Mùa xuân về nông thôn thêm mới

05:01, 23/01/2020

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn liên tục tăng. Kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao nên cái tết cũng ngày càng sung túc hơn.

 

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn liên tục tăng. Kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao nên cái tết cũng ngày càng sung túc hơn.

Xã Tân Long Hội đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Xã Tân Long Hội đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

“Năm nay ăn tết khỏe re”

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020- 2025, cần phải xem phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn hệ thống chính trị; hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh; quan tâm ưu tiên gắn kết giữa phát triển sản xuất với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết đầu ra sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Với 8 công vườn bưởi da xanh, ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Tân Phong 2, xã Tân Long Hội- Mang Thít) nói: “Dịp tết, giá bán ít nhất cũng từ 60.000 đ/kg trở lên nên năm nay gia đình tui ăn tết khỏe re”.

Theo ông Phúc, mỗi năm cây bưởi da xanh cho trên 100 trái, có cây cho đến 150 trái, khoảng 2 kg/trái, giá bán có lúc lên đến 75.000 đ/kg, nên “có người hỏi mua 12 triệu đồng/cây chưa chắc bán”- ông Phúc kể.

Thông qua vận động của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lại được Trạm Khuyến nông huyện và Trung tâm Giống (Sở Nông nghiệp- PTNT) hỗ trợ cây giống, ông Phúc đã chuyển đổi dần đất ruộng lên vườn trồng bưởi da xanh.

“1 gốc bưởi cho lợi nhuận tương đương 1 công lúa, trong khi mỗi công đất có thể trồng được 40 gốc bưởi”- ông Phúc nhẩm tính và cho biết thêm- “Từ hồi chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái, đời sống gia đình tui khấm khá hơn. Bình quân mỗi công bưởi da xanh, tui bán được 110 triệu đồng/năm, lời 70- 80 triệu đồng/năm”.

Để cây bưởi da xanh phát triển tốt, ông Phúc cho rằng cần phải đảm bảo “3 tốt”. Đó là: đất tốt, cây giống tốt và chăm sóc tốt. Chính vì vậy, ông luôn dành thời gian để chăm bón tốt nhất cho vườn cây của mình.

Trong đó, ông còn chăn nuôi bò để vừa “lấy công làm lời” vừa có thêm thu nhập và tận dụng phân chuồng bón cho cây.

Ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông

Sau khi về đích nông thôn mới (năm 2015), xã tiếp tục đề ra các giải pháp chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm… Qua đó, đã nâng thu nhập bình quân đầu người từ 34,2 triệu đồng/năm lên ước đạt 46,2 triệu đồng/năm (tăng 12 triệu đồng).

Ông cũng sử dụng thuốc sinh học trên cây bưởi để bảo vệ sức khỏe bản thân và không lo ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, nhất là vào những ngày tết, bà con mua bưởi về chưng và có thể an tâm về an toàn thực phẩm khi thưởng thức loại trái được thị trường ưa chuộng này.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội- cho biết: Thời gian qua, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi khoảng 30ha đất lúa sang trồng cây ăn trái (chủ yếu là bưởi da xanh), nâng tổng diện tích vườn toàn xã lên 325ha, trong đó vườn có hiệu quả 240ha. Làm ăn khấm khá nên những năm gần đây người dân đón tết cũng vui hơn.

“Làm đến 29 tháng Chạp mới nghỉ tết”

Nắm bắt được nhu cầu chơi hoa ngày tết nên ông Thanh (phải) trồng rất nhiều hoa và mua thêm hoa về bán.
Nắm bắt được nhu cầu chơi hoa ngày tết nên ông Thanh (phải) trồng rất nhiều hoa và mua thêm hoa về bán.

Sau nhiều năm qua Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách- Bến Tre) mở trại bán ghe xuồng, ông Ngô Văn Thanh (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) đã tranh thủ học được nghề làm chậu, trồng hoa- cây kiểng.

Cách nay 16 năm, ông trở về quê nhà gầy dựng nghề hoa kiểng. Lúc đầu, ông Thanh làm các loại chậu kiểng. Trong xóm thấy vậy nên lần lượt đặt vài cái chậu về chơi kiểng. Dần dà, ông “nở nồi” và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động cùng nhiều lao động thời vụ chăm sóc kiểng, hoa bán tết.

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2020 có 57/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 64%, các xã còn lại đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí trở lên; riêng các xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất 19 tiêu chí ở mức độ cao hơn, tích cực phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Bình quân mỗi tháng ông Thanh bán khoảng 600 chậu lớn nhỏ, ngày tết thì tăng gấp 3 lần. Hiện, chậu nhỏ nhất 40.000 đ/cái, chậu có đường kính dưới 1m giá 250.000 đ/cái, chậu lớn nhất (1,5m đường kính) có giá 650.000 đ/cái. 

Xu hướng 2 năm nay người dân xài chậu nhiều, vì không chỉ mua về để trồng hoa mà còn trồng rau, thanh long và nuôi cá kiểng… “Năm nào nhân công cũng làm đến 29 tháng Chạp, sau khi đã giao hàng xong cho khách mới nghỉ ăn tết”- ông Thanh cho biết.

Dự kiến vụ tết năm nay, ông Thanh sẽ đưa ra thị trường 100 chậu mai lớn nhỏ, trồng khoảng 500 chậu cúc, 2.000 chậu vạn thọ và mua thêm các loại kiểng lá về bán.

Điều đặc biệt là ông Thanh rất khéo trồng vạn thọ, năm nào bông cũng to đều bằng cái chén nên mọi người rất thích.

Chính vì vậy, dù bán giá cao hơn chút nhưng vẫn đắt hàng. Ông Thanh cho biết: “Chỉ tính riêng tiền bông, mỗi tết tui bán được khoảng 20 triệu đồng, bỏ túi vài triệu đồng tiền lời”.

Theo ông Thanh, đời sống người dân nông thôn mình thay đổi gấp 2- 3 lần so cách đây 5 năm. Hầu hết lao động ở nông thôn đều có việc làm ổn định, thu nhập nâng cao nên nhà cửa ngày càng khang trang, đón tết cũng sung túc và đầm ấm hơn. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã về đích trước 2 năm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 51 xã và TX Bình Minh đạt chuẩn nông thôn mới. Ước đến cuối tháng 1/2020 có 6 xã về đích nông thôn mới nâng cao.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh