
Bà con ở ấp Hòa Phú (xã An Phước- Mang Thít) cho biết do ảnh hưởng của triều cường, mấy ngày qua nhiều vườn cây ăn trái, nhà cửa… bị nước ngập sâu, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
Bà con ở ấp Hòa Phú (xã An Phước- Mang Thít) cho biết do ảnh hưởng của triều cường, mấy ngày qua nhiều vườn cây ăn trái, nhà cửa… bị nước ngập sâu, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
![]() |
Nước ngập lênh láng vườn cây ăn trái, ao chuồng của người dân ấp Hòa Phú vào sáng 1/10. |
Ông Bùi Văn Cưng cho biết nhà cửa ngập nước lênh láng, lúa thóc, tủ lạnh… đều phải kê lên cao hết. Trong khi đó, “hơn 2 công vườn tạp vừa được cải tạo trồng sầu riêng và tứ quý bị ngập nặng”- ông Cưng nói.
Kế bên, gia đình ông Sáu Dũng cũng vừa trồng 6 công sầu riêng thì bị nước nhấn chìm, ao nuôi cá trê bị tràn bờ không kịp trở tay nên cá ra hết.
Còn chú Hồ Văn Viên nói: “Nhà cửa tui xung quanh ngập lênh láng hết. Nhà tui nuôi bò, gà, nước ngập ngang đầu gối, bò chỉ đứng chớ không nằm được”.
Nhà ông Bùi Văn Hiệp, ông Huỳnh Văn Học cũng trong tình trạng tương tự. Các ông cho biết cũng vừa cải tạo mấy công vườn tạp trồng sầu riêng, mít, mãng cầu, dừa… nhưng đã bị ngập lút trong mấy ngày qua. “Cây mới trồng, vừa ra rễ non gặp lúc cầm thủy lâu ngày như vầy chắc chết hết”- ông Cưng than thở.
![]() |
Đồ đạc trong nhà, thức ăn cá… phải kê nới lên cao. |
Theo người dân ở ấp Hòa Phú, nguyên nhân gây ngập là con nước cuối tháng 9 quá lớn, tràn vào khu vực nuôi cá, ngập bờ ao và tràn ra khu vực sản xuất. Người dân cũng cho biết do đường đê bao của khu vực này chưa hoàn chỉnh, nên gây tràn nước, khiến đời sống người dân khốn đốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long về nguyên nhân gây ngập ảnh hưởng sản xuất của người dân, bà Trần Thị Thân- Phó Chủ tịch UBND xã An Phước- cho rằng: “Do triều cường quá cao, mấy ngày qua trên địa bàn xã đã xảy ra một vài điểm tràn trên Đường tỉnh 902, đoạn sạt lở 5m ở ấp Phú An xã đã vận động cùng người dân khắc phục.
Riêng tại ấp Hòa Phú, dù người dân đã chủ động có giải pháp ứng phó, nhưng nước quá cao chịu không nổi. Có 30 hộ dân với hơn 30ha hoa màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng”.
Đưa chúng tôi thực tế tại khu vực tràn, bà Trần Thị Thân cho biết đường đê giao thông nông thôn kết hợp thủy lợi của khu vực này nối với bờ bao ao cá của hộ dân.
“Nước tràn bờ bao ao cá, rồi tràn vào khu vực sản xuất của người dân”- bà nói và cho biết thêm- “Ngay khi nghe người dân phản ánh, xã đã xuống tìm hiểu, ghi nhận nước tràn qua bờ bao lúc đỉnh điểm hơn 30-40cm”.
Ông Nguyễn Phước Hải- chủ hộ nuôi cá ngay tại đoạn nước tràn ấp Hòa Phú- cho biết: “Đó giờ nuôi cá ở đây nước chỉ lé đé. Năm nay chủ quan nước ít, đâu ngờ nước dâng cao đột ngột trở tay không kịp”.
Theo ông, đây là khu vực đầu vàm sông Cổ Chiên nên nước chảy xiết và sâu. Để bảo vệ ao nuôi cá, ông đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng xây dựng bờ kè bằng gạch bao quanh 2-3 lớp, nhưng chỉ con nước này cũng đã làm sụp lở một đoạn dài. Ao cá của ông cũng thất thoát không ít do nước tràn bờ…
Người dân mong muốn Người dân ở ấp Hòa Phú bị ảnh hưởng nước ngập vườn cây ăn trái, rau màu, nhà cửa, rất mong chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ, khắc phục tình trạng này để ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, “chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm hoàn chỉnh tuyến đê bao còn dở dang, để bà con yên tâm sản xuất. Chớ cây vừa trồng xuống bị nước ngập là chết hết”- ông Bùi Văn Cưng nói thay bà con. Về phía UBND xã An Phước, bà Trần Thị Thân cho biết: “Hiện UBND xã đã tính toán phương án thuê xáng cạp móc hoặc mua đất tôn nền, tận dụng phương tiện tại chỗ để cùng người dân khắc phục đoạn bờ bao. Dự kiến khoảng 30 triệu đồng, từ nguồn kinh phí của xã và vận động của người dân”. |
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin