Đô thị khổ vì ngập nước

05:10, 02/10/2019

Ngập nhà, ngập phố, ngập chợ, ngập đường… là tình hình mấy ngày nay tại các đô thị. Giao thông ách tắc, sinh hoạt bị đảo lộn, đi lại khó khăn, nhiều thị dân "than khổ" vì nước ngập. Trong khi đó, một số đô thị lại rất khô ráo, nhờ có hệ thống bờ kè, nâng cấp kịp thời.

Ngập nhà, ngập phố, ngập chợ, ngập đường… là tình hình mấy ngày nay tại các đô thị. Giao thông ách tắc, sinh hoạt bị đảo lộn, đi lại khó khăn, nhiều thị dân “than khổ” vì nước ngập. Trong khi đó, một số đô thị lại rất khô ráo, nhờ có hệ thống bờ kè, nâng cấp kịp thời.

Đô thị trung tâm “thất thủ”

Tại TP Vĩnh Long, con nước triều cường mấy ngày qua lên nhanh khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân.

Theo một số người dân, đến hẹn lại lên, cứ hễ vào tháng 8- 9 âl là nước ngập. Năm nay nước tuy lên trễ hơn mọi khi nhưng ngập sâu và nhiều hơn. Tuyến đường Mậu Thân (Phường 3), một đoạn đường Phạm Thái Bường (Phường 4), đường Hoàng Thái Hiếu (Phường 1),… nước ngập hơn nửa bánh xe, khiến các phương tiện qua lại và người dân hai bên đường khốn khổ. Xe chết máy, người dắt, người đẩy, học sinh phải xắn quần áo lội nước đến trường,…

Anh Nguyễn Minh Hiếu (ở đường Mậu Thân) ngao ngán: “Năm nay nước lên trễ chưa kịp mừng thì ngập tới. Do sát sông lại không có hệ thống thoát nước nên đường ngập nhiều. Rồi thêm nước thải, rác thải tràn theo nước làm đường vừa dơ vừa ô nhiễm. Tôi tranh thủ đi làm sớm hơn thường ngày 30 phút mà vẫn phải lội lủm bủm”.

Nhiều tuyến đường nội ô ngập sâu.
Nhiều tuyến đường nội ô ngập sâu.

Tương tự, vừa đẩy xe do chết máy vì bị ngập, chị Lê Thúy Nhi (Phường 3) chia sẻ: “Nhà tôi cách chỗ làm chỉ chừng 2km, bình thường chỉ chạy 5- 10 phút là đến nơi. Bữa nay tôi đi từ lúc 6 giờ sáng mà đến hơn 7h30 mới đến nơi. Thiệt khổ”.

Tại chợ Vĩnh Long, nước lên nhanh, nhiều tiểu thương trở tay không kịp, chỉ có thể bó gối chờ nước rút mới bán tiếp. Chị Nguyễn Thị Yến Xuân- Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long- cho hay: Nước ngập do triều cường ảnh hưởng rất lớn đến mua bán của tiểu thương.

Theo đó, có hơn 100 hộ tiểu thương ở khu vực chợ cá bị ảnh hưởng do nước ngập, gần 30 hộ kinh doanh hoa tươi, trái cây, ăn uống trên tuyến đường Hưng Đạo Vương cũng bị ảnh hưởng. Đáng nói là một số tuyến đường năm trước không bị ngập hoặc ngập ít thì năm nay lại ngập nhiều, ngập sâu.

Tại chợ Cua (Phường 4- TP Vĩnh Long) việc mua bán của tiểu thương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoảng 200 hộ tiểu thương tại đây cũng chỉ biết chờ nước lên rồi chờ nước rút.

Nhiều tiểu thương cho hay, ngập không chỉ là do chợ sát mé sông mà còn do chợ đã xuống cấp nhiều, nhiều chỗ bị sụt lún. Sau khi nước rút, chợ nhếch nhác vì rác nên tiểu thương phải dọn sạch sẽ mới bán tiếp.

Còn tại thị trấn Long Hồ, nhiều quán xá phải đóng cửa vì nước ngập. Nhiều người dân cho hay, dù có chuẩn bị từ tháng trước, như làm đê bao quanh nhà, xây bậc thềm ngăn nước, song nước vẫn tràn vào nhà. Năm nay nước lên quá nhanh, quá “hỗn” là nhận xét của nhiều người về con nước này.

Vừa tát nước ra, chú Nguyễn Văn Bảy (chợ thị trấn Long Hồ) thở dài: “Biết là nước lên nên gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn bao cát, nhét lỗ mội, rồi kê đồ đạc lên hết mà cũng không thoát khỏi cảnh ngập. Mỗi năm nước lên lại nâng nền nhà một chút mà vẫn không theo kịp con nước”.

Để hỗ trợ người dân, học sinh, lực lượng chức năng, những người hảo tâm cũng đã có nhiều biện pháp giúp người đi đường thoát con nước triều cường.

Theo đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đã đưa xe máy và người lên xe tải để di chuyển qua đoạn đường bị ngập sâu. Nhờ đó, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đô thị nhỏ: bớt lo vì có bờ kè

Nước ngập ảnh hưởng lớn đến giao thông, sinh hoạt của người dân.
Nước ngập ảnh hưởng lớn đến giao thông, sinh hoạt của người dân.

Trong khi ở TP Vĩnh Long, người dân đang than khổ vì triều cường thì tại một số đô thị huyện, người dân đã vơi nỗi lo ngập nước.

Tại thị trấn Trà Ôn, nếu như trước đây nhiều tuyến đường bị ngập thì năm nay người dân lại khỏe re, xe bon bon chạy, bởi hệ thống nâng cấp đô thị tại đây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Anh Trương Trung Ân- Chủ tịch UBND thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn)- phấn khởi nói: Năm nay, thời điểm triều cường dâng này, nội ô thị trấn “ngon lành”, vì đã nâng cấp 9 tuyến đường.

Nhiều tuyến đường năm trước ngập sâu nhưng năm nay không còn ngập như đường Thống Chế Điều Bát, Gia Long, Đốc Phủ Yên,…

Tuy nhiên, như mọi năm, khu vực chợ thị trấn tiếp tục bị ngập, ảnh hưởng đến một số tiểu thương. Nguyên nhân là do chợ đã xây dựng trên 20 năm, xuống cấp nhiều.

Trong khi đó, huyện đã có chủ trương dời chợ, mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại nên hiện không tu sửa, nâng cấp chợ. Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong thời gian sớm nhất, để tiểu thương có nơi buôn bán ổn định.

Là đô thị nhiều năm không lo ngập, tại thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), anh Cao Thế Lữ- Chủ tịch UBND thị trấn- cho biết: Thời gian qua, thị trấn được quan tâm, đầu tư nhiều tuyến đường có vỉa hè, hệ thống thoát nước, chợ được đầu tư khang trang, sạch sẽ, tiểu thương có chỗ bán ổn định.

Theo đó, nhiều năm nay khu vực Khóm 1 không còn lo ngập mỗi khi triều cường. Song, do con nước năm nay lên nhanh và nhiều nên khu vực Khóm 2 cũng bị ngập cục bộ một số nơi. Thị trấn đã vận động người dân đào rãnh để thoát nước nhanh hơn.

Câu chuyện “đến hẹn lại ngập” là chuyện nói hoài nói mãi nhiều năm ở đô thị. Dù máy bơm có hoạt động hết công suất, dù người dân có che tấn mé, có làm bờ bao chống nước vào nhà thì vẫn không ăn thua. Câu hỏi đặt ra là tại sao năm nào đô thị cũng ngập và mỗi năm lại ngập nhiều hơn?

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là phải có giải pháp chống ngập lâu dài. Trước mắt, người dân cần chú ý theo dõi thông tin dự báo của ngành chức năng, đồng thời, vào giờ đi làm hoặc tan tầm, nếu nước lên người dân cần tuân thủ sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, di chuyển theo sự điều tiết để đảm bảo an toàn, nhất là khi đi qua những điểm ngập sâu.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh