Để phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), chúng ta không buông xuôi, cam chịu, mà phải chủ động thích ứng. Và phát triển theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn,… thì phải phù hợp với điều kiện thực tế.
[links()]
Để phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), chúng ta không buông xuôi, cam chịu, mà phải chủ động thích ứng. Và phát triển theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn,… thì phải phù hợp với điều kiện thực tế.
Để phát triển bền vững ĐBSCL cần sự chủ động, linh hoạt trong ứng phó. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (thứ 4 từ trái qua) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã đến kiểm tra tiến độ công trình cống Vũng Liêm. |
Thuận theo thiên nhiên chứ không buông xuôi
ĐBSCL đã không còn thuận lợi như thời “ông bà ngày xưa” bởi những năm gần đây ngoài chịu sự tác động rất lớn của BĐKH còn do con người tạo ra.
Trong đó, có sự tác động của nước biển dâng đồng thời do cách sử dụng nước sông Mekong của các nước thượng nguồn đã khiến mặn đã lấn ngày càng sâu, độ mặn cao ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và dân sinh của nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Hạn, mặn mùa khô năm nay thật sự khốc liệt khi mà mới đây 5 tỉnh miền Tây công bố tình huống khẩn cấp.
Để phát triển bền vững ĐBSCL trước BĐKH, việc tuân thủ theo Nghị quyết 120/NĐ-CP, thì Vĩnh Long cũng không ngoại lệ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường đúc kết một số vấn đề cần quan tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các nhóm giải pháp mang tính bền vững chứ không chỉ xử lý cục bộ trước mắt, cân đối để có nhóm giải pháp từng vùng, đảm bảo giải quyết những vấn đề nảy sinh một cách căn cốt chứ không chấp vá, tạm bợ. |
Đó chính là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói thêm, điều này không có nghĩa là cam chịu, không phải là “thuận thiên” là xuôi tay hết.
Theo ghi nhận, quá trình xâm nhập mặn với mức độ của mỗi tỉnh là khác nhau, thậm chí khác nhau trong các vùng trong tỉnh.
Như tại Vĩnh Long, xâm nhập mặn thực sự gây ảnh hưởng đến Vĩnh Long trong khoảng 5 năm nay. Vùng lõi đồng bằng hiện vẫn ưu tiên cho các giải pháp đồng bộ, trước mắt từ việc cảnh báo sớm để ngăn, né mặn, trữ ngọt, dịch chuyển thời vụ, dần chuyển đổi sản xuất để tính kế lâu dài thích ứng sống chung.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho biết, hiện việc đo độ mặn ở địa phương hoạt động tích cực, thông tin kịp thời đến người dân.
Tới đây, tiếp tục duy trì, gia cố, mở rộng các công trình đã, hoặc sắp xây dựng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban ngành, hiện nay người dân cũng xây dựng hệ thống chung, ngăn ngừa ở các tuyến đê bao, cửa sông lớn, thông báo kịp thời tình hình hạn mặn lên đột xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hạn hán và xâm nhập mặn thì không phải lúc nào cũng mặn, có thời điểm mặn chỉ vài ngày, rồi sau đó lại đẩy mặn ra.
Những giải pháp vượt qua khó khăn cho giai đoạn tiếp theo là tính chủ động, như cách làm của năm nay nhờ dự báo đúng và sớm, có sự chỉ đạo quyết liệt, các địa phương và trung ương vào cuộc và người dân ý thức hơn rất nhiều từ đó giảm thiểu thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, một nguyên tắc quan trọng là phối kết hợp giải pháp công trình và giải pháp mềm.
Nếu không có giải pháp công trình trong bối cảnh này cũng hoàn toàn không được, ngược lại, nếu có giải pháp công trình mà chúng ta không chủ động các giải pháp mềm (đó là thích ứng bằng đối tượng sản xuất, thích nghi, mùa vụ, kỹ thuật, kinh nghiệm…) thì cũng không thể thích ứng được.
Nghiên cứu, chủ động tìm giải pháp thích ứng
Cần nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu lại nông nghiệp về tổng thể, cục diện sản xuất để phù hợp trước thách thức của biến đổi khí hậu. |
TS. Dương Văn Ni- Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ) cho biết, có 3 yếu tố quan trọng cần quan tâm trong hệ sinh thái là không có hệ sinh thái nào tự nhiên tồn tại mà phải qua hàng ngàn năm, thậm chí hàng triệu năm; không có thành phần nào trong đó là dư thừa; mỗi một hệ sinh thái đều có đặc điểm tự điều chỉnh theo hướng tích cực.
Phần lớn những can thiệp của con người làm cho hệ sinh thái rối loạn hơn là để nó tự nhiên khi chưa hiểu hết bản chất của hệ sinh thái.
Hạn, mặn 1.000 năm trước đã vậy rồi, có năm mặn vô sâu, có năm lùi ra xa. Nó có gây ra những thiệt hại nhưng xem xét kỹ là do chính con người gây ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tựu đánh giá, về cơ bản đến thời điểm này Vĩnh Long có khả năng điều tiết mặn, ngọt đạt khoảng 70%. Tuy nhiên thời gian qua việc đóng cống ngăn mặn dài ngày có thể gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Về cung cấp nước ngọt hiện chỉ là giải pháp “chữa cháy trong 10 ngày mặn” chứ chưa có những hồ trữ nước lớn. |
Đồng quan điểm này, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng, hạn mặn năm 2016 trở thành một bài học, tuy nhiên, đầu tư quá nhiều công trình vô tình lại phá hủy hệ sinh thái. Thuận thiên là dựa vào hệ sinh thái, nương theo hệ sinh thái.
Ông ví dụ như mình trồng lúa trong vùng mặn là mùa mưa trồng lúa, mùa nắng nuôi tôm. “Khi làm không được hiệu quả thì đầu tư một số công trình hỗ trợ, để khi nào những công trình đó không hiệu quả nữa thì mình thay đổi được chứ không phá vỡ mà phải giữ hệ sinh thái”- PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho biết thêm.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập, đối với những năm cực đoan như năm nay thì cách hay nhất là né đối với cây lúa, hoa màu. Riêng đối với cây lâu năm vẫn có thể thích nghi được, ngoài việc trữ nước thì người dân có thể canh giờ lấy nước.
Còn về giải pháp lâu dài, để phát triển bền vững ĐBSCL thì Nghị quyết 120/NĐ CP của Chính phủ chính là lời giải, nhưng ông khẳng định là phải được xây dựng trên nền tảng của những năm phi cực đoan.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ đây trở đi, các tỉnh đều phải chủ động đưa ra các kịch bản vì “không có thuận lợi như trước nữa mà buộc chúng ta phải thích nghi”.
Tại Vĩnh Long, Bộ trưởng đề nghị, sau đợt tháng 4 này, sẽ tổng kết thật sâu sắc, để trên cơ sở đó ngành nông nghiệp, các ngành liên quan tham mưu cho tỉnh, điều chỉnh cơ cấu lại nông nghiệp về tổng thể, cục diện sản xuất phù hợp, biến thách thức thành cơ hội, thích ứng một cách chủ động.
Về giải pháp thích ứng cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thích ứng trước tác động BÐKH đặc biệt yếu tố thượng nguồn rất cần tất cả số liệu quan trắc, số liệu hợp tác của các nước thượng nguồn thông qua các tổ chức.
Đây là một dữ liệu vô cùng quan trọng cần ứng dụng kết quả nghiên cứu, tham mưu, xử lý số liệu này vào trong tình hình sản xuất.
Từ kết quả này, phải rà soát lại cục diện để bố trí cơ cấu thời vụ, đối tượng sản xuất, phải làm sao cho thật sự thuận thiên, phải có chế độ sản xuất cụ thể tại các vùng mặn, lợ, ngọt, đảm bảo sự phát triển bền vững cho đồng bằng.
Cùng với sự chủ động của nhà nước, phải nâng cao ý thức trước tác động BĐKH của cả cộng đồng để cùng hành động thì chúng ta mới ứng phó một cách chủ động và thành công trong tác động của BĐKH.
Bài, ảnh: TẤN THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin