Trước đây, người dân các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đi làm ăn xa khi về quê trong mỗi dịp lễ tết luôn ám ảnh bởi cảnh lụy phà. Còn bây giờ, hình ảnh những đoàn xe xếp hàng ba, hàng bốn kéo dài cả chục cây số chờ qua phà đã trở thành chuyện cũ…
Trước đây, người dân các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đi làm ăn xa khi về quê trong mỗi dịp lễ tết luôn ám ảnh bởi cảnh lụy phà. Còn bây giờ, hình ảnh những đoàn xe xếp hàng ba, hàng bốn kéo dài cả chục cây số chờ qua phà đã trở thành chuyện cũ…
Hệ thống giao thông đồng bằng dần kết nối. |
Bớt cảnh “lụy phà”
Chặng đường TP Hồ Chí Minh- Vĩnh Long chưa đầy 200km lại quá trắc trở bởi “sang sông phải lụy phà”. Hồi ấy, toàn vùng ĐBSCL không có cây cầu vĩnh cửu nào để vượt qua sông Tiền, sông Hậu…
Thế nên, khách phải lên xe rồi lại xuống xe chờ phà. Mỗi lần qua sông Tiền ở phà Mỹ Thuận hay sông Hậu ở phà Cần Thơ là ô tô xếp hàng nối nhau cả cây số, chờ năm bảy tiếng đồng hồ mới qua được sông.
Những chiếc phà xưa cần mẫn vượt sông tới đây chỉ còn trong ký ức. |
Sau đó, cầu Mỹ Thuận rồi đến cầu Cần Thơ được xây dựng đã mở nút nghẽn để miền Tây phát triển.
Còn nhớ lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận năm 2000- cầu dây văng đầu tiên vượt sông Tiền, lớn nhất Đông Nam Á thời đó, cư dân vùng ĐBSCL vỡ oà trong niềm vui sướng, bởi khát vọng ngàn đời đã trở thành hiện thực.
Đỉnh cao lộng gió mỗi khi qua cầu thay cho cảnh ngột ngạt qua phà, ai cũng thấy mình như… bay. Một dấu son đậm nét trong bức tranh giao thông đồng bằng.
Rồi 10 năm sau đó từ cầu Rạch Miễu, đến cầu Cần Thơ lần lượt hoàn thành nối đôi bờ, nối liền miền Tây Nam Bộ cùng cả nước. Và gần đây nhất là “liên hoàn” cầu Cao Lãnh rồi Vàm Cống khánh thành (năm 2018 và 2019), niềm vui ấy như được nâng lên gấp bội. Có người đã rơi nước mắt vì vui mừng…
Bộ trưởng Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt, “đi trước mở đường, là mạch máu của nền kinh tế”.
Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã hoàn thành nhiều dự án và đưa vào sử dụng. Điển hình như: cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông- Vận tải đã bố trí hơn 10.000 tỷ đồng để thực hiện một số dự án mới như: Quốc lộ 30, Quốc lộ 57, Quốc lộ 53, cầu Mỹ Thuận 2...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết “vẫn chưa hài lòng” vì giao thông vận tải khu vực này vẫn đang là “điểm nghẽn” rất lớn trong kết nối và sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.
Bắt đầu từ ngày hôm nay
Những năm gần đây, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu, có bước phát triển nhanh về kinh tế và kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, so với bình quân cả nước, ĐBSCL vẫn là một khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giao thông có vai trò quan trọng trong kết nối, phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL. |
Do vậy, việc đầu tư xây dựng các dự án kết nối có vai trò tích cực trong việc mở ra cơ hội thông thương, giúp khu vực rộng lớn và giàu tiềm năng này tăng tốc và bứt phá.
Bộ trưởng Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn sắp tới sẽ tham mưu với Chính phủ một số ưu tiên dự án trọng điểm. Đối với đường bộ, sẽ đầu tư kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh thông qua 5 dự án lớn: cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ; nâng cấp Quốc lộ 60 với trọng tâm là xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành tuyến phía Đông kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh; Dự án đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười kết nối với tứ giác Long Xuyên và 2 dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 giúp kết nối Đông- Tây TP Hồ Chí Minh.
Đường thủy sẽ nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo để giảm tải cho đường bộ; đề xuất hình thành cảng biển lớn ở ĐBSCL và ưu tiên cảng biển nước sâu, biến Cần Thơ thành trung tâm logistics của đồng bằng.
Trong nhiều cuộc họp, tìm giải pháp đưa ĐBSCL bứt phá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL cần phải có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông- Vận tải phối hợp tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành toàn tuyến cao tốc.
Trong đó, đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận phải hoàn thành thông xe vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác năm 2021; đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ (trong đó, có dự án cầu Mỹ Thuận 2) phải thông xe vào cuối năm 2022 và đưa vào sử dụng vào năm 2023,…
Nhiều chiếc cầu hoàn thành trong vui mừng của người dân. |
Khi các dự án hoàn thành sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ so với tuyến QL1.
20 năm, từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Vàm Cống khánh thành là lịch sử phát triển đột phá của giao thông miền sông nước, với hình ảnh những dòng người hối hả ngược xuôi.
Những chiếc phà xưa cần mẫn vượt sông chỉ còn trong ký ức, nhưng đang mở ra kỳ vọng mới với vai trò kết nối phát triển của những cây cầu hiện đại trên đất Chín Rồng.
Rồi đây sẽ còn nhiều chiếc cầu “thế kỷ” được tiếp nối khởi công và khánh thành đưa vào sử dụng. Nó như mạch máu chảy trong cơ thể đồng bằng trên đường phát triển mới, tạo ra một cú hích mới để các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Bài, ảnh: MIỀN TÂY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin