10 sự kiện nổi bật của tỉnh Vĩnh Long năm 2019

11:01, 01/01/2020

Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời vừa ký Quyết định số 3291/QĐ-UBND về việc công nhận 10 sự kiện nổi bật năm 2019 của tỉnh Vĩnh Long.

Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời vừa ký Quyết định số 3291/QĐ-UBND về việc công nhận 10 sự kiện nổi bật năm 2019 của tỉnh Vĩnh Long.

Tỉnh Vĩnh Long về đích trước 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Tỉnh Vĩnh Long về đích trước 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

1. Vĩnh Long tổ chức “Tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 1969- 2019)”. Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa ngày càng sâu rộng

 Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Người có thể khẳng định, với tinh thần đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất, bằng sự quyết tâm và ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long giành được thắng lợi và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Từ năm 1986 đến nay, Vĩnh Long đã có những bước chuyển quan trọng qua từng giai đoạn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, kinh tế tỉnh nhà đạt mức tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ dân khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo của tỉnh năm 2019 giảm còn 1,76% (theo tiêu chí đa chiều).

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy và cổ vũ việc học và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống.

2. Tượng thần Vishnu được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia; đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh. 15 nghệ nhân ở Vĩnh Long được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần II

Ngày 12/7/2002, Tượng thần Vishnu được phát hiện tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tượng bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tượng thần Vishnu được tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn hình chữ nhật (chiều dài 33cm, rộng 17cm, độ dày 4cm), tượng cao 102cm và nặng 41kg, có 4 tay, có nghệ thuật tạo hình đẹp.

Đây là hiện vật gốc, độc bản, là tác phẩm điêu khắc cổ, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Tượng thần Vishnu được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg, ngày 24/12/2018.

Năm 2019, Vĩnh Long có 15 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II. Đến nay, Vĩnh Long có 39 nghệ nhân ưu tú, đứng vị trí thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Giải quyết dứt điểm cơ bản hồ sơ liệt sĩ tồn đọng và thực hiện tốt công tác chính sách người có công với cách mạng, được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chọn là địa phương tiêu biểu để tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện liệt sĩ trên toàn quốc

Năm 2019, Vĩnh Long giải quyết dứt điểm hồ sơ liệt sĩ tồn đọng cho 85 liệt sĩ, lập hồ sơ thủ tục cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 11 liệt sĩ, trong đó có trường hợp đã hy sinh cách đây 60 năm.

Thực hiện tốt công tác chăm lo nhà ở cho người có công với cách mạng bằng nguồn vận động xã hội hóa và vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 735 căn nhà (xây dựng 349 căn, sửa chữa 386 căn) với kinh phí trên 26,4 tỷ đồng.

Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được sự quan tâm của các cấp các ngành với số tiền trên 20,2 tỷ đồng, đạt 338,2 % chỉ tiêu kế hoạch.

Tổ chức thăm, tặng quà lễ, tết cho các gia đình chính sách trên 54.500 phần quà, với số tiền trên 13,8 tỷ đồng. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân liệt sĩ trong cả nước nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2019).

4. Vận động gây Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện các chương trình an sinh xã hội năm 2019 vượt chỉ tiêu đề ra

Vận động Quỹ Vì người nghèo 3 cấp trên 40,6 tỷ, đạt 118,24% kế hoạch, riêng cấp tỉnh thu trên 16 tỷ, đạt 103,74% kế hoạch; cấp huyện và cấp xã vận động được trên 24,5 tỷ, đạt 130,08% kế hoạch.

Từ kết quả vận động được, đã hỗ trợ cất mới 1.145 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 46.237.600đ, sửa chữa 75 căn trị giá 1.068.068.000đ.

Đặc biệt có 2 đơn vị cấp huyện đã giải quyết dứt điểm nhà ở cho hộ nghèo (Long Hồ, Mang Thít); riêng huyện Mang Thít giải quyết dứt điểm nhà ở đến hộ cận nghèo. Ngoài ra, thực hiện các chương trình an sinh xã hội của tỉnh năm 2019 vượt chỉ tiêu đề ra, đạt trên 500 tỷ đồng.

Từ những kết quả đó đã góp phần kéo giảm hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,77% (5.158 hộ), hộ cận nghèo còn 4,02% (11.748 hộ). Tỷ lệ nhà ở kiên cố của tỉnh Vĩnh Long đạt 90,2% đang ở mức cao trong khu vực ĐBSCL (80,8%).

5. Tỉnh Vĩnh Long về đích trước 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị

Tính đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục vượt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ về thời gian (về đích trước 02 năm) và số lượng xã đạt chuẩn NTM và đơn vị tương đương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết có 50% xã và 01 đơn vị tương đương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM).

Cụ thể, toàn tỉnh có 48/89 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 53,93% và TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.  Đồng thời, toàn tỉnh có 10/15 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, tăng 40% so với năm 2018.

6. Sản xuất công nghiệp năm 2019 có bước tăng trưởng vượt bậc, hoạt động xuất khẩu Vĩnh Long có sự chuyển biến mạnh mẽ

Phát huy kết quả thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động có hiệu quả; năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 15% so cùng kỳ; đây là mức tăng cao nhất từ năm 2015 đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 (theo giá so sánh năm 2010) gấp đôi so với năm 2015 (36.600 tỷ đồng/18.312 tỷ đồng). 

Với những nỗ lực chung của tỉnh, của các doanh nghiệp xuất khẩu, đến cuối năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt mức 577,3 triệu USD, vượt trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (Nghị quyết đề ra chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt mức 530 triệu USD). 

Sau 10 năm bền bỉ đàm phán, xúc tiến các thủ tục, đến tháng 4/2019, Sở Nông nghiệp- PTNT tổ chức lễ công bố lô hàng trái xoài đầu tiên của Vĩnh Long được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đến nay, xoài tươi Việt Nam đã có mặt tại các siêu thị trên thị trường Mỹ.

7. Tình hình tội phạm được kéo giảm, đặc biệt tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí trong 5 năm liền

Trong năm 2019, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra 525 vụ, 595 đối tượng, thiệt hại tài sản khoảng 8,65 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 238 vụ tương đương 31,2%; thiệt hại giảm khoảng 20 tỷ đồng.

Trong đó, một số loại tội phạm được kéo giảm đáng kể như: Trộm cắp tài sản 303 vụ, giảm 158 vụ tương đương 34,27%; cướp và cướp giật tài sản 20 vụ, giảm 34 vụ tương đương 63%; xâm hại tình dục 16 vụ, giảm 19 vụ tương đương 54,3%; cố ý gây thương tích 98 vụ, giảm 30 vụ tương đương 23,4%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 11 vụ, giảm 06 vụ tương đương 35,3%. 

Đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả 03 tiêu chí trong 05 năm liền (năm 2015 xảy ra 425 vụ, chết 147 người, bị thương 483 người; năm 2016 xảy ra 322 vụ, chết 143 người, bị thương 343 người; năm 2017 xảy ra 280 vụ, chết 139 người, bị thương 242 người; năm 2018 xảy ra 244 vụ, chết 132 người, bị thương 207 người; năm 2019 xảy ra 174 vụ, chết 106 người, bị thương 131 người).

8. Giáo dục Vĩnh Long chăm lo phát triển thể chất học sinh hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện; giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục.  Thể dục, thể thao tỉnh Vĩnh Long tiếp tục trên đà phát triển. Thể thao tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đạt thành tích cao

Chương trình Sữa học đường theo Đề án “Sữa học đường cho trẻ trường mầm non và tiểu học công lập giai đoạn 20182021” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chính thức được thực hiện tại tỉnh với hơn 70 nghìn học sinh mầm non và tiểu học công lập được thụ hưởng.

Đây là chương trình có ý nghĩa to lớn trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. 

Ngành Giáo dục Vĩnh Long phối hợp tổ chức thành công Chương trình đồng diễn thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ với 6.146 học sinh tiểu học biểu diễn.

Đây là lần đầu tiên sự kiện thể dục đồng diễn diễn ra tại Vĩnh Long, được kỉ lục Guinness Việt Nam ghi nhận với số lượng học sinh tham dự lớn nhất.  Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và phát triển, tỷ lệ tốt nghiệp THPT duy trì ở mức cao (năm 2019 đạt 97,23%, cao hơn cả nước 3,14%), ba năm liền xếp hạng nhất, nhì các tỉnh khu vực ĐBSCL; 2 năm liền môn Sinh học được xếp hạng nhất trong cả nước.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ; tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 32,3%, vượt 0,3% so với chỉ tiêu kế hoạch năm.

Số gia đình thể thao chiếm 26% tổng số hộ dân, đạt 100% kế hoạch năm; đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe trong nhân dân.

Thể thao thành tích cao tiếp tục được giữ vững, đạt 355 huy chương các loại (97 huy chương Vàng, 118 huy chương Bạc, 140 huy chương Đồng), xếp hạng 02/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; trong đó, nổi bật đóng góp 3 huấn luyện viên, 5 vận động viên cho đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 30 tại Philippines.

Công tác xã hội hóa lĩnh vực thể thao đạt nhiều kết quả, trong năm đã vận động tài trợ đạt gần 9 tỷ đồng cho đội tuyển thể thao và tổ chức các giải thi đấu thể thao toàn quốc và quốc tế, góp phần thực hiện tốt công tác ngoại giao nhân dân; quảng bá, giới thiệu văn hóa du lịch của tỉnh.

9. Tăng cường ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính của tỉnh, đặc biệt đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và khai trương triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh

Ngày 01/4/2019, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh chính thức hoạt động, đây là nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Từ đó, tiết kiệm thời gian và tiền bạc đáng kể cho cá nhân và tổ chức khi tham gia thực hiện THHC; đồng thời góp phần cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và minh bạch.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tỉnh đã triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử nên có sự quản lý chặt từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả giải quyết THHC.

Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã công khai 1.442 TTHC cấp tỉnh, 296 TTHC cấp huyện, 144 TTHC cấp xã. Trong đó, có 769 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 91 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Qua đó, Cá nhân và tổ chức có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.vinhlong.gov.vn. Tính đến tháng 12/2019, Trung tâm Phục vụ Hành chính công đã tiếp nhận 19.584 hồ sơ và xử lý 18.541 hồ sơ, đạt tỷ lệ  94,67 %.

Trong đó, số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 3.041 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 15,53%).  Căn cứ vào điều kiện thực tế, xu hướng triển khai đô thị thông minh, UBND tỉnh Vĩnh Long đã đăng ký triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, triển khai một số ứng dụng thông minh phục vụ công tác quản lý và điều hành của tỉnh. Vào ngày 31/12/2019, tỉnh Vĩnh Long khai trương triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh.

10. Năm 2019 thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh

Triều cường đã gây nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai trên 29,5 tỷ đồng.

Bên cạnh triều cường thì gió mạnh và mưa lớn đã thiệt hại về nông nghiệp 61,29 ha, hư hỏng 231 căn nhà, 3 người bị thương. Toàn tỉnh xảy ra 157 điểm sạt lở, chiều dài gần 5km, ảnh hưởng 292 hộ dân. Toàn tỉnh đã phát hiện 1.406 hộ chăn nuôi bị dịch tả heo Châu Phi tại 104 xã, phường của 08 huyện, thị, thành phố, với số heo bị chết, tiêu hủy là 34.782 con.

Tin, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh