Lựa chọn thêm một ngày nghỉ lễ: 5/9 hay 28/6?

07:10, 23/10/2019

Đa số đại biểu đồng tình bổ sung một ngày nghỉ trong năm nhưng các ý kiến vẫn chưa thống nhất nên chọn ngày nào.

Đa số đại biểu đồng tình bổ sung một ngày nghỉ trong năm nhưng các ý kiến vẫn chưa thống nhất nên chọn ngày nào.

Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong phiên thảo luận ngày 23/10, đa số đại biểu đồng tình về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.

Đại biểu Mai Sỹ Diến, tỉnh Thanh Hoá đồng tình nghỉ tăng thêm một ngày và nên nghỉ vào dịp Tết dương lịch để kỳ nghỉ này có 2 ngày, thay vì 1 ngày như hiện nay.

Đa số đại biểu đồng tình bổ sung một ngày nghỉ trong năm nhưng các ý kiến vẫn chưa thống nhất nên chọn ngày nào. (Ảnh minh họa: KT).
Đa số đại biểu đồng tình bổ sung một ngày nghỉ trong năm nhưng các ý kiến vẫn chưa thống nhất nên chọn ngày nào. (Ảnh minh họa: KT).

Lý giải lựa chọn của mình, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng: “Tết dương lịch là thời gian kết thúc một năm làm việc mệt nhọc. Tăng thêm một ngày là hợp xu thế và là điểm ưu việt để người lao động có thể thăm hỏi người thân, đi du lịch”.

Ngoài ra, ông Diến cũng kiến nghị có thể để hai phương án là nghỉ vào dịp Tết dương lịch hoặc ngày Gia đình Việt Nam để Quốc hội lựa chọn.

Chọn ngày 5/9 hay 28/6 làm ngày nghỉ tăng thêm

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn thành phố Hà Nội cũng đồng ý bổ sung thêm một ngày nghỉ, và đề xuất nên nghỉ ngày 28/6, ngày Gia đình Việt Nam để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc là quốc gia hạnh phúc. Có thêm một ngày nghỉ để gia đình được nghỉ ngơi, gắn kết, sum họp là rất cần thiết.

Ngoài ra, xã hội hiện đại hiện nay mang đến cho con người đời sống đầy đủ tiện nghi hơn nhưng cũng đầy cạm bẫy. Tổ ấm đang bị tác động trực tiếp, gián tiếp, có lý, vô lý làm lung lay sự bền vững, gắn kết nội tại. Gia đình bền vững thì quốc gia bền vững.

“Việt Nam đã có ngày nghỉ 10/3 âm lịch để giỗ Tổ các vua Hùng, ngày nghỉ 2/9 là ngày dành cho đất nước. Nếu được Quốc hội thông qua, từ nay chúng ta sẽ có thêm ngày nghỉ 28/6 – ngày gia đình Việt Nam – sẽ là ngày dành cho tổ ấm, hạnh phúc, cho sự bền vững của gia đình thì đó là điều hợp lý và rất tiến bộ”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc, cần có thêm hai ngày nghỉ cho người lao động, gồm ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 và ngày 28/6.

Theo đại biểu Tiến, ngày 5/9 có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh. “Nhiều cháu thiệt thòi và bố mẹ cũng tủi thân vì không được đưa con em mình đi khai giảng. Nếu không được nghỉ hai ngày mà phải lựa chọn một thì tôi chọn nghỉ ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, ông Tiến nêu ý kiến.

Dự thảo Bộ Luật Lao động trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đề xuất có thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm. Tuy nhiên, đề xuất này không được đại biểu đồng tình khi thảo luận tại Hội trường. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Bộ luật đã xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ và đề nghị “Giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ”.

Mặc dù vậy, quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6)./.

Theo Vân Anh/VOV

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh