Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật

05:11, 27/11/2019

Xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tác hại của nó đến đời sống, sức khỏe người dân. Qua đó, còn góp phần xây nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

 

Xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tác hại của nó đến đời sống, sức khỏe người dân. Qua đó, còn góp phần xây nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

Đối với những vùng sản xuất nông nghiệp, lượng bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường là rất lớn cần được thu gom và xử lý.
Đối với những vùng sản xuất nông nghiệp, lượng bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường là rất lớn cần được thu gom và xử lý.

Thu gom và xử lý

Thuốc BVTV là vật tư cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Sử dụng thuốc BVTV được xem là biện pháp quan trọng trong việc ngăn chặn dịch hại bùng phát trên cây trồng.

Tuy nhiên, tình trạng vứt bỏ bao gói hay chai lọ đựng thuốc BVTV tùy tiện sau khi sử dụng ở các cánh đồng, kinh mương thủy lợi, bờ sông… của một số người dân dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Bình Tân là huyện thuần nông với diện tích trồng màu không ngừng tăng qua từng năm do thực hiện chuyển đổi luân canh màu xuống ruộng, đến nay diện tích trồng màu là 20.982ha, tăng 8.641ha so năm 2010. Sản xuất luân canh lúa- màu và chuyên màu đem lại lợi nhuận cao hơn từ 3 lần trở lên so sản xuất lúa.

Song, gắn với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Bình Tân đang trước tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, điều này “đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường”- ông Lê Minh Đức- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân nhận định.

Để giải quyết thực trạng trên, huyện Bình Tân đề ra giải pháp tập trung triển khai các mô hình thu gom và xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Qua đó, BCĐ chương trình xây dựng NTM các xã đã có giải pháp cụ thể để thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Trong đó, xã Thành Trung đã được huyện Bình Tân đầu tư 20 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Bên cạnh, xã còn vận động doanh nghiệp bán thuốc BVTV hỗ trợ xây thêm 10 bể. Như vậy, đến nay toàn xã có 30 bể.

“Từ việc xây dựng mô hình bể chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng đã góp phần tích cực nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần cùng xã xây NTM về môi trường và an toàn thực phẩm”- ông Ngô Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã cho biết.

Quan trọng là ý thức

Sau khi sử dụng, anh Tuấn thu gom các vỏ, bao bì thuốc BVTV cẩn thận cho vào bể chứa để bảo vệ môi trường.
Sau khi sử dụng, anh Tuấn thu gom các vỏ, bao bì thuốc BVTV cẩn thận cho vào bể chứa để bảo vệ môi trường.

Trên cánh đồng trồng khoai lang rộng lớn ở ấp Thành Sơn (xã Thành Trung), anh Phan Văn Tuấn cho biết: “Trước đây, mỗi khi sử dụng thuốc BVTV xong là tui gom bao bì để vô bao hết, lâu lâu có xe rác tới thu gom hoặc xã tổ chức thu gom.

Từ khi có bể chứa, tui thấy tiện hơn, sạch sẽ hơn, chứ trước đây tui để ở trong bao lâu thì bao bị mục, bay mùi ra rất ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe
người dân”.

Chúng tôi đến rẫy khoai ở ấp Thành Hưng nhân lúc anh Nguyễn Văn Bịch đang dọn đất trống trên bờ kinh để chuẩn bị trồng bầu. Anh Bịch cho biết, ngoài 10 công đất nhà, anh còn mướn thêm 5 công đất trồng khoai lang tím. Mỗi năm anh Bịch trồng 1 vụ khoai, 2 vụ lúa.

Nhờ phần đất trồng khoai gần bể chứa bao bì thuốc BVTV nên anh Bịch thuận tiện trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Nhờ phần đất trồng khoai gần bể chứa bao bì thuốc BVTV nên anh Bịch thuận tiện trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Bên cạnh, anh tận dụng đất trên bờ kinh trồng thêm các loại màu để tăng thêm thu nhập. Diện tích đất nhiều nên việc sử dụng thuốc BVTV là không ít. Song, nhờ phần đất sản xuất gần bể chứa bao bì thuốc BVTV nên mỗi khi sử dụng xong là anh gom thẳng ra chỗ chứa.

“Hơn 1 năm nay, khi được đầu tư bể chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, tui thấy sạch, gọn và tiện lợi hơn, chứ trước đây, tui cho vô bao rồi để đó. Một số người thấy chai tái chế được thì lấy đem bán, còn lại thì lâu lâu tui đào hố chôn hoặc đem đốt”- anh Bịch nói.

Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.045 hố chứa và 16 điểm trung chuyển bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Qua đó, đã góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 58/89 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm 65% tổng số xã xây dựng NTM.

Trên thực tế, trong mỗi vỏ bao bì thuốc BVTV đã sử dụng vẫn còn 1- 2% lượng thuốc còn sót lại. Chính vì vậy, việc thu gom, xử lý nếu không được thực hiện triệt để sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, nếu đốt ở nhiệt độ thấp sẽ phát thải khí dioxin (chất gây ung thư); nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.

Chính vì vậy, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng nên thu gom, xử lý và tiêu hủy đúng quy trình với nhiệt độ cao tại các đơn vị được cấp phép.

Hiện nay, việc đặt các bể thu gom đã được các địa phương trong tỉnh lựa chọn vị trí phù hợp, thuận tiện đường giao thông, phân bố hợp lý, thuận lợi cho nông dân khi tiến hành pha xịt; xa nguồn nước sinh hoạt, không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Việc xây dựng, lắp đặt các bể thu gom tại các cánh đồng đã tạo thuận lợi cho nông dân trong việc thu gom vỏ thuốc BVTV.

Mỗi năm, các huyện sẽ có các đợt tổ chức thu gom và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý và tiêu hủy theo đúng quy định. Vấn đề còn lại chính là nhận thức và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Qua phát động của BCĐ xây dựng NTM các huyện- thị, các xã Trung Hiệp (Vũng Liêm), xã Hòa Ninh (Long Hồ), xã Thuận An (TX Bình Minh)… cũng đã làm rất tốt việc xây bồn xi măng chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và tuyên truyền bà con nông dân thực hiện nghiêm túc việc bỏ vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng vào các bồn đựng rác được bố trí trên các cánh đồng.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh