Cần cơ chế chính sách thúc đẩy cơ giới hóa, chế biến nông sản

06:02, 22/02/2020

Ngày 21/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

 

Ngày 21/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và nhiều cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5- 7 %/năm. Về cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng); gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp- PTNT nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10- 20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70- 85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15- 30% (thủy sản khoảng 30%, các loại nông sản khác khoảng 10- 20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%).

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện, trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ giới hóa, chế biến nông sản như chính sách kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng, giảm giá thành, chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển chuỗi liên kết…

THÀNH LONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh