Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thế giới đã bỏ quy định tăng giờ làm thêm. Ở Việt Nam, nếu làm 9-10 tiếng một ngày thì gia đình sẽ không hạnh phúc.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thế giới đã bỏ quy định tăng giờ làm thêm. Ở Việt Nam, nếu làm 9-10 tiếng một ngày thì gia đình sẽ không hạnh phúc.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân. (ảnh: KT) |
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) dẫn chứng lại quá trình các nước trên thế giới đấu tranh giảm giờ làm, còn 8 giờ/ngày, thậm chí doanh nhân người Mỹ Henry Ford qua nghiên cứu nhận thấy giảm giờ làm nhưng không giảm năng suất mà còn tăng, nên chỉ làm 5 ngày/tuần. Sau đó Mỹ có Luật tuần làm 40 giờ. Theo xu hướng đó, các nước chuyển từ 48 giờ sang 40 giờ/tuần.
“Cuộc tranh luận sau này thì kết luận làm từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài, vì năng suất không tăng” – ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Theo đại biểu đoàn TPHCM, ở nước ta, từ năm 1999 chuyển sang làm việc 5 ngày/tuần, chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ. Hiện nay ở nước ta có hai nhóm người: làm cho nhà nước lao động 5 ngày/tuần;, làm cho doanh nghiệp 6 ngày/ tuần, với 48 giờ/tuần. Như vậy là không bình đẳng, trong khi các nước không tách riêng công chức và công nhân như ở nước ta.
Từ sau năm 2000, các nước trên thế giới đã giảm dần giờ làm trong tuần, như ở Hàn Quốc làm 40 giờ; Đức còn hơn 26 giờ, trong khi nền kinh tế của quốc gia này đứng thứ 4 thế giới, đứng đầu Châu Âu.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nước ta nên có lộ trình chuyển từ 48 giờ làm xuống 40 giờ làm trong 10 năm, trước mắt có thể xuống 44 giờ, đến 2030 giảm xuống 40 giờ và so với thế giới nếu làm được như vậy cũng đã chậm 80 năm.
Khẳng định "làm thêm giờ, trong ngắn hạn, người sử dụng lao động có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập", song theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sức khỏe người lao động sẽ giảm sút, năng suất lao động không tăng. Ông đặt câu hỏi: Người Việt Nam muốn gì? Ngoài mong muốn có thêm thu nhập việc làm, có nhà, thì có đến hơn 95% ý kiến mong muốn gia đình hoà thuận, con cháu ngoan, tiến bộ.
“Cứ làm một ngày 9-10 tiếng quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu!” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói và nhấn mạnh, thế giới đã bỏ quy định này từ lâu.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, nói người lao động tự nguyện làm thêm thì chỉ đúng một phần. Bởi nếu một dây sản xuất mà có tới một nửa nghỉ làm thì sẽ không hoàn thành sản phẩm. Do đó, muốn tăng năng suất lao động thì phải sử dụng công nghệ mới, giảm giờ làm.
Cùng bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk), cho biết, theo quy định hiện hành, thời giờ lao động bình thường của người lao động Việt Nam đang ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Số giờ làm việc hiện nay của người lao động nước ta là 48 giờ/tuần, cộng thêm với thời giờ làm thêm được phép tối đa theo quy định hiện hành là 300 giờ/năm, thì tổng quỹ thời gian làm việc của người lao động lên đến 2620 giờ/năm, trong khi ở Trung Quốc là 2288 giờ/năm và ở Hàn Quốc là 2246 giờ/năm.
Trong khi xu hướng giảm giờ làm đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới, trên cơ sở đầu tư phát triển phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, bảo đảm tăng năng xuất lao động nhưng cũng duy trì sức khỏe bảo đảm khả năng lao động của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động văn hóa.
Nữ đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam cần tiệm cận với xu hướng này. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, giám sát và chế tài còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tăng thời giờ làm thêm để khai thác sức lao động quá mức.
Theo đó, đại biểu nhất trí với phương án không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa so với quy định hiện hành và cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức doanh nghiệp vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động./.
Theo Kim Anh/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin