Khi đô thị "vỡ trận" trước triều cường

06:10, 09/10/2019

Theo ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- đơn vị lo chuyện chống ngập cho nội ô TP Vĩnh Long hàng năm: Đợt triều cường cuối tháng 8 đầu tháng 9 âl vừa qua, nội ô thành phố ngập sâu và lâu hơn những năm trước do triều cường dâng cao nên "vỡ trận".

 

 

Mùa mưa lũ hàng năm, đường Mậu Thân (Phường 3) thường bị ngập sâu gây ảnh hưởng đi lại, mua bán…
Mùa mưa lũ hàng năm, đường Mậu Thân (Phường 3) thường bị ngập sâu gây ảnh hưởng đi lại, mua bán…

Theo ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- đơn vị lo chuyện chống ngập cho nội ô TP Vĩnh Long hàng năm: Đợt triều cường cuối tháng 8 đầu tháng 9 âl vừa qua, nội ô thành phố ngập sâu và lâu hơn những năm trước do triều cường dâng cao nên “vỡ trận”.

Ngập rộng, sâu và lâu hơn

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Phường 4- TP Vĩnh Long) đưa con học mầm non ở Phường 1, cho biết có nhiều tuyến ngập sâu, trong khi một số tuyến khác thì ùn tắc.

Ngày đầu, chị bị “vướng” vô đường ngập, mò mẫm chạy xe thật chậm nhưng gặp xe lớn đi ngược chiều, chạy nhanh nên tạt nước mạnh, suýt ngã xe. “Rút kinh nghiệm” nên những ngày sau đó chị đưa con sớm và đi vòng đường khác để “né” ngập.

Ông Ngô Thành Thía cho hay, theo dự báo ban đầu thì khả năng năm nay lũ không về nhưng như hàng năm, công ty đều phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thành phố lên phương án chủ động phòng chống lũ như gia cố lại các van một chiều, nạo vét thông thoáng các cống thoát nước, các cửa xả, vô bao cát để đắp những chỗ có khả năng bị tràn...

Tuy nhiên, cuối tháng 8 âl, nước bắt đầu lên nhanh và dâng cao nên hệ thống máy bơm chỉ giúp hạn chế ngập những ngày đầu. Bước sang những ngày đầu tháng 9 âl, nước dâng quá cao- tràn từ sông lên các con hẻm và từ nhà dân nên nội ô thành phố, ngập tự do khoảng 5 ngày.

Đáng kể là khu vực Phường 1 có một số tuyến ngập sâu như: đường 2 Tháng 9, đường Nguyễn Thái Học, đường 30 Tháng 4, đường Hưng Đạo Vương, đường Hoàng Thái Hiếu… (riêng đường Trưng Nữ Vương vừa nâng cao nên không ngập). Ở các phường khác cũng có một số tuyến ngập sâu như: đường Mậu Thân (Phường 3), đường Phạm Thái Bường, đường Trần Phú (Phường 4).

Riêng Phường 2 thì đường Lê Thái Tổ cũng ngập nhưng so mọi năm thì phường ngập ít hơn do xung quanh có các đê bao đã thi công, hoàn thành. Trong đó, bên cạnh những tuyến ngập nhiều năm nay càng ngập nặng hơn (đường 2 Tháng 9, đường Nguyễn Thái Học, đường Hưng Đạo Vương…) thì có một số tuyến đường năm rồi không ngập năm nay cũng… ngập luôn, như: đường Hoàng Thái Hiếu, đường 19 Tháng 8, đường Nguyễn Thị Út. Thời gian ngập vào mỗi con nước lớn ròng cũng kéo dài đến 3 giờ- lâu hơn so mọi năm.

Ông Ngô Thành Thía cho hay: Nếu mùa mưa lũ năm 2018, “triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường trước nay không ngập nay cũng ngập sâu” nhưng “vẫn có những ngày bơm tát được, giúp hạn chế ngập úng” thì năm nay “nhìn chung, chống lũ bị vỡ trận, nước tràn vô ầm ầm, không chống gì được”.

Giải pháp tình thế và lâu dài

Ông Ngô Thành Thía cho biết thêm, thường thì thời gian đô thị bị ngập tập trung vào các tháng 8, 9, 10 hàng năm và chỉ ngập vài ngày trong tháng.

Về giải pháp chống ngập trong thời gian tới, ông Ngô Thành Thía nói “hiện trong khả năng cũng chỉ có vậy”: Sử dụng van 1 chiều sao cho kín các miệng cống, vận hành các máy bơm… Theo đó, có thể nâng công suất máy bơm kết hợp địa phương vận động người dân hợp tác như đồng ý cho sử dụng bao cát để ngăn nước tràn từ đường nhỏ, hẻm… Trước mắt, “ghi nhận đỉnh lũ nào thì mình có giải pháp tình thế trước mắt thôi”.

Về lâu dài, cần đợi tới khi các dự án chống ngập của thành phố hoàn thành. Tuy nhiên, cần kinh phí lớn và không phải chỉ trong vòng một vài năm.

Thiết nghĩ, ngập úng đô thị không chỉ gây kẹt xe, hư hại đường sá, ảnh hưởng công ăn việc làm, an toàn giao thông… mà còn có nguy cơ ô nhiễm môi trường, gia tăng các loại “bệnh đô thị”.

Tại TP Vĩnh Long, nhiều nơi phải đắp “đê bao dã chiến” chống ngập trong đợt triều cường vừa qua.
Tại TP Vĩnh Long, nhiều nơi phải đắp “đê bao dã chiến” chống ngập trong đợt triều cường vừa qua.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ)- đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh phòng dịch ở khu vực đô thị vào mùa mưa lũ: “Một báo cáo của bên vệ sinh dịch tễ đã phát hiện ra những chủng bệnh mới do chuột bọ gây ra. Người ta đã cảnh báo những bệnh này có trong những vùng đô thị”.

Theo đó, khi ngập lũ ở đô thị, cống rãnh bị ngập- chuột bọ mất chỗ ở nên chạy vào nhà dân, mang theo phân, nước tiểu bẩn và những mầm bệnh dưới cống như ghẻ, lở loét… có thể lây sang người- nhất là trẻ em đô thị.

Tuy nhiên, TS. Lê Anh Tuấn cũng lưu ý trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì “hiện tượng ngập” này sẽ lặp lại trong những năm tới. Đừng thấy một vài hiện tượng như vậy mà hoảng hốt.

Bởi một ngày có 2 lần triều cường, mà chỉ xảy ra vào tháng 10 của năm. Do đó, cần cân nhắc- cần thiết hay không làm công trình đê bao to vây quanh đô thị? Không chỉ xây dựng khá phức tạp, tốn kinh phí lớn mà hiệu quả cũng không cao. Nên chọn giải pháp mềm- thuận tự nhiên trước.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, ngoài chuyện bất thường của thiên nhiên như mưa nhiều, lũ cao thì hoạt động của con người khiến ngập úng gia tăng.

Trong khi đô thị hóa ngày càng cao, hệ thống thoát nước xuống cấp thì dân số ngày càng tăng. Bên cạnh, những vùng trũng hay kinh rạch dùng để thoát nước lũ, nước mưa bị lấp lại để xây cất các công trình, nhà cửa. “Đô thị như cái dĩa, nước tràn lên gặp bê tông hóa không có chỗ thấm nên dâng cao hơn”.

Theo đó, ngành chức năng cần cảnh báo nguy cơ nước dâng cao để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại: kê đồ đạc lên cao, những chỗ xung yếu thì đắp bờ bao, di tản người cao tuổi, trẻ con đến nơi an toàn… Về lâu dài, cần khôi phục lại, tăng diện tích trữ lũ ở vùng trên, hoãn những dự án đê bao mới, vùng sản xuất trong đê bao không hiệu quả thì dần dần mở đê.

Ông Ngô Thành Thía

Công ty hiện có 4 máy bơm được bố trí khu vực nội ô và 1 máy dự phòng, công suất mỗi máy từ 250- 350 m3/giờ. Tuy nhiên, chỉ khi triều cường thấp, có nước mưa mà không thoát được thì bơm hiệu quả. Triều cường cao thì bơm không xuể, nước sẽ tràn qua hẻm và nhà dân gây ngập nội ô. Do đó, người dân cần phối hợp với công ty trong công tác chống ngập, đồng thời, cần có phương án chủ động chống ngập, lưu thông an toàn. Lực lượng chức năng thì cần tăng cường công tác dự báo, điều tiết giao thông ở những điểm ngập sâu hoặc có nguy cơ bị ngập.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh