Những ngày gần đây, nước mặn đã xốc ngược dòng Cổ Chiên, xâm lấn tới các xã cù lao của huyện Long Hồ- điều chưa từng có từ trước tới nay. Độ mặn cao nhất ghi nhận tại khu vực này trên 4‰. Long Hồ chính thức có tên trong bản đồ phân bố độ mặn của tỉnh.
[links()]
Những ngày gần đây, nước mặn đã xốc ngược dòng Cổ Chiên, xâm lấn tới các xã cù lao của huyện Long Hồ- điều chưa từng có từ trước tới nay. Độ mặn cao nhất ghi nhận tại khu vực này trên 4‰. Long Hồ chính thức có tên trong bản đồ phân bố độ mặn của tỉnh.
Dự án nạo vét kinh Mây Phốp- Ngã Hậu giúp tiêu úng, thau chua, rửa phèn, đẩy mặn, cấp nước ngọt bổ sung 6.000ha đất lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm. |
Mặn đã lấn tới cù lao Minh
Ngay từ con nước triều cường rằm tháng Giêng (8/2/2020), nước mặn đã xuất hiện ở cù lao Minh ở mức 1‰. Sau đó, độ mặn tiếp tục tăng lên.
Đến ngày 4/3/2020, độ mặn đo được tại rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) đã lên tới 4,1‰. 4 xã cù lao chuyên canh cây ăn trái của huyện Long Hồ đang đối mặt thách thức xâm nhập mặn.
Theo ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, điều này chưa từng có từ trước tới nay. Cho nên, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do huyện xây dựng từ đầu năm chưa tính đến việc phòng chống, ứng phó với xâm nhập mặn.
Địa phương đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long đến khảo sát các điểm xung yếu, triển khai các điểm đo mặn, chỉ đạo các xã đóng tất cả các cửa cống, đập khi độ mặn trên 1‰ cũng như thông báo cho người dân biết để chung tay ứng phó.
Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ nạo vét 2 con kinh lớn dẫn ngọt từ sông Măng Thít như dự án nạo vét kinh La Ghì- Trà Côn (Trà Ôn) và hệ thống thủy lợi Cái Cá- Mây Tức (Vũng Liêm) với diện tích phục vụ 75.000ha để nâng cao hiệu quả thích ứng với mặn. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Long Hồ cũng đang xây dựng kịch bản phòng chống hạn, mặn cho toàn huyện, đặc biệt là 4 xã cù lao và xã Thanh Đức, vì 5 xã này là địa bàn xung yếu tiếp giáp với sông Tiền và sông Cổ Chiên.
Trước mắt, địa phương kiểm tra tất cả các cống, đập mà trước nay chỉ có 1 nắp quạt để ngăn lũ thì nay đề nghị bổ sung thêm 1 nắp quạt để trữ nước ngọt, khi mặn lên thì sẽ đóng cống ngăn mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái.
Theo ông Nguyễn Văn Đẳng- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, để ứng phó, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp đo độ mặn hàng ngày và thông báo bằng loa phát thanh để người dân phòng tránh. Bên cạnh việc tuyên truyền, xã cũng đã kiến nghị hỗ trợ các cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ vườn cây ăn trái.
Ông Nguyễn Văn Phước cho biết thêm, đến nay Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho nông dân nhằm tuyên truyền về ngưỡng chịu mặn của từng loại cây trồng để người dân biết cách kiểm soát độ mặn nguồn nước tưới.
Tuy nhiên, để phòng chống, ứng phó có hiệu quả với xâm nhập mặn, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng huyện cần phải học hỏi kinh nghiệm của các huyện bị ảnh hưởng mặn thời gian qua, nhất là Vũng Liêm và Trà Ôn.
Ngăn mặn, dẫn ngọt- chuyện sống còn
Công trình cống Vũng Liêm đã phát huy hiệu quả ngăn mặn cho tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2019- 2020, dự kiến chính thức được bàn giao cho địa phương quản lý trong tháng 3/2020. |
Từ thời điểm này, huyện Long Hồ phải tính chuyện ứng phó xâm nhập mặn như Vũng Liêm và Trà Ôn đã làm cách đây 5 năm. Đặc biệt là tại các xã cù lao, người dân đã quen quanh năm nước ngọt phù sa, nay mặn ập tới thì rất khó lòng để sống chung, còn chuyện chuyển đổi sản xuất thì không phải một sớm một chiều.
Do đó, đóng cống, bộng ngăn mặn, dẫn ngọt vào kinh, rạch, mương vườn để tích trữ xem ra là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sản xuất, dân sinh hiện nay vì chính quyền địa phương, người dân chưa đủ thời gian để có thể sống chung với mặn.
Thực tế cho thấy, các địa phương chịu ảnh hưởng mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, sau 5 năm kinh nghiệm cũng chưa thể chủ động sống chung với mặn. Né mặn và chuyển đổi sản xuất để dần thích ứng vẫn đang trăn trở cho các địa phương này.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong phòng chống hạn, mặn là vận dụng linh hoạt, hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt và giải pháp thủy lợi vẫn luôn giữ vai trò hết sức quan trọng, mang tính sống còn.
Đến nay, Vĩnh Long đã đầu tư các dự án kè, đê bao chống sạt lở bờ sông, kiên cố hóa cống, đập ngăn triều, chống ngập, hạn, mặn với 409 tuyến đê bao, 14.638m kè chống sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, hơn 5.700 cống, đập, 17 trạm bơm điện và trên 4.400 tuyến sông, rạch tự nhiên, kinh (dài hơn 5.331km) được nạo vét, cải tạo kết hợp sử dụng làm công trình thủy lợi trữ ngọt, phục vụ 112.260ha đất sản xuất nông nghiệp. |
Đánh giá công tác phòng chống hạn, mặn cho đến thời điểm hiện tại của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng khẳng định là thành công nhờ có sự đóng góp của những công trình ngăn mặn, nạo vét nội đồng để trữ ngọt.
Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là còn nhiều diện tích đất sản xuất có thể thiếu nước trong những ngày triều thấp, đóng cống ngăn mặn, phải bơm tới hỗ trợ.
Các nhà máy nước, trạm cấp nước sạch bị động trong khai thác nguồn nước từ kinh, rạch vì hầu hết kinh, rạch đều hở, không trữ được nước ngọt, nước bị nhiễm mặn vẫn khai thác cấp sử dụng trong những ngày độ mặn sông, rạch lên cao.
Vùng Nam sông Măng Thít, nhất là các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít, sông Hậu còn hở, chưa có cống ngăn mặn nên mặn vẫn còn xâm nhập vào nội đồng.
Hiện việc ngăn triều, mặn chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kinh cấp 1, cấp 2 và các cống nhỏ trên đê bao.
Chưa kể, nhiều kinh, rạch nội đồng, trong vùng đê bao bị bồi lắng nên khả năng cấp nước, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt là rất thấp.
Hiện tại khả năng chỉ cấp từ 5- 10 ngày trong những ngày đóng cống ngăn mặn, nếu kéo dài từ 15- 30 ngày thì không đủ nước. Trong khi đó, tỉnh gặp khó khăn trong hỗ trợ các huyện về kinh phí thực hiện công trình ứng phó hạn, mặn nên rất cần sự hỗ trợ của Trung ương.
Khẳng định tầm quan trọng của giải pháp công trình ngăn mặn, dẫn ngọt, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng, về cơ bản Vĩnh Long đã có thể ngăn mặn nhưng việc trữ ngọt thì chỉ mới bắt đầu.
Về lâu dài, cần thực hiện dẫn nước từ vùng nước ngọt Bắc sông Măng Thít tiếp cho vùng bị nhiễm mặn Nam Măng Thít vào mùa khô thông qua việc cải tạo, nạo vét, mở rộng các tuyến kinh trục lớn ở các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ nối với sông Măng Thít.
Bên cạnh đó, giải pháp xây hồ chứa nước ngọt ở vùng nhiễm mặn cao cũng được tính đến, trong đó ưu tiên cho các cù lao.
Dự án nạo vét kinh Mây Phốp- Ngã Hậu (thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) kịp thời ứng phó với hạn mặn mùa khô 2019- 2020, giúp tiêu úng, thau chua, rửa phèn, đẩy mặn, cấp nước ngọt bổ sung 6.000ha đất lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm. Riêng tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít có năng lực kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Các cống Tân Dinh (giáp giới 2 huyện Trà Ôn- Vĩnh Long và Cầu Kè- Trà Vinh) và cống Vũng Liêm thuộc dự án này đã phát huy hiệu quả ngăn mặn cho tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2019- 2020. |
Kỳ cuối: Chủ động để thích ứng lâu dài
Bài, ảnh: TẤN THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin