Khơi sức dân xây quê hương đổi mới

05:11, 06/11/2019

Dù lộ trình về đích nông thôn mới (NTM) của xã Tân Long Hội (Mang Thít) vào khoảng năm 2022, nhưng ngay từ những năm đầu bắt tay xây dựng NTM, xã đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho từng tiêu chí. Trong đó, việc huy động sức dân xây đường giao thông nông thôn được xã duy trì xuyên suốt, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Dù lộ trình về đích nông thôn mới (NTM) của xã Tân Long Hội (Mang Thít) vào khoảng năm 2022, nhưng ngay từ những năm đầu bắt tay xây dựng NTM, xã đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho từng tiêu chí. Trong đó, việc huy động sức dân xây đường giao thông nông thôn được xã duy trì xuyên suốt, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Sau khi công trình giao thông hoàn thành, người dân tiếp tục trồng hoa làm đẹp cảnh quan và hùn tiền làm đèn đường thắp sáng.
Sau khi công trình giao thông hoàn thành, người dân tiếp tục trồng hoa làm đẹp cảnh quan và hùn tiền làm đèn đường thắp sáng.

Đổi thay trên những tuyến đường

Thời chiến, xã Tân Long Hội (Mang Thít) nằm ven 2 trục giao thông thủy bộ chiến lược của khu vực và của chiến trường bản lề Vĩnh- Sa- Trà. Địa hình chia cắt, địch tập trung bình định, đánh phá ác liệt. Sau ngày giải phóng, xã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trong đó, giao thông đường bộ được xã đặc biệt quan tâm vì lúc đó trên địa bàn xã toàn cầu khỉ, đường đi toàn là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội, thậm chí có nơi không có đường đi.

Nhờ từng bước vận động mạnh thường quân và nhân dân địa phương chung tay đóng góp tiền của, hiến đất, góp công mà xã đã từng bước xóa cầu khỉ, đan hóa, nhựa hóa các tuyến đường.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, xã duy trì vận động mỗi hộ dân cùng chung tay đóng góp nguồn quỹ để xây dựng giao thông nông thôn 100.000 đ/hộ/năm, sau đó tăng lên 200.000- 300.000 đ/hộ/năm để cùng Nhà nước đầu tư, tu sửa các công trình giao thông. Trong đó ưu tiên trước cho các công trình bức xúc.

Trên tuyến đường đan liên xóm rộng thoáng (dài khoảng 1.300m), chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Phúc (tên thường gọi là Út Chín, ở ấp Tân Phong 2).

Bên tách trà, ông Út Chín cho biết, trước đây chỗ này chỉ là con đập nhỏ, sau đó được Nhà nước đầu tư, cho móc đất lên làm con đê. Rồi từ nguồn quỹ do nhân dân đóng góp (lúc đó là 100.000 đ/hộ/năm), Nhà nước đầu tư làm đường đan nhỏ, sau đó thì kéo thêm đan để mở rộng ra gấp đôi.

Ngoài nguồn quỹ đóng góp hàng năm, ông Út Chín cùng các hộ dân nơi đây còn hiến đất để mở rộng đường. Tính riêng gia đình ông Út Chín hiến khoảng 300m2.

Đối với người dân nông thôn, đất đai gắn liền như khúc ruột, nhưng với “nhu cầu bức xúc về con đường đi lại thuận tiện, người dân nơi đây rất sẵn lòng hiến đất để có đường đi thông thoáng”- ông Út Chín nói.

Ông Nguyễn Văn Hoàng- Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Tân Phong 2- cho biết thêm: Đây là công trình khá bức xúc, bởi trước đây con đường này khá lầy lội, đi lại cực khổ dữ lắm! Hơn chục năm trước, được Nhà nước cho nạo vét kinh mương, đắp đường.

Sau đó là lót đan. Cách đây 3 năm thì cải tạo, mở rộng thêm. Nhờ vậy mà việc đi lại, giao thương hàng hóa ngày càng dễ dàng hơn.

Góp sức tô thắm làng quê

Nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân trong hiến đất, góp tiền xây đường giao thông mà diện mạo xã Tân Long Hội ngày càng đẹp hơn.
Nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân trong hiến đất, góp tiền xây đường giao thông mà diện mạo xã Tân Long Hội ngày càng đẹp hơn.

Dọc theo tuyến đường giao thông nông thôn kết hợp công trình thủy lợi phục vụ 3 xã Tân Long- Tân Long Hội- Tân An Hội (do Sở Nông nghiệp- PTNT làm chủ đầu tư) được lót đan rộng lớn phẳng lì, xe chạy êm ái, hai bên đường trồng đủ các loại hoa với đủ sắc màu rực rỡ, cùng với đó là đèn đường thắp sáng chạy dọc theo con đường, cho chúng tôi có cảm giác đây là diện mạo của xã NTM.

Ông Nguyễn Minh Quang (ấp Tân Phong 2) cho biết: Công trình này đi ngang qua phần đất nhà của 180 hộ dân ấp Tân Phong 1 và Tân Phong 2 (xã Tân Long Hội) với tổng chiều dài khoảng 3km, được khởi công vào cuối tháng 7/2019. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của người dân.

Trước đây, vùng này là đất biền, sau đó người dân lên ruộng rồi lập vườn. Do không có đường để đi nên mỗi lần di chuyển khá bất tiện, phải chạy xuyên qua đất nhà của người này, qua vườn của người kia. Mỗi mùa nước nổi thì nơi đây bị ngập lụt không đi lại được.

Phần đất nhà ông Quang trước đây trồng dừa với mật độ dày. Khi Nhà nước đầu tư xây đường, gia đình ông đã hiến 600m2 đất, đốn bỏ hơn 100 gốc dừa và di dời hàng rào để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công.

Ông Quang tính nhẩm, bình quân mỗi cây cho 24 trái dừa/tháng, giá bán 75.000 đ/chục (12 trái). Khi hiến đất ông đã mất khoản thu không nhỏ. Dù có tiếc nhưng ông cũng vui vẻ gật đầu vì quan trọng hơn là thực hiện được ước mơ “có con đường để đi” của bà con nơi đây.

Khi hay tin công trình chuẩn bị đầu tư, ông Quang còn tranh thủ đi khắp nơi xin các loại hoa về ươm giống. Đến khi công trình hoàn thành, đem ra trồng liền thì cây mới tốt, mau phát triển. Hộ nào chưa chuẩn bị cây giống kịp thì ông đem cho.

Rồi thấy hộ nào trong ấp đi làm ăn xa, ít về quê, ông Quang cũng tiện tay qua mần cỏ dùm, sau đó trồng hoa để cho đẹp suốt tuyến.

Ông Quang kể: Hồi chưa xây đường, chỗ này “buồn muốn chết”. Giờ nhà nhà được ra mặt tiền nên xóm mình vui vẻ hẳn ra. Cứ mỗi sáng sớm hay chiều tối là xe chạy nối đuôi nhau đi làm, về nhà và đưa rước con em đi học.

“Bà con mình giờ đi cắt cỏ nuôi bò cũng quăng lên xe chạy ào ào, thương lái thu mua trái cây cũng chạy vô ầm ầm… Không khí làng quê nhờ vậy nhộn nhịp hẳn”- ông Quang tươi cười diễn tả.

Hôm chúng tôi đến, tuyến đường tại ấp Tân Phong 2 đang được khảo sát chuẩn bị làm đèn đường. Bên cạnh huy động mỗi hộ dân đóng góp 200.000đ, địa phương còn vận động mạnh thường quân và những người con của quê hương làm ăn xa thành đạt, cùng chung tay đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Chủ tịch UBND xã- cho biết: Đến nay, xã đã vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp đầu tư làm trên 13km đèn đường.

Chính nhờ sự đồng tình của người dân trong hiến đất và đóng góp các nguồn quỹ để xây đường giao thông nông thôn và kéo đèn điện thắp sáng mà bộ mặt nông thôn của xã ngày càng đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội: Toàn xã hiện có 9 tuyến đường liên xóm với tổng chiều dài 20,8km. Qua huy động sức dân, đã đầu tư gần 3km đường với tổng trị giá khoảng 2,1 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp khoảng 1 tỷ đồng và hiến đất để làm đường. Trong 2 năm (2018- 2019) xã còn vận động xã hội hóa khoảng 4 tỷ đồng để đan hóa 3km đường giao thông nông thôn. Trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ trên 1 tỷ đồng, nhân dân hiến đất góp công… Bên cạnh, xã còn được đầu tư xây dựng công trình giao thông kết hợp thủy lợi phục vụ 3 xã Tân Long- Tân Long Hội- Tân An Hội nên đến nay toàn xã chỉ còn khoảng 3km đường liên xóm chưa được đầu tư. Xã phấn đấu đến năm 2022 sẽ đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường liên xóm.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh