GS.VS, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1913- 9/8/1997) là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của GS.VS Trần Đại Nghĩa sẽ bài học vô giá cho thế hệ mai sau về tính cần cù, đam mê sáng tạo và luôn một lòng yêu tha thiết quê hương, phụng sự Tổ quốc.
Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa thu hút nhiều người đến tham quan, bày tỏ sự kính trọng. Ảnh: VINH HIỂN |
GS.VS, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1913- 9/8/1997) là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của GS.VS Trần Đại Nghĩa sẽ bài học vô giá cho thế hệ mai sau về tính cần cù, đam mê sáng tạo và luôn một lòng yêu tha thiết quê hương, phụng sự Tổ quốc.
Sự nghiệp cách mạng vẻ vang
Ngày 10/9/2019, tại Trung đoàn Bộ binh 890 (xã Tân Thành- Bình Tân), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD- ĐT, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tổ chức hoạt động về nguồn kỷ niệm 106 năm ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa.
Khoảng 400 đại biểu và các em học sinh, sinh viên đã được nghe kể những câu chuyện chân thật về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của GS.VS Trần Đại Nghĩa từ hồi còn là cậu bé Phạm Quang Lễ ở làng Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình- Vĩnh Long) đến khi sang Pháp du học và theo Bác Hồ trở về nước tham gia cách mạng vào năm 1946.
Tháng 12/1946, Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo vũ khí để bộ đội ta đánh giặc.
Bác cũng đặt cho ông cái tên Trần Đại Nghĩa, Bác nói: “Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay, Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ cho gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”.
Từ đây, Trần Đại Nghĩa chính thức bắt đầu sự nghiệp cách mạng với những đóng góp to lớn sau này, đặc biệt là chế tạo thành công súng và đạn Bazoka, súng đại bác không giật (SKZ) là những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới. Những loại vũ khí này đã tham gia hầu hết các trận đánh, duy trì cục diện chiến tranh nhân dân, tạo nên những kỳ tích vang dội trên chiến trường.
Cuối tháng 2/1947, cuộc thử nghiệm loại Bazoka thành công, điều kỳ diệu đã đến với mọi người, mức xuyên của đạn đạt 75cm trên tường gạch. Tất cả anh em trong Cục Quân giới đều được huy động đến để nhồi thuốc, lắp đạn. Cật lực suốt đêm, đến 3 giờ sáng thì tổ nghiên cứu của Trần Đại Nghĩa cùng anh em trong cơ quan Cục Quân giới nhồi lắp được 5 quả đạn xuyên, kèm 1 quả đạn khói đưa ra mặt trận.
Sáng 3/3/1947, máy bay giặc Pháp yểm trợ cho xe tăng, cơ giới của địch đánh từ Hà Nội ra. Tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 chiếc xe tăng mở đường, bên ta chỉ có đúng 5 viên đạn Bazoka. Viên đầu tiên bắn ra, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy ngùn ngụt, chiếc thứ 2 cũng bị đạn bắn hỏng.
Cả đoàn xe địch dừng lại rồi rút chạy. Sự xuất hiện Bazoka đã khiến địch bất ngờ, hoang mang. Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son sáng chói của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với tài năng của GS.VS Trần Đại Nghĩa, ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm, sau này phát triển thành thủ pháo dù cho đặc công đánh sâu trong lòng địch, đặc biệt là cải tiến ĐKB-H12 theo công nghệ của ta từ viện trợ của Liên Xô trước đây.
Bài học lớn về nhân cách
Tham gia chuyến về nguồn, đại biểu và học sinh, sinh viên được xem triển lãm ảnh về thân thế, sự nghiệp của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Đặc biệt là buổi giao lưu giữa học sinh, sinh viên với 2 người con của GS.VS Trần Đại Nghĩa là Đại tá Trần Dũng Trí- nguyên cán bộ Cục Kỹ thuật không quân (Bộ Quốc phòng) và TS. Trần Dũng Trình- nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Các em được nghe chia sẻ về đời sống sinh hoạt, phong cách làm việc cũng như sở thích cá nhân của nhà khoa học quân sự tài ba của Việt Nam- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.
Các em học sinh, sinh viên quan tâm đặt câu hỏi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp GS.VS Trần Đại Nghĩa. |
Em Lê Thị Kiều Chinh- học sinh Trường THPT Tân Lược (Bình Tân) nói “rất xúc động và khâm phục trước nghị lực, ý chí cũng như tấm lòng của GS.VS Trần Đại Nghĩa luôn hướng về quê hương đất nước”. “Đó là bài học lớn để chúng em cố gắng vượt qua khó khăn, xây dựng cho mình một kế hoạch học tập đúng đắn để có được tương lai tốt đẹp hơn và có cơ hội đóng góp cho đất nước”- Kiều Chinh chia sẻ.
Chăm chú lắng nghe những câu chuyện sinh hoạt đời thường, việc dạy dỗ con cháu phải “sống có hoài bão, thật thà, tiết kiệm”, em Mai Thành Đạt- học sinh Trường THPT Tân Quới (Bình Tân)- xúc động: “Khi được nghe những chia sẻ này, em cảm thấy lòng tự hào về vị anh hùng GS.VS Trần Đại Nghĩa dâng trào.
Qua những câu chuyện, bài học có được hôm nay, em sẽ luôn cố gắng trong học tập. Bên cạnh đó, sẽ năng động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông là một tấm gương to lớn để học sinh chúng em noi theo”.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Kim Hoa- Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) thì ông mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng của thế hệ trẻ hôm nay. “Là Bí thư Đoàn trường, tôi sẽ tuyên truyền đến các em học sinh trong nhà trường về tấm gương GS.VS Trần Đại Nghĩa.
Từ đó, góp phần giúp học sinh định hướng học tập cũng như phát huy vai trò của tuổi trẻ, xứng đáng với công lao của thế hệ đi trước, cũng như của GS.VS Trần Đại Nghĩa- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long”- chị Kim Hoa thể hiện quyết tâm.
Đại tá Trần Dũng Trí-con trai trưởng của GS.VS Trần Đại Nghĩa Bài học lớn mà ba tôi để lại cho chúng tôi là sống phải có hoài bão. Ông cũng luôn nhắc nhở chúng tôi phải sống thật thà, tự lập và tiết kiệm. Đó là những điều chúng tôi không bao giờ quên và xem đó như bài học quý giá để áp bản thân noi theo cũng như dạy dỗ con cháu. Đại tá Nguyễn Việt Trung- Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đối với lực lượng vũ trang của tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trong quá trình giáo dục chính trị, huấn luyện lồng ghép các chương trình, nói chuyện về sự nghiệp, thân thế của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên thực hiện tốt cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Hàng tuần, các đơn vị phải có chế độ bảo dưỡng vũ khí, trang thiết bị, phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu. Trung úy sĩ quan dự bị Bùi Thanh Trọng- Đại đội trưởng Đại đội 14,5mm-Tiểu đoàn Phòng không (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) Bản thân vinh dự được nghe về cuộc đời, sự nghiệp của GS.VS Trần Đại Nghĩa, là một cán bộ sĩ quan dự bị tham gia tập huấn tại đơn vị trung đoàn bộ binh 890, tôi sẽ không ngừng cố gắng phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực học tập theo GS.VS Trần Đại Nghĩa để ra sức đóng góp cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin