Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, không thể là cơ hội cho bất kỳ hành động nào. Song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại.
Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, không thể là cơ hội cho bất kỳ hành động nào. Song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại.
Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Từ bao đời nay, người đồng bằng đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân "né hạn" thành công nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày tránh thiệt hại. Nhờ chủ động cảnh báo sớm, nhiều cánh đồng lúa đông xuân năm nay dịch chuyển lịch thời vụ sớm, né được hạn mặn. Nếu so với trận hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 thì năm nay được đánh giá khốc liệt hơn nhưng theo thống kê, đến nay, mức thiệt hại năng suất, sản lượng chỉ khoảng 7%.
Các dự án điều tiết nước kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn mặn hiệu quả. Cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp góp phần điều tiết mặn - ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Tiểu dự án Mang Thít (Vĩnh Long), Trà Vinh, dự án Bắc Bến Tre, trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang) cũng đã kịp hoàn thành vào cuối năm 2019, bước đầu ứng phó hạn mặn. Có thể xem trận hạn mặn lịch sử năm nay là "liều thuốc thử" để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn.
Tuy nhiên, bối cảnh mới, thách thức mới trước những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn diễn ra bất thường. Tư duy thích ứng thuận thiên cần được nâng tầm bằng việc đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội.
Chủ động thích ứng nhưng không thể lấy tình trạng hạn mặn khốc liệt của năm nay và năm 2016 - vốn là những năm thời tiết cực đoan - để "vẽ" ra nhiều dự án rồi vội vã đổ tiền vào các công trình đầu tư hao tiền, tốn của mà hiệu quả thấp. Những giải pháp công trình rất cần nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu "chi phí - lợi ích" và nguyên tắc "không hối tiếc" cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình vội vã nào.
Bên cạnh nước ngọt, cần xem nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. Tránh ngăn mặn bằng cách can thiệp thô bạo như đã làm. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa - kinh tế, chính trị của đồng bằng.
Thích nghi với hạn, mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù hợp chính là bước chuyển dịch căn bản để vùng đất phù sa vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời, hướng đến mục tiêu an toàn, thịnh vượng trong tương lai.
TS Trần Hữu Hiệp
Theo NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin