Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH)", Vĩnh Long huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở địa phương.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH)”, Vĩnh Long huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở địa phương.
Đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con dân tộc thiểu số mở ra cơ hội làm ăn, chăn nuôi hiệu quả. |
Trao cơ hội thoát nghèo
Tín dụng CSXH là tín dụng đầu tư cho phát triển và là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác an sinh, chăm lo cho các tầng lớp yếu thế trong xã hội.
Đây là một chương trình hỗ trợ vốn đặc biệt quan trọng và đã được triển khai thành công với hiệu quả rất tốt.
Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, hoạt động CSXH tỉnh Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả.
Thông qua vốn tín dụng chính sách, có 165.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay gần 1.980 tỷ đồng. Qua đó có hơn 21.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên khá, giàu.
Gia đình chị Châu Ngọc Bình (Phường 4- TP Vĩnh Long) thuộc diện hộ nghèo nên chị mạnh dạn nhờ Hội LHPN Phường 4 bảo lãnh vay 10 triệu đồng để chăn nuôi.
Từ số tiền tích lũy được, chị mua máy may về may gia công. Sau đó, chị tiếp tục được hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng để mua thêm máy may, máy vắt sổ.
Đến nay, chị đã mở rộng cơ sở may gia công quần áo tại nhà với thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định từ nghề may đã giúp chị xây được căn nhà khang trang, cho các con đến trường và vươn lên thoát nghèo.
Theo chị Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Thời gian qua, Hội LHPN phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện 15 chương trình tín dụng, là hội đoàn thể có tổng dư nợ ủy thác cao nhất trong các hội đoàn thể (chiếm tỷ trọng 43%).
Từ thực tế, xuất hiện nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, các chị đã cần cù lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ngay lúc “hụt hơi”, gia đình chị Lê Thị Kim Cúc ở ấp Mỹ Hòa (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH và hiện thoát nghèo.
Chị Cúc xởi lởi: “Nhà có 4 công ruộng, 6 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 lao động, nên cuộc sống rất khó khăn. 2 năm trước, được ấp giới thiệu, tôi vay 20 triệu đồng và phụ thêm tiền nhà để làm ăn”.
Chỉ tay ra phía “mô hình vườn- ao- chuồng- ruộng” của mình, chị Kim Cúc nói: “Vốn vay được, ban đầu tui mua con bò cái rồi lên vuông nuôi vịt, trồng cây và thuê đất làm rẫy.
Từ nguồn vốn vay cộng với vốn nhà, bên cạnh nuôi bò, tui chuyển dần 4 công đất ruộng sang trồng rẫy, làm vườn, nuôi vịt”. Nhờ chí thú làm ăn, đầu tư phát triển sản xuất, nên mô hình kinh tế tổng hợp này giúp chị vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thông qua Hội LHPN xã Trường An (TP Vĩnh Long), chị Nguyễn Thị Thu Hiền tiếp cận vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. “Với số tiền này, tôi mua thêm 20 máy may. Sản lượng may mặc hiện đạt từ 4.500-5.000 sản phẩm/tháng.
Ngoài cuộc sống gia đình ổn định, cơ sở còn giải quyết việc làm cho hơn 15 lao động với thu nhập hàng tháng từ 4- 4,5 triệu đồng”- chị Hiền cho biết.
Bên bàn máy may, chị Nguyễn Thị Thiêu (xã Tân Hạnh-Long Hồ) cười tươi: “Tôi đi may ở đây gần nhà, đỡ tiền xăng, tiện đưa rước con đi học và kiếm hơn 4 triệu đồng/tháng, lo chi phí gia đình được”.
Tín dụng chính sách xã hội giúp tạo sự ổn định nông thôn
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi và chí thú làm ăn, gia đình Thạch Va Ta Na (xã Loan Mỹ-Tam Bình) vươn lên thoát nghèo. |
Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Qua đó, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Các chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc- hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn trong sản xuất, góp phần ổn định kinh tế, chính trị xã hội ở địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Được hỗ trợ cho vay 42 triệu đồng để nuôi bò vào năm 2017, gia đình ông Thạch Tùng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) được đánh giá là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Theo ông Thạch Tùng, sau 1-2 năm chăn nuôi, mỗi con bò bán được 50 triệu đồng.
Tín dụng ưu đãi đã đi vào cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi tư duy, phương thức làm ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả. “Hàng tháng ngoài đóng lãi, có dư thì tui gửi tiết kiệm”- ông cho biết.
Trước đây, gia đình ông Thạch Sơn (xã Loan Mỹ- Tam Bình) rất khó khăn về kinh tế, nhờ vay 90 triệu đồng thông qua Hội LHPN xã mà cháu gái của ông đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Với lãi suất ưu đãi, gia đình cũng nhẹ gánh lo và cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cộng thêm chí thú làm ăn, gia đình Thạch Va Ta Na (xã Loan Mỹ-Tam Bình) vươn lên thoát nghèo.
Anh Ta Na phấn khởi: “Tui được giới thiệu vay 20 triệu đồng để mua bò nuôi. Bò đẻ bán được 3 lứa rồi. Ngoài ra, tui trồng cỏ và mần thêm 1,5 công ruộng nữa, gia đình có của ăn của để và hết nghèo rồi”.
Một nội dung rất quan trọng của Chỉ thị 40 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH”, là chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH.
Trong 5 năm qua, UBND tỉnh và các huyện- thị- thành đã chuyển sang Ngân hàng CSXH số tiền hơn 83 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương.
Bí thư Huyện ủy Tam Bình- Lê Tiến Dũng cho biết: “Thời gian qua, các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Chú ý nắm chắc đối tượng có nhu cầu, trên cơ sở đó có hỗ trợ vốn kịp thời và có chỉ đạo hướng dẫn cho các hộ đó sử dụng đồng vốn đúng mục đích và hiệu quả”.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh- cho biết: Ngân hàng CSXH sẽ làm tốt hơn công tác tham mưu, triển khai, tuyên truyền các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn; tiếp tục tham mưu chỉ đạo xây dựng các kế hoạch tín dụng phù hợp nhu cầu thực tế để tổ chức triển khai thực hiện tốt và nâng chất lượng vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh.
Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm và trong từng giai đoạn. Điển hình: giai đoạn 2011-2015 từ 10,23% xuống còn 2,43%, giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều từ 6,26% xuống 2,63%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm là 1,21% vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo đề ra hàng năm (1%/năm). Nguồn lực từ tín dụng CSXH cùng với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định; nhiều hộ gia đình có nước sạch, nhà vệ sinh,... |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin