Kỳ 2: Trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh

07:03, 04/03/2020

Được cảnh báo sớm, mặn mùa khô 2019- 2020 ập tới đã không còn bất ngờ khi người dân cùng chính quyền địa phương đã chủ động sớm các giải pháp. Tuy nhiên, việc đảm bảo đủ nước cho sản xuất, dân sinh tại các vùng bị mặn xâm nhập trong tỉnh đòi hỏi cụ thể hóa phương án và sự vào cuộc của cả hệ thống.

[links()]

Được cảnh báo sớm, mặn mùa khô 2019- 2020 ập tới đã không còn bất ngờ khi người dân cùng chính quyền địa phương đã chủ động sớm các giải pháp. Tuy nhiên, việc đảm bảo đủ nước cho sản xuất, dân sinh tại các vùng bị mặn xâm nhập trong tỉnh đòi hỏi cụ thể hóa phương án và sự vào cuộc của cả hệ thống.

Nhiều nhà vườn đào ao lót bạt ngay trong vườn để trữ nước ngọt với dung tích lớn.
Nhiều nhà vườn đào ao lót bạt ngay trong vườn để trữ nước ngọt với dung tích lớn.

Nhà vườn chủ động trữ ngọt

Bà Nguyễn Thị Thủy- nhà vườn ở ấp Thanh Phong (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) không thể quên đợt mặn lịch sử mùa khô 2015- 2016, vườn bưởi 8 công của bà Thủy đang cho trái bị thiệt hại nặng nề, với 70% bị chết hoàn toàn và số còn lại cũng suy giảm năng suất trầm trọng.

Sau khi được trồng lại, bà Thủy bắt đầu quan tâm đến việc kiểm tra độ mặn cũng như cải tạo mương vườn trữ ngọt để chủ động nguồn nước tưới.

Đầu năm nay, thông qua việc vận động của ngành chuyên môn, gia đình bà còn trang bị một túi nhựa trữ nước có dung tích lớn. Từ lợi ích của việc làm này, gia đình bà Thủy dự kiến mua thêm 2 túi trữ nước để chủ động nguồn nước ngọt cho cả sinh hoạt, sản xuất.

Nếu như sầu riêng mẫn cảm với nước mặn thì anh Nguyễn Văn Minh (ở ấp Cái Dứa, xã Thanh Bình) có độ “nhạy” đáng nể trong việc chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.

Nếu như đợt hạn, mặn lịch sử 2015- 2016 khiến cho nhiều nhà vườn ở xứ cù lao này bị nước mặn “đánh úp”, vườn cây trái thiệt hại nặng nề, thì 10 công sầu riêng của anh Minh vẫn sống khỏe qua “đại hạn” nhờ có sự chuẩn bị trữ ngọt từ trước khi mặn xâm nhập.

Anh Nguyễn Văn Minh đầu tư máy lọc nước mặn phục vụ cho vườn sầu riêng và nhu cầu nước sinh hoạt của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Minh đầu tư máy lọc nước mặn phục vụ cho vườn sầu riêng và nhu cầu nước sinh hoạt của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Minh cho biết, vào năm 2015 khi nghe thông tin độ mặn có thể lên cao thì anh quyết định đào ao lót bạt ngay trong vườn để trữ nước ngọt với dung tích gần 300m3.

Do vườn nhà anh xe cuốc không thể vào được nên anh thuê đào thủ công tốn 7 triệu đồng. Nhiều người thắc mắc ở xứ cù lao bốn bề sông nước mà còn xây “hồ bơi” chi cho tốn của.

Nhưng khi mặn tấn công mới hay quyết định đào ao trữ ngọt của anh không phải chuyện chơi. Sau 5 năm đào ao trữ ngọt, hiện anh Minh dự kiến nâng cấp ao trữ nước lên gấp đôi dung tích để đủ nước tưới cho 10 công sầu riêng, sẵn sàng ứng phó tình huống xâm nhập mặn kéo dài.

Nhận thấy diễn biến mặn ngày càng gay gắt, khoảng đầu năm 2019, anh Minh quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy lọc nước mặn, đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho vườn sầu riêng và nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, anh còn lắp đặt hệ thống tưới phun cho vườn sầu riêng giúp tiết kiệm nước và chi phí phân thuốc.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, mô hình lọc mặn, trữ ngọt của anh Minh có thể nói là đầu tiên, duy nhất của xã và đã phát huy hiệu quả ứng phó hạn mặn rất tốt thời gian qua rất cần được nhân rộng.

Nước cho sản xuất, dân sinh- nhiệm vụ cấp bách

Người dân chủ động trữ ngọt cho sản xuất, sinh hoạt kể trên là rất đáng để lưu tâm, tuy nhiên không thể dừng lại ở quy mô hộ riêng lẻ. Việc đảm bảo đủ nước cho sản xuất, dân sinh tại các vùng nhiễm mặn cao trong tỉnh đòi hỏi cụ thể hóa phương án cấp nước và sự vào cuộc của cả hệ thống.

Đây cũng là nội dung chỉ đạo của ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- trong việc ứng phó với hạn, xâm nhập mặn có thể xảy ra ở mức “rất nghiêm trọng” trong tháng 3 này.

Có thể nói, khu vực cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) được xem là trạm tiền tiêu chịu tác động của xâm nhập mặn. Độ mặn lịch sử 10‰ cũng đã từng được ghi nhận tại trạm này và trong hầu hết các đợt xâm nhập mặn thì số liệu đo mặn tại trạm này luôn đứng đầu.

Lâu nay, việc đo mặn, vận hành cống ngăn mặn nơi đây cũng có ý nghĩa rất quan trọng cho việc trữ ngọt cũng như ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình- công chức nông nghiệp xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm)- cho biết, để vận hành đóng- mở cống Nàng Âm thật hợp lý, ngoài số liệu đo mặn của xã, đơn vị còn so sánh số liệu từ các nguồn như văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, kể cả số liệu đo mặn của các trạm đo ở huyện Càng Long (Trà Vinh) để đưa ra phương án vận hành, không để bỏ lỡ khả năng lấy nước ngọt bất kỳ con nước nào.

“Phải canh để đóng- mở cống hợp lý, nếu không thì nguồn nước sau cống rất dễ bị ô nhiễm khi mặn kéo dài, đóng cống ngăn mặn trên 1 tuần”- ông Bình cho biết vậy.

Mở cống thì mặn xâm nhập mà đóng cống thì lo ngại ô nhiễm nguồn nước. Vậy nên, thuận thiên hay chống mặn nếu chỉ nhìn từ việc vận hành cống thôi cũng đã cần có một quyết định khó khăn. Nước mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà nó đã len lỏi vào mâm cơm gia đình qua đường nước máy sinh hoạt.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ước tính tại các huyện nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, vào đợt mặn cao 12/2019 và 1/2020 thì có đến 31 nhà máy, trạm cấp nước (cấp nước cho trên 66.200 hộ dân) bị ảnh hưởng mặn trong khoảng 10 ngày khi đóng cống ngăn mặn.

Ngoài việc cải tạo mương vườn trữ ngọt, người dân còn trang bị túi nhựa trữ nước có dung tích lớn.
Ngoài việc cải tạo mương vườn trữ ngọt, người dân còn trang bị túi nhựa trữ nước có dung tích lớn.

Do nguồn nước thu từ kinh, rạch bị nhiễm mặn và khó khăn trong việc trữ ngọt nên buộc các nhà máy nước phải khai thác nước nhiễm mặn dưới 4‰ lúc triều thấp để cấp tạm thời trong những ngày mặn lên cao.

Nhằm đảm bảo việc cung cấp nước sạch, phục vụ nhu cầu dân sinh tại các khu vực bị xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đã đầu tư gần 18 tỷ đồng xây dựng hệ thống hồ chứa nước thô với dung tích 30.000m3 tại trạm cấp nước huyện Vũng Liêm.

Hồ chứa này có khả năng đảm bảo đủ lượng nước thô xử lý cung cấp trong 10 ngày cho người dân trị trấn Vũng Liêm và khu vực lân cận khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép.

Riêng tại Trà Ôn, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long cũng đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng giếng nước công suất xử lý 1.500 m3/ngày- đêm, đảm bảo cung cấp nước cho người dân khi độ mặn lên cao.

Qua đó, góp phần cung cấp nước sạch, an toàn liên tục cho gần 15.000 hộ dân ở thị trấn Vũng Liêm, thị trấn Trà Ôn và vùng phụ cận.

Kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn tại tỉnh Vĩnh Long thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tỉnh cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản.

Đối với vườn cây ăn trái, từng gia đình, từng khu vực phải cân đối dự trữ nước ngọt ngay trong vườn, làm sao để có thể thích nghi được trong khoảng 10 ngày.

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đến khả năng cung cấp đủ nước sạch nông thôn của các trạm, nhà máy nước trên địa bàn, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Vĩnh Long đánh giá chi tiết mức độ ảnh hưởng hạn, mặn, từ đó từng trạm phải xây dựng phương án dự phòng trong kế hoạch cấp nước, nhất định không để hộ dân nông thôn bị thiếu nước khi hạn, mặn xảy ra.

Cảnh báo kỷ lục xâm nhập mặn xuất hiện 11- 15/3/2020

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, xâm nhập mặn trong tháng 3 có khả năng xảy ra ở mức rất nghiêm trọng, xuất hiện từ 11- 15/3 ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Đỉnh mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn đỉnh điểm giữa 2/2020 cũng như 3/2016 (năm xâm nhập mặn kỷ lục). Từ nay đến 5/3, do ảnh hưởng của kỳ triều thấp, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt tối đa. Từ 6- 15/3, hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, khi tưới cần kiểm tra độ mặn.

Kỳ 3: Né mặn, chuyển đổi sản xuất

Bài, ảnh: TẤN THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh