Kết quả triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020" năm qua như thế nào và hướng mở gì về nghề, việc làm cho người LĐNT trên địa bàn sau khi đề án kết thúc vào năm tới... Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn nhanh bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long.
Kết quả triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” năm qua như thế nào và hướng mở gì về nghề, việc làm cho người LĐNT trên địa bàn sau khi đề án kết thúc vào năm tới... Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn nhanh bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long.
* Đến nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt kết quả như thế nào so với kế hoạch năm, thưa bà? Còn cơ cấu ngành nghề, giải quyết việc làm thời gian qua đối với người học nghề nông thôn ra sao?
- Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 207 lớp đào tạo nghề cho 5.405 LĐNT, đạt 83,15% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Các ngành nghề đào tạo phổ biến là cơ khí hàn- tiện, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; các nghề lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như chăm sóc hoa kiểng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng nấm...
Thời gian qua, BCĐ thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” các cấp đã tiếp tục quán triệt thực hiện phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”, chú trọng chỉ đạo tăng cường gắn kết hỗ trợ đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo việc làm ổn định cho người LĐNT sau học nghề.
Trong đó chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước khi tổ chức lớp dạy nghề phải phối hợp các ban ngành đoàn thể ở địa phương để xác định các phương án tự tạo việc làm tại chỗ hoặc phối hợp doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau học nghề.
Việc thực hiện đề án thời gian qua về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học nghề và tìm việc làm, tự tạo việc làm của LĐNT trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ LĐNT có việc làm ổn định sau học nghề đạt trên 95%. Quá trình triển khai có sự áp dụng linh hoạt giữa hình thức tổ chức đào tạo, thời gian đào tạo..., tạo thuận lợi cho người LĐNT tham gia học nghề, trong đó có LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo điều kiện trang bị tay nghề, kiến thức kỹ thuật và hỗ trợ các nguồn lực để các đối tượng này đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng hoặc chuyển đổi việc làm, tạo việc làm có hiệu quả, giúp phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Thêm vào đó, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT thời gian qua đã đóng góp tích cực trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật khu vực nông thôn, đóng góp vào giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
* Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956 (năm 2009), hướng mở nào sau đề án này về nghề và việc làm cho người LĐNT- một bộ phận quan trọng ở khu vực nông thôn góp phần vào hiện đại hóa nông nghiệp- nông thôn?
- Cần xác định việc tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh đào tạo tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cho LĐNT là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả việc làm, thu nhập và đời sống cho người dân nông thôn và nông dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động; đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của LĐNT và nông dân...
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng; trong đó các đối tượng áp dụng của chính sách là LĐNT, lao động nữ, người khuyết tật...
Vì vậy giai đoạn sau năm 2020, đề xuất các cấp, các ngành liên quan của tỉnh cần tiếp tục quan tâm tranh thủ các nguồn lực, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và huy động, bố trí nguồn lực, kinh phí địa phương để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT và các đối tượng lao động yếu thế. Trong đó tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT để phục vụ phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; phát triển các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, cung ứng lao động cho thị trường lao động trong và ngoài nước.
* Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
MINH THÁI (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin