

Đối với vùng giữa của đồng bằng- cái lõi ngọt quanh năm thì năm nay cũng có nguy cơ thiếu nước. Những cây trồng là hoa màu theo năm thì có thể dịch chuyển mùa màn.

Còn đối với cây lâu năm thì không thể dịch chuyển thời vụ. Tuy nhiên, nhờ có cơ chế về thủy triều ở đồng bằng thì vẫn có thể thích nghi.

Những vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long bị mặn bao vây nhưng trong 1 ngày có nước lớn, nước ròng. Khi nước lớn, triều ở ngoài biển đưa vào thì mặn theo vào xâm nhập sâu nhưng đợi khi nước ròng- nước ngoài biển rút đi, nước sông xuống.

Như vậy, bà con vẫn có thể canh để lấy nước ngọt vào những giờ nước ròng để thích nghi. Đó là cách ứng xử trong tình huống những năm cực đoan.

Và, thực tế thì năm nay do đã có kinh nghiệm năm 2016 nên ngành nông nghiệp làm khá tốt- đã thông báo, cảnh báo kịp thời.

Về chiến lược lâu dài để thích nghi với hạn mặn, phát triển bền vững ĐBSCL thì Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải, là chìa khóa.

* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

SÔNG HẬU (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh