Ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn, hàng trăm hộ dân ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) không có nước ngọt sinh hoạt. Còn những hộ đang sử dụng nguồn nước máy do một doanh nghiệp cung cấp "than" không đảm bảo chất lượng, trong khi 2 tuần nay "nước không có giọt nào".
Ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn, hàng trăm hộ dân ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) không có nước ngọt sinh hoạt. Còn những hộ đang sử dụng nguồn nước máy do một doanh nghiệp cung cấp “than” không đảm bảo chất lượng, trong khi 2 tuần nay “nước không có giọt nào”.
Việc dự trữ nước ngọt để tưới cho vườn cây ăn trái cũng hết sức khó khăn. |
Long Hồ có 4 xã cù lao gồm: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước. Những xã này tiếp giáp với sông Tiền và sông Cổ Chiên. Ngay từ con nước triều cường rằm tháng Giêng (8/2/2020), nước mặn đã xuất hiện ở các địa phương này ở mức 1‰ và tiếp tục tăng ở những ngày sau đó.
Trước tình hình này, các địa phương kiểm tra tất cả các cống, đập, cử cán bộ nông nghiệp đo độ mặn hàng ngày, thông báo bằng loa phát thanh để người dân phòng tránh. Nước tưới tiêu đã khó, nước sinh hoạt lại càng khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- cho hay, toàn xã có 2.165/2.489 hộ sử dụng nước máy, đạt tỷ lệ trên 86%. Nguồn nước này chủ yếu do DNTN Huỳnh Yên cung cấp, riêng một vài hộ ở các ấp Phước Định, Bình Hòa 1, Phú An 1 và Phú An 2 thì sử dụng nước máy từ xã Hòa Ninh và Đồng Phú kéo xuống.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, địa phương liên tục nhận được phản ánh thể hiện sự lo lắng của người dân về chất lượng nước máy do DNTN Huỳnh Yên cung cấp hay xảy ra tình trạng bị nổi váng màu vàng, lắng cặn, đôi khi xuất hiện mùi hôi khó chịu.
Ông Nguyễn Lâm Đệ- Bí thư kiêm Trưởng ấp Bình Hòa 2- cho hay, cả ấp có 450 hộ với trên 1.800 nhân khẩu. Trong đó, có trên 60% số hộ đang sử dụng đường ống cấp nước của DNTN Huỳnh Yên. Khoảng 2 tuần nay, nước sinh hoạt không có khiến cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, ấp Bình Hòa 2 là địa phương bị ảnh hưởng nặng vì hạn hán và xâm nhập mặn. Nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm đang thời điểm cho trái nhưng bị còi cọc, rụng lá.
Chỉ ra vườn chôm chôm còi cọc lá, dưới mương thì khô cạn nước tưới, ông Quách Văn Mười (ấp Bình Hòa 2) than thở: “Không nước tưới, cây nào cũng vàng lá khô queo. Cứ vầy hoài 4 công chôm chôm của tui chắc khó cứu”.
“Mất ngủ” vì nguồn huê lợi chủ yếu nhờ vào vườn chôm chôm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn mặn, gia đình ông Mười càng thêm lo lắng vì nước sinh hoạt “hứng cả tuần cũng không đầy một lu”.
Theo ông Mười, sự việc này xảy ra khoảng 2 tuần nay, không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình ông mà hầu hết bà con trong ấp đều gặp cảnh tương tự.
Không còn cách nào khác, ông Mười đành “chơi sang” mua nước thùng để dùng vào việc nấu nướng, còn tắm giặt thì múc nước sông rồi lóng phèn xài đỡ qua ngày. “Nhà tui mỗi ngày xài hết 2 thùng nước, giá mỗi thùng từ 12.000- 15.000đ. Hên là giá cả không lên, chứ hoàn cảnh này mà tăng giá là nông dân tụi tui khổ trăm bề”- ông Mười nói.
Nhiều hộ dân ở ấp Bình Hòa 2 thiếu nước sinh hoạt. |
Gần đó, hơn 1,5 công sầu riêng của ông Huỳnh Tấn Chính cũng gặp cảnh tương tự. Ông cho biết, khi chưa xảy ra hạn mặn, nước tưới tiêu lúc nào cũng đầy mương, giờ hạn mặn ngày càng gay gắt, nước cạn trơ đáy. Đã vậy, nguồn nước để nấu ăn, pha trà hàng ngày cũng không có nên phải “bấm bụng” mua nước bình xài.
“Mỗi tuần xài hết hơn chục thùng nước, tốn kém không ít. Mong sao doanh nghiệp cung cấp nước sạch mở rộng đường ống, đảm bảo nguồn cung hàng ngày và đảm bảo chất lượng để người dân sinh hoạt”- ông Chính nêu ý kiến.
“Vòi nước máy mở sẵn đó, nhỏ được giọt nào hay giọt nấy. Xài nước thùng chỉ tạm qua ngày thôi, lâu dài tốn tiền quá”- ông Nguyễn Văn Út (cùng ấp Bình Hòa 2) than.
Theo ông Trần Thanh Hải, trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, địa phương đã nhiều lần liên hệ phản ánh đến DNTN Huỳnh Yên và phía đơn vị này cũng hứa kiểm tra và có biện pháp khắc phục nhưng đến nay chưa thực hiện. Xã cũng có kiến nghị về huyện để có giải pháp trước mắt, lâu dài giải quyết nhu cầu nguồn nước sinh hoạt đang rất cấp thiết của người dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin