Kỳ 3: Né mặn, chuyển đổi sản xuất

05:03, 05/03/2020

Chuyển đổi sản xuất để thích ứng lâu dài với hạn, mặn và né mặn trong tình huống phải đối đầu những đợt mặn lên cao. Thực tế tổ chức sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã cho thấy cách ứng biến chủ động, thuận thiên.

 

[links()]

Chuyển đổi sản xuất để thích ứng lâu dài với hạn, mặn và né mặn trong tình huống phải đối đầu những đợt mặn lên cao. Thực tế tổ chức sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã cho thấy cách ứng biến chủ động, thuận thiên.

Ông Trương Văn Hai Nhỏ (ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện) quyết định lên liếp trồng bắp trong vụ này để thích ứng với hạn, mặn.
Ông Trương Văn Hai Nhỏ (ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện) quyết định lên liếp trồng bắp trong vụ này để thích ứng với hạn, mặn.

Chủ động né mặn

Ngay khi lúa Đông Xuân 2019- 2020 vẫn còn trên đồng, con nước triều cường rằm tháng Chạp đẩy nước mặn xâm nhập sâu. Độ mặn cao nhất đã chạm mốc lịch sử 10‰ tại khu vực cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) vào ngày 10/1/2020.

Tuy nhiên, không đợi đến khi mặn xâm nhập sâu và độ mặn cao mới lo giải cứu lúa. Việc chủ động né mặn ngay từ đầu vụ lúa Đông Xuân đã góp phần quan trọng đem lại thành công cho vụ lúa này. Hiện lúa Đông Xuân đã thu hoạch trên 37.000ha với năng suất 6,9 tấn/ha.

Trong điều kiện sản xuất khó khăn, nhưng lúa Đông Xuân năm nay lại trúng mùa so với những năm gần đây.

Tận dụng nguồn nước ngọt, xuống giống sớm vụ Đông Xuân từ 15- 25 ngày để né mặn xâm nhập. Đó là một trong nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn đã được tỉnh Vĩnh Long triển khai theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sản xuất lúa Đông Xuân 2019- 2020 tại ĐBSCL, nhằm tận dụng nguồn nước đầu vụ và tiết kiệm nguồn nước cuối vụ. Bên cạnh là cơ cấu nhóm giống ngắn ngày, tập trung các biện pháp canh tác để tiết kiệm tài nguyên nước.

Ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- cho biết, rút kinh nghiệm từ hạn, mặn 2016, năm nay có nhiều kịch bản để phòng chống hạn, mặn tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng như Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, trong đó chú ý đến việc bố trí thời vụ để né hạn, mặn.

Hiện lúa Hè Thu cũng đang trong giai đoạn xuống giống đợt 1. Trong bối cảnh áp lực của các đợt xâm nhập mặn rất nghiêm trọng đã được dự báo từ trước, nên lịch thời vụ lúa Hè Thu cũng được bố trí theo hướng né mặn.

Toàn tỉnh dự kiến xuống giống 52.000ha lúa Hè Thu, từ ngày 16/2- 1/6/2020, chia ra thành 3 đợt chính. Theo đó, 8.000ha sẽ được xuống giống trước tại những vùng đất cao ven sông Tiền, sông Hậu thuộc các huyện Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ và các xã phía Bắc huyện Tam Bình, không xuống giống tại những huyện nhiễm mặn cao.

Đợt xuống giống chính khoảng 34.000ha diễn ra trong tháng 4/2020, khi mặn đã giảm. Sau đó là xuống giống diện tích còn lại phân bố ở các vùng trung tâm, trũng, nhiễm mặn, chưa chủ động bơm tát và chưa có đê bao hoàn chỉnh.

Đối với rau màu, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 19.631ha trong vụ Hè Thu theo hướng chuyển dịch tăng diện tích sản xuất cây màu trên đất lúa, màu xen vườn cây ăn trái.

Chuyển đổi sản xuất để thích ứng lâu dài

Ông Trần Văn Nghiệp (ấp Tích Lộc) chuyển đổi 1,5ha lúa sang trồng đu đủ và mít.
Ông Trần Văn Nghiệp (ấp Tích Lộc) chuyển đổi 1,5ha lúa sang trồng đu đủ và mít.

Nếu như Vũng Liêm phải đối mặt với xâm nhập mặn từ hướng sông Cổ Chiên thì huyện Trà Ôn ứng phó với nước mặn từ hướng sông Hậu.

Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết, thời gian qua, nước mặn xâm nhập vào các xã đầu nguồn mặn như Tích Thiện và một phần xã Lục Sĩ Thành. Mặn năm 2016 lên đến 7‰ đã làm cho sản xuất và đời sống người dân bị đảo lộn.

Nhiều người lo rằng không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì để thích nghi. Từ năm 2017, thông qua diễn tập phòng chống xâm nhập mặn quy mô cấp tỉnh tại xã Tích Thiện, từ đó ý thức phòng chống xâm nhập mặn được lan tỏa và đi vào chiều sâu.

Đến nay, những tuyến ven sông Hậu, người dân hạn chế sạ lúa và có bước chuyển đổi sản xuất tốt để thích ứng lâu dài với hạn, mặn.

Nông dân Trần Văn Nghiệp (ở ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện) cho biết, vì nguồn nước có nguy cơ bị xâm nhập mặn, khó làm lúa nên ông quyết định lên liếp 1,5ha đất lúa trồng đu đủ và mít. Được một doanh nghiệp hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm, ông Nghiệp thấy an tâm so với việc trồng lúa như trước đây.

Đang loay hoay cuốc đất lên liếp, ông Trương Văn Hai Nhỏ (ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện) cũng cho hay, đây là vụ đầu tiên ông quyết định chuyển đổi 2,5 công lúa sang trồng bắp nếp. Thời gian qua, nguồn nước khó khăn do ảnh hưởng hạn, mặn khiến ông không khỏi lo lắng khi canh tác lúa.

Do đó khi được ngành chuyên môn vận động chuyển đổi sang trồng bắp thì ông đồng ý ngay. “Cây bắp cần ít nước, lên liếp trồng bắp thì có mương liếp để trữ nước ngọt nên có hạn, mặn thì cũng không lo thiếu nước như trồng lúa, hiệu quả kinh tế cũng khá hơn”- ông Hai Nhỏ cho biết thêm.

Theo ông Đoàn Hùng Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện, đến nay toàn xã có 44ha đất lúa được chuyển đổi qua trồng cây ăn trái, rau màu, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5- 6 lần so với trồng lúa và thích ứng tốt với hạn, mặn.

Đây là vùng bị nước mặn uy hiếp khó có thể trồng lúa ở xã Tích Thiện nên việc chuyển đổi rất nhanh. Người dân lại rất chủ động.

Từ việc làm này, mà độ mặn tại Tích Thiện có lúc đo được là 7,8‰ nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn đảm bảo. Hạn, mặn đã không còn gây nhiều ảnh hưởng như trước.

Kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn tại Trà Ôn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đánh giá cao việc chuyển đổi cây trồng thích ứng phó hạn, mặn và nâng cao hiệu quả so với sản xuất lúa.

Người dân những vùng bị hạn, mặn đã chuyển đổi linh hoạt đúng hướng. Đây là chỉ đạo rất hay của địa phương và người dân cũng đã linh hoạt chuyển đổi, thích ứng tốt, cần được phát huy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu cũng cho rằng nỗ lực phòng chống, ứng phó hạn, mặn của tỉnh thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực.

Đây là thành công trong chỉ đạo ứng phó của chính quyền các cấp và ý thức người dân trong việc chuyển đổi, tổ chức sản xuất hợp lý, linh hoạt bố trí thời vụ né mặn,... từ đó giảm rủi ro. Có thể nói tỉnh Vĩnh Long hiện rất chủ động với xâm nhập mặn, không còn bị động bất ngờ.

Kỳ 4: Ngăn mặn, dẫn ngọt- chuyện sống còn

Bài, ảnh: TẤN THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh