Vào mùa mưa bão, lốc xoáy, sạt lở bờ sông thường xảy ra bất ngờ, người dân không kịp trở tay và ngành chuyên môn cũng rất khó đưa ra dự báo, cảnh báo sớm để chủ động phòng tránh.
Vào mùa mưa bão, lốc xoáy, sạt lở bờ sông thường xảy ra bất ngờ, người dân không kịp trở tay và ngành chuyên môn cũng rất khó đưa ra dự báo, cảnh báo sớm để chủ động phòng tránh.
Gia cố đoạn đê bao bị sạt lở (xã Thanh Đức- Long Hồ). |
Lốc xoáy bất ngờ
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, mưa lớn, gió mạnh xảy ra vào ngày 4 và 5/9 đã gây thiệt hại 43 căn nhà, ước tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng. Riêng tại huyện Long Hồ thiệt hại 35 căn nhà tại các xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh, Đồng Phú.
Ông Nguyễn Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã An Bình (Long Hồ)- cho biết, cơn mưa kèm lốc xoáy vào trưa 4/9 đã làm sập và tốc mái 15 căn nhà tại ấp An Long và An Thới, nhiều cây ăn trái bị đổ ngã.
Trận lốc xoáy này đã cuốn phăng mái tôn nhà bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ ấp An Long, xã An Bình). Bà Ngọc không khỏi lo lắng khi sự cố xảy ra thì ở nhà chỉ có mẹ già, còn bà không có ở nhà. “Cũng nhờ có người quen kịp lúc đưa mẹ tôi vào nơi an toàn, nếu không thì rất là nguy hiểm”- bà Ngọc chưa hết bàng hoàng kể lại.
Gần đó, nhà của bà Trần Thị Út lợp tôn xi măng cũng bị tốc mái, rớt bể vương vãi đầy nền nhà. Khi lốc xoáy xảy ra, bà kịp chạy ra ngoài để tránh tôn rơi, nhưng như vậy cũng khá nguy hiểm vì ở ngoài đang mưa to gió lớn, cây cối đổ ngã, tôn bay cũng không biết chỗ nào để trú tránh an toàn.
Theo nghi nhận của chúng tôi, cặp tuyến đường cùng nhà với bà Ngọc có nhiều căn nhà và cây cối bị lốc xoáy gây thiệt hại. Mái tôn nhà của bà Ngọc bay qua đất sau nhà của người hàng xóm gần cả trăm mét, đứt lìa đọt dừa của nhà kế bên. Nhiều cây nhãn hàng chục năm tuổi đang cho trái cũng ngã sập, trơ gốc…
Ông Nguyễn Hữu Phước cho biết thêm, xã sẽ tiếp tục rà soát, vận động người dân chằng chống lại tất cả các căn nhà chưa chắc chắn nhằm phòng chống, giảm bớt thiệt hại cho bà con khi thiên tai bất ngờ xảy ra.
Chủ động phòng sạt lở
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Long Hồ thường xuyên bị ảnh hưởng sạt lở vào mùa mưa cũng như khi triều cường. Vào thời điểm này, ngoài việc triển khai thi công các công trình thủy lợi trọng điểm, huyện Long Hồ còn đang triển khai gia cố lại các điểm sạt lở trước đó.
Tuyến đê bao cặp sông Long Hồ thuộc địa bàn ấp Hưng Quới (xã Thanh Đức) bị sạt lở với chiều dài hơn 1km. Do đây là tuyên đê bao xung yếu nên UBND huyện đã xuất kinh phí để gia cố tuyến bao này. Mấy ngày qua, đơn vị thi công, cùng với người dân địa phương đã khẩn trương gia cố và dự kiến hoàn thành trước con nước rằm tháng 8 âl này.
Ông Trần Văn Hoàng (ấp Hưng Quới, xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết hàng năm, mỗi mùa nước lên là tràn mặt lộ, đường đan bị sụp nên đi lại khó, nhà cửa, cây trái, hoa màu thường xuyên bị ngập. Nay công trình được gia cố nên ông cùng nhiều hộ dân nơi đây góp sức với mong muốn công trình sớm hoàn thành.
Toàn huyện Long Hồ hiện có 13 đoạn bờ vùng có nguy cơ sạt lở cao, 11 đê bao có nguy cơ sạt lở tổng chiều dài gần 24km phục vụ khép kín cho 7.900ha đất nông nghiệp. Đây là những đoạn đê bao ven sông Tiền, sông Mương Lộ, Pô Kê, Cái Cam, Long Hồ...
Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 10 xã bị sạt lở với 13 điểm sạt lở nguy hiểm. Để giúp người dân bảo vệ sản xuất, dân sinh, thời gian qua, chính quyền và nhân dân các xã- thị trấn của huyện đã xuất quỹ phòng chống lụt bão hỗ trợ thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gia cố các tuyến đê bao.
UBND huyện cũng đã có chủ trương tạm ứng kinh phí duy tu sửa chữa các công trình thủy lợi để gia cố các tuyến đê bao xung yếu. Đến nay, 15 công trình trọng điểm của huyện đã cơ bản hoàn thành, 5 công trình bổ sung được triển khai để đảm bảo sản xuất và việc đi lại của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, hàng năm Vĩnh Long vẫn còn khoảng 200- 300km đê bao, bờ bao kém an toàn để ngăn lũ lớn, còn trên 20.000- 30.000ha bị ngập úng nếu bị triều cường, lũ lớn.
Khó khăn hiện nay là ứng phó với giông, lốc xoáy do khó dự báo và nhà cửa chưa kiên cố hóa trong dân còn nhiều. Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 150- 200 căn nhà bị hư hỏng do loại hình thiên tai này.
Làm việc tại Vĩnh Long gần đây, ông Nguyễn Thành Nam- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam cho rằng: Các loại hình thiên tai Vĩnh Long chịu ảnh hưởng thường xuyên hàng năm chủ yếu là giông, lốc, sét, mưa lớn, sạt lở, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn.
So với các địa phương khác, Vĩnh Long là tỉnh ít chịu ảnh hưởng về thiên tai nhưng lại chịu thiệt hại nặng về sạt lở. Thời gian gần đây, triều cường cũng ảnh hưởng rất nặng nên tỉnh cần rà soát cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai, nhất là triều cường và sạt lở.
Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiêp- PTNT, một trong những khó khăn của tỉnh hiện nay là việc ứng phó với những loại thiên tai xảy bất ngờ không trở tay kịp khi như lốc xoáy, sạt lở bờ sông, bởi chúng rất khó đưa ra dự báo, cảnh báo sớm để chủ động phòng tránh.
Ngoài ra, do nguồn lực hạn chế nên công tác duy tu sửa chữa các công trình chỉ mang tính tạm thời, công trình xuống cấp nhanh cũng là yếu tố bất lợi cho việc nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai. Do đó trong thời gian tới, Vĩnh Long rất cần sự hỗ trợ của Trung ương trong việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay gió mạnh và mưa lớn đã thiệt hại về nông nghiệp 61,29ha; hư hỏng 130 căn nhà. Toàn tỉnh hiện có 134 điểm sạt lở, chiều dài là 4.110m, ảnh hưởng 292 hộ dân. Tổng thiệt hại do thiên tai trên 9,5 tỷ đồng, đến nay đã chi hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN- PHƯỚC GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin