Khởi sắc vùng đồng bào Khmer

05:09, 27/09/2019

Nhân mùa lễ Sel Dolta, chúng tôi đến các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh, để cảm nhận được sự đổi thay từng ngày trên những vùng quê này. Đây là kết quả từ tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long khi thực hiện di nguyện của Bác trước lúc đi xa.

Nhân mùa lễ Sel Dolta, chúng tôi đến các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh, để cảm nhận được sự đổi thay từng ngày trên những vùng quê này. Đây là kết quả từ tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long khi thực hiện di nguyện của Bác trước lúc đi xa.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và chính sách của Nhà nước, ý thức học tập của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và chính sách của Nhà nước, ý thức học tập của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao.

Phát triển kinh tế và văn hóa

Đối với đồng bào Khmer, đối tượng còn nhiều khó khăn nên Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên để tạo điều kiện cho bà con vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với việc vận dụng có hiệu quả chính sách chung, Vĩnh Long có nhiều chính sách ưu tiên, vận động nhiều nguồn lực xã hội để cùng chăm lo cho đồng bào Khmer.

Đại đức Thạch Xa Rốt- trụ trì chùa Gò Xoài (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết: “Những năm qua thì đời sống kinh tế, tinh thần của người dân phát triển rõ nét. Điển hình là đời sống kinh tế và văn hóa, học tập của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng cao, đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước”.

Sel Dolta của người Khmer Nam Bộ có 2 nghi thức chính: cúng ông bà tại nhà và đặt cơm vắt (Bos bai ben) tại chùa. Đây là hoạt động không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Khmer Nam Bộ nhằm tưởng nhớ công đức tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người có công với đất nước...

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đạt được kết quả như trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đồng bào dân tộc Khmer. 

Chị Thạch Thị Tâm (xã Loan Mỹ- Tam Bình) phấn khởi: “Bây giờ mỗi nhà đều có nước sạch và điện. Đường lộ tráng nhựa, xe chạy êm ru, nhà nào cũng có xe máy hết trơn. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, thành ra mình phát huy tinh thần, thấy người nào mần ăn làm giàu thì học theo”.

Cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội ngày nào giờ đây đã được thay bằng những con đường nhựa thẳng tắp, thuận tiện giao thông. 11/11 xã có đông đồng bào dân tộc đều có trạm y tế đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Theo ông Ngô Vĩnh Tuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, nhờ được tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp thủy lợi và triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn và sự hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, nên nhiều hộ gia đình người Khmer đã có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình.

10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Mỹ đã giảm khoảng 50% so 10 năm trước đây. Cụ thể giảm hơn 300 hộ nghèo so với tổng số hơn 600 hộ nghèo người Khmer trên địa bàn xã.

Khó khăn về nhà ở là vấn đề chung của những xã có đông đồng bào Khmer. Vì vậy, việc chăm lo nhà ở cho các hộ Khmer nghèo được xác định là một mục tiêu quan trọng mà Vĩnh Long luôn tập trung thực hiện trong nhiều năm qua.

Đến nay, đã cất được 1.745 căn nhà cho đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ. Theo ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- thì “đây là chính sách đặc thù mà trên phạm vi cả nước, chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long mới có”.

Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần

Đường giao thông ở các xã có đông đồng bào Khmer được ưu tiên thi công.
Đường giao thông ở các xã có đông đồng bào Khmer được ưu tiên thi công.

Toàn tỉnh hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó có 22.000 người dân tộc Khmer- chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh, tập trung nhiều nhất ở 59 ấp thuộc 16 xã.

Những năm qua, các hoạt động văn hóa- xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện với nhiều hình thức phù hợp đa dạng và phong phú. Đời sống tinh thần của đồng bào được cải thiện rất rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao.

Ở các xã có đông đồng bào Khmer, ngành giáo dục đã đầu tư xây dựng mới 40 trường học từ mầm non đến THPT.

Tổng số học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt tỷ lệ 98%. Ngoài việc học Tiếng Việt cùng học sinh người Kinh, những học sinh tiểu học người Khmer trong tỉnh còn được học chữ Khmer theo chương trình quy định của Bộ GD- ĐT.

Trong ngôi trường mới đạt chuẩn quốc gia khang trang, hiện đại, cô Thạch Khel- giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia- người có 33 năm gắn bó với ngôi trường này- cho biết: “Mới 5-7 năm trước, tôi đến tận nhà học sinh, mỗi năm học phải dăm ba bận vận động các em đi học, nay thì các em rất tự giác, gia đình cũng ưu tiên cho con đi học”.

Hoạt động y tế vùng dân tộc khmer trên địa bàn tỉnh các năm qua không ngừng được tăng cường, 100% cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số đều có y- bác sĩ khám, chữa bệnh. Đặc biệt, các hộ nghèo đều được cấp miễn phí BHYT (theo Quyết định số 1053/QĐ-UBND, ngày 18/5/2017 của UBND tỉnh).

Để không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào Khmer, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Ôn Lê Thanh Vũ cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”.

Cách làm của Trà Ôn là chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ vốn vay và kỹ thuật để đồng bào phát triển nông nghiệp; khuyến khích con em đồng bào Khmer học nghề, xuất khẩu lao động…

Mục tiêu kéo giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào Khmer, đưa kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào Khmer Vĩnh Long đang khởi sắc từng ngày. Đây cũng là hành động thiết thực thực hiện theo Di chúc Bác: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân”.

Bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ cho người Khmer thì tỉnh Vĩnh Long cũng đang thực hiện một số chính sách đặc thù cho đồng bào Khmer. Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc Khmer, mỗi căn 40 triệu đồng, qua đó đã cơ bản xóa nhà tạm, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai thực hiện đề án hỗ trợ 300 con bò sinh sản, trị giá hơn 6 tỷ đồng từ quỹ “Vì người nghèo” cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh