Kỳ 4: Chuyển hướng chiến lược nông nghiệp đồng bằng

05:11, 07/11/2019

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng- tác động kép này đang làm tổn hại đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên chống mặn mà hãy xem đó là cơ hội; không vì an ninh lương thực để trồng lúa bằng mọi giá, nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng- tác động kép này đang làm tổn hại đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên chống mặn mà hãy xem đó là cơ hội; không vì an ninh lương thực để trồng lúa bằng mọi giá, nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Nông dân chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Nông dân chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Nên giảm lúa

Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD.

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với BĐKH, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh là tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.

Nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới được đẩy mạnh áp dụng... Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL cần phải khắc phục các hạn chế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản tạo “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh, thời gian tới ĐBSCL sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức lớn từ BĐKH và các hoạt động phát triển thượng nguồn.

Trong đó, các thách thức lớn nhất là sụt lún đất, mực nước ngầm suy giảm, xói lở bờ biển. Ngập do nước biển dâng và úng ngập cục bộ do không tiêu thoát nước được khi cùng lúc triều cường dâng cao và nước lũ lên nhanh.

Cần cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cần cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Môi trường nước mặt ô nhiễm, một bộ phận người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trong các tháng đầu mùa khô, cấu trúc mùa vụ thay đổi, dịch bệnh gia tăng do BĐKH,…

Khuyến cáo nên giảm diện tích trồng lúa, bà Phạm Hoàng Vân- đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, hầu hết sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đều bán ở dạng thô, phân khúc chất lượng thấp hoặc trung bình của thị trường quốc tế.

Vì vậy, trong tương lai, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL phải mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và hệ sinh thái bằng cách sử dụng ít đất, nước, lao động, phân bón, hóa chất và năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm và chất thải.

Điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong sử dụng đất, sản xuất, và tổ chức hiệu quả chuỗi giá trị và bán các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ) cho rằng, cần quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở ĐBSCL theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang các loại cây trồng và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Diện tích còn lại tập trung vào các loại có giá trị cao, đặc sản.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách thu hút hơn nữa các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vùng này. Đây là thành phần quan trọng nhất của chuỗi giá trị nông nghiệp.

Xoay trục sản xuất để thích ứng

ĐBSCL sẽ xoay trục chiến lược theo thứ tự ưu tiên phát triển sang thủy sản- trái cây- lúa gạo thành vùng cung ứng các mặt hàng chủ lực này cho thế giới, làm cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững- là một trong những định hướng trong Chương trình tổng thể hành động thực hiện Nghị quyết số 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Xuân Cường cho biết, để cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại của vùng và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học- công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ.

Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành tôm và cá tra ở quy mô công nghiệp sản xuất lớn, hướng mạnh ra xuất khẩu.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu héc ta (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái).

Đa dạng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu.
Đa dạng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu.

Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản. Đối với ngành trái cây, sẽ tập trung phát triển theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao với 10 loại trái cây chủ lực là: xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm.

Đến năm 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200.000ha, đưa tổng diện tích vườn lên khoảng 680.000ha.

Vĩnh Long đã xác định khâu đột phá trong việc thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế trên địa bàn là phát triển nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu. Tỉnh kiên trì thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, nhằm giảm tỷ lệ nghèo nhanh hơn nữa một cách bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều.

Đối với lúa gạo, giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. 

Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000- 300.000ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1- 2 vụ hoặc luân canh với cây màu- thủy sản. Tăng cường liên kết vùng, phát triển thị trường và thu hút đầu tư nông nghiệp.

Để tạo sinh kế ổn định cho người dân, Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, quan trọng nhất là tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị.

Từ đó, hình thành cơ quan điều phối ngành hàng của vùng. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”.

5 nhóm giải pháp phát triển ĐBSCL “thịnh vượng, an toàn, bền vững”

Cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; Chủ động thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường, biến nguy cơ thành thời cơ; Ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến; Quy hoạch tích hợp, đa ngành, lĩnh vực, có điều phối liên vùng, liên kết ngành; Tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực của vùng ĐBSCL theo hướng thị trường.

Kỳ cuối: Để Nghị quyết “thuận thiên” bền vững và thành công

Bài, ảnh: NHÓM PV

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh