Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là một trong những nội dung trọng tâm của việc thực hiện chính sách đối với người có công. Tuy nhiên, do chiến tranh kết thúc đã lâu, địa hình nhiều thay đổi và nhân chứng ngày càng ít nên việc xác định thông tin về liệt sĩ đang gặp nhiều khó khăn.
Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là một trong những nội dung trọng tâm của việc thực hiện chính sách đối với người có công. Tuy nhiên, do chiến tranh kết thúc đã lâu, địa hình nhiều thay đổi và nhân chứng ngày càng ít nên việc xác định thông tin về liệt sĩ đang gặp nhiều khó khăn.
Việc tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ được tỉnh Vĩnh Long tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Ảnh tư liệu |
Trong kháng chiến, tỉnh Vĩnh Long là địa bàn trọng yếu, nơi diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội các đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Do đó, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tỉnh đã triển khai việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang, đồng thời xác định danh tính các liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Điều này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ và góp phần thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội đối với các gia đình có công.
Thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. |
Đến nay, sau 1 năm triển khai kế hoạch của BCĐ thực hiện lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là BCĐ 515), Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Vĩnh Long đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, tổng hợp số lượng liệt sĩ đã hy sinh qua các thời kỳ, nhất là khoanh vùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến để thu hẹp thông tin về địa bàn chôn cất liệt sĩ- phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập.
Đồng thời, thành phố cũng tiến hành phát hơn 35.000 phiếu thu thập thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ đến các hộ gia đình ở 11 phường- xã.
Kết quả xác định có 30 liệt sĩ hy sinh và được chôn cất ban đầu trên địa bàn thành phố, 10 mộ liệt sĩ chưa rõ thông tin.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố chủ động liên hệ với các cơ quan cấp trên, các đơn vị tham gia chiến đấu trên địa bàn qua các thời kỳ để nắm lại danh sách các liệt sĩ đã hy sinh và được chôn cất lần đầu, sau đó chuyển giao cho các phường- xã tiến hành kiểm tra, xác minh, so sánh, bổ sung về liệt sĩ, làm cơ sở kết luận địa bàn ở các cấp theo đúng hướng dẫn của BCĐ quốc gia 515.
Từ đầu năm đến nay, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long đã tư vấn cho hơn 550 lượt gia đình về việc tìm mộ người thân hy sinh tại chiến trường các tỉnh phía Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế.
Ngoài ra, chi hội tiến hành xác minh và tìm được 6 mộ liệt sĩ được chôn cất ở Vũng Liêm và Tam Bình. Đây là những trường hợp từng tham gia chiến đấu trong các đơn vị chủ lực, có người quê quán ở các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, theo bà Dương Ngọc Lài- Chi hội phó Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, do chiến tranh kết thúc đã lâu và địa hình đã có nhiều thay đổi, trong khi nhân chứng không còn hoặc trí nhớ kém minh mẫn nên thông tin về mộ liệt sĩ cũng ngày càng ít.
Có trường hợp từ lúc tiếp nhận thông tin đến khi đưa được hài cốt về an táng tại các nghĩa trang phải mất rất nhiều công đoạn, thời gian, có khi vài năm mới
hoàn thành.
Vừa qua, tại hội nghị rút kinh nghiệm việc lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, BCĐ 515 tỉnh đã chỉ ra nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như những mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ này thời gian qua.
BCĐ 515 tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và phát huy tính chủ động, tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ.
Bà Dương Ngọc Lài cho rằng, người dân là kênh thông tin quan trọng giúp tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Do đó, phải tiến hành xác minh ngay khi tiếp nhận thông tin và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể.
Đồng thời, phía Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ sẽ tiếp tục đồng hành cùng gia đình các liệt sĩ, vận động kinh phí hỗ trợ những gia đình còn khó khăn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Đến nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chuyển giao hơn 1.900.000 dữ liệu về liệt sĩ và gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ, hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ cho Bộ Thông tin- Truyền thông để chuẩn hóa, tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin