Đời sống người dân xã Tân Hạnh không ngừng nâng cao

05:03, 24/03/2020

Nhiệm kỳ 2015- 2020, cơ cấu sản xuất nông nghiệp xã Tân Hạnh (Long Hồ) được chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người từ 24,4 triệu đồng/năm, đến nay đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,85 lần.

Nhiệm kỳ 2015- 2020, cơ cấu sản xuất nông nghiệp xã Tân Hạnh (Long Hồ) được chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người từ 24,4 triệu đồng/năm, đến nay đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,85 lần.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả mà gia đình chị Lan (bìa trái) có cuộc sống ổn định hơn.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả mà gia đình chị Lan (bìa trái) có cuộc sống ổn định hơn.

Chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả

Với hơn 4 công vườn tạp kém hiệu quả, thông qua sự vận động của địa phương về chuyển đổi cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, chị Trần Thị Thủy (ấp Tân An) đã chuyển sang trồng nhãn Idor.

Dự kiến, cuối tháng 3/2020 chị Thủy sẽ thu hoạch lứa đầu tiên hứa hẹn đem đến cho gia đình chị nguồn huê lợi khá.

Chị Thủy cho biết, trước đây cứ mỗi mùa nước nổi là vườn tược ngập lênh láng, nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. 3 năm qua, từ khi Nhà nước đầu tư con lộ phía trước kết hợp đê bao chống lũ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ vậy chị Thủy cũng như nhiều hộ dân địa phương có thể an tâm canh tác, cải thiện đời sống.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, chị Phan Thị Thu Lan cười tươi: “Từ 4 công rẫy kém hiệu quả, vợ chồng tui đã mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ vậy cuộc sống gia đình tui tốt hơn trước rất nhiều, chứ trước đây thì bấp bênh lắm”.

Chỉ vào vườn thanh long đang cho trái, chị Lan kể: “Trước đây, vợ chồng tui trồng lúa, trồng rẫy lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Thấy một số người quen trồng thanh long ruột đỏ khá hiệu quả nên vợ chồng tui mạnh dạn chuyển đổi”.

Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của chị Lan đã được 3 năm tuổi. Vụ tết vừa rồi, chị Lan thu hoạch khoảng 2 tấn trái, bán được khoảng 30.000 đ/kg. Theo chị Lan, “nhờ tham gia HTX bên Đồng Tháp mà vợ chồng tui nắm được thông tin và được chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long nên vợ chồng tui vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm”.

Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,85 lần

Phát triển mô hình nuôi dê giúp gia đình ông Phước có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Phát triển mô hình nuôi dê giúp gia đình ông Phước có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, ông Nguyễn Văn Phước (ấp Tân An) đã được giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương (30 triệu đồng). Cộng với tiền tích lũy của gia đình (20 triệu đồng), ông đã đầu tư làm chuồng và mua 13 con dê giống lai Boer về phát triển mô hình nuôi dê.

Ông Phước cho biết: “Nhà tui có cả chục công vườn trồng nhãn và bưởi. Song, cỏ mọc cũng rất nhiều. Thay vì làm cỏ vườn bỏ, tui tận dụng làm thức ăn cho dê luôn.

Dê là loài rất dễ ăn, mỗi lần thả dê ra khỏi chuồng là các loại lá cây ở dưới thấp bị chúng nhai hết, các loại rau quả hư, giập cũng có thể làm thức ăn cho dê. Bên cạnh, tui còn bổ sung các loại cám thức ăn, hèm rượu (nấu tại nhà) và xác khoai mì để dê mau tăng trọng”.

Giai đoạn 2015- 2020, xã Tân Hạnh có diện tích trồng lúa bình quân trên 1.193 ha/năm, tăng hơn 47,3ha so giai đoạn 2010- 2015, năng suất 5,85 tấn/ha/vụ; diện tích trồng màu hơn 145 ha/năm, trong đó màu xuống ruộng gần 120ha. Trong 5 năm qua, đã chuyển đổi 63ha vườn kém hiệu quả; diện tích cây ăn trái đạt 596 ha/năm, năng suất 11 tấn/ha; sản lượng thủy sản trên 350 tấn/năm.

Theo ông Phước, sau khi kết thúc dự án và hoàn vốn xong, tui tiếp tục duy trì mô hình nuôi dê để có thêm thu nhập. Hiện, dê thịt giá khoảng 120.000 đ/kg (dê đực). Với mức giá này nông dân có thể sống khỏe vì nuôi dê chủ yếu là “lấy công làm lời”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hạnh Nguyễn Thành Lâm cho biết: nhiệm kỳ 2015- 2020, ngành nông nghiệp của xã có nhiều chuyển biến tích cực, xã đã vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn kém hiệu quả, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng.

Qua đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa nông sản ở địa phương. Nhờ vậy, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm, đạt 115,35% so nghị quyết và tăng 1,85 lần so năm 2015.

Theo Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Thành Lâm, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020- 2025, xã đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, thân thiện với môi trường và khả năng cạnh tranh cao. 

Đồng thời, sẽ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm, mô hình sản xuất hữu cơ và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất; sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nhãn mác thương hiệu hàng hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hạnh Nguyễn Thành Lâm: Thực hiện chương trình OCOP- phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, xã Tân Hạnh dự kiến có 2 sản phẩm đặc trưng là ấu và chế biến sản phẩm khoai lang. Bên cạnh, nhiều mô hình sản xuất- kinh doanh hiệu quả đang được xã chỉ đạo nhân rộng như mô hình trồng bưởi, thanh long, nuôi dê sinh sản, nuôi gà trên đệm lót sinh học, ếch thương phẩm, cá tai tượng…

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh