Hiện có 11 hãng hàng không Trung Quốc và Vietnam Airlines, Jetstar Pacific , Vietjet từ 5 điểm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc đi các điểm TQ với trung bình 80 chuyến bay/ngày.
Hiện có 11 hãng hàng không Trung Quốc và Vietnam Airlines, Jetstar Pacific , Vietjet từ 5 điểm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc đi các điểm TQ với trung bình 80 chuyến bay/ngày.
Máy bay của Hãng hàng không EgyptAir. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Trước tình hình dịch viêm phổi do virus corona chủng mới đang có lây lan nhanh từ Trung Quốc, đặc biệt là ở nơi dịch bùng phát-thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nhiều hãng hàng không của các nước đã quyết định ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, hiện chưa có thông tin chính xác về số chuyến bay bị tạm ngừng giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Có 11 hãng hàng không Trung Quốc và 3 hãng hàng không của Việt Nam khai thác các đường bay từ nhiều điểm của Việt Nam-Trung Quốc
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.
Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc có 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Như vậy, theo số liệu trên, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Số chuyến bay trên là tính toán trung bình trước khi chưa bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona tại Vũ Hán (Trung Quốc)," ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin với phóng viên TTXVN tối 30/1.
Theo ông Võ Huy Cường, sau khi có dịch này, việc đi lại của người dân Trung Quốc cũng bị hạn chế. Thậm chí nhiều người dân đã hủy các chuyến đi nước ngoài nên chắc chắn số chuyến bay giữa 2 nước sẽ bị giảm mạnh.
Tuy nhiên, về con số các chuyến bay cụ thể đã bị hủy giữa Việt Nam và Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho hay chưa nắm được chính xác số chuyến bay đã bị tạm ngừng giữa hai nước.
Giải thích thêm về Chỉ thị ngày 30/1 của Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không chủ động điều chỉnh kế hoạch bay, tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam; không thực hiện các chuyến bay thường lệ và không đề nghị cấp phép bổ sung cho các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho hay: "Việc ngừng tất cả chuyến bay chỉ áp dụng cho vùng đã công bố dịch, cụ thể là Vũ Hán (Trung Quốc) chứ không phải toàn lãnh thổ Trung Quốc. Còn các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc chưa công bố dịch thì các chuyến bay vẫn diễn ra bình thường."
“Như vậy có thể hiểu là khi Trung Quốc công bố ở đâu (tỉnh, thành phố) nào có dịch thì khi đó Việt Nam sẽ ngừng cấp phép và yêu cầu các hãng hàng không không được bay đến vùng đó và ngược lại. Ngoài ra, nếu một nước nào đó công bố dịch bệnh này tại các tỉnh, thành phố của họ thì Chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam cũng được áp dụng,” ông Võ Huy Cường làm rõ thêm.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines và Jetstar Pacific khẳng định 2 Hãng không có đường bay thẳng đến, đi từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi xuất phát của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc của hai hãng vẫn đang được khai thác bình thường.
Egyptair, Korean Air, Air Franc, Lufthansa, British Airways... ngừng chuyến
Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập ngày 30/1 thông báo hãng hàng không Egyptair của Ai Cập đã ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/2 tới do lo ngại sự lây lan của dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra.
Cùng ngày, hãng hàng không Korean Air của Hàn Quốc cho biết sẽ ngừng một số chuyến bay tới Trung Quốc đại lục, bắt đầu từ ngày 2/2.
Trong một tuyên bố, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc này thông báo sẽ ngừng các chuyến bay từ sân bay quốc tế Incheon đi Hoàng Sơn, Trương Gia Giới, Côn Minh... trong khi các chuyến bay từ Busan tới thủ đô Bắc Kinh và Nanjing cũng như các chuyến từ Jeju đi Bắc Kinh vẫn hoạt động.
Hãng cũng thông báo giảm số chuyến bay từ Incheon đi Bắc Kinh, Thanh Đảo và Thẩm Dương, và các chuyến từ Busan đi Thanh Đảo và Thượng Hải.
Trong một diễn biến liên quan, các nghiệp đoàn của hãng hàng không Air France của Pháp đã đề nghị hãng ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ các nhân viên của hãng bị phơi nhiễm virus corona, cũng như ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm này.
Trước đó, các đối thủ của Air France ở châu Âu, như Lufthansa (của Đức) và British Airways (của Anh) đã ngừng hoạt động các tuyến bay đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, Air France và đối tác Hà Lan KLM vẫn duy trì dịch vụ này một cách hạn chế do nhu cầu giảm.
Cùng ngày, Anh thông báo hoãn kế hoạch sơ tán khoảng 200 công dân từ Vũ Hán vì chưa được Bắc Kinh cấp phép. Ngoại trưởng Dominic Raab bày tỏ hy vọng kế hoạch sẽ được thực hiện vào tối 30/1.
Các phương tiện giao thông khác tiềm ẩn nguy cơ và khó kiểm soát
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona từ những người qua đường mòn, đường bộ qua biên giới là khó kiểm soát hơn nhiều.
Trước đó, ngày 29/1/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị hỏa tốc về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, khó thở) tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch…
Virus corona chủng mới lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung của Trung Quốc, cuối năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất được giới chức y tế Trung Quốc công bố ngày 30/1, chủng virus này đã làm 170 người tử vong và 7.711 người nhiễm bệnh ở nước này.
Ngoài Trung Quốc, hiện virus corona chủng mới đã xuất hiện tại hàng chục nước khác trên thế giới./.
Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin