Mang Thít: Tăng cường giải pháp chống sạt lở bờ sông

05:08, 28/08/2019

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở bờ sông diễn ra tương đối phức tạp, một số đoạn sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Qua đó, huyện Mang Thít đã tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này…

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở bờ sông diễn ra tương đối phức tạp, một số đoạn sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Qua đó, huyện Mang Thít đã tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này…

Mô hình giải tỏa cây ven sông rạch trên địa bàn ấp An Hưng (xã Mỹ An) bước đầu phát huy hiệu quả.
Mô hình giải tỏa cây ven sông rạch trên địa bàn ấp An Hưng (xã Mỹ An) bước đầu phát huy hiệu quả.

Nỗi lo sạt lở

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dòng chảy, chân triều xuống thấp kết hợp những cơn mưa đầu mùa và nền địa chất yếu, đã làm sạt lở đê bao với tổng số 4 danh mục (đang lập hồ sơ, thủ tục thực hiện) tại các xã trên địa bàn.

Qua đó, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai tỉnh hỗ trợ.

Theo đó, các điểm sạt lở được gia cố ở các địa phương gồm: ấp Chợ (Mỹ An), ấp Giồng Dài (Chánh Hội), ấp Phú Hòa, Định Thới A (An Phước) với tổng chiều dài 210m và tổng kinh phí trên 490
triệu đồng.

Trong khi đó, mới đây, đoạn sạt lở mới trên sông Măng Thít thuộc công trình đang xây dựng, cũng được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT thì đoạn sạt lở bờ sông Măng rất dữ dội, có đoạn dài hơn 100m, tổng chiều dài sạt lở hơn 200m.

“Phòng đã kiến nghị với Sở Nông nghiệp- PTNT, với chủ đầu tư xây dựng công trình để khắc phục sự cố. Hiện cũng đã khắc phục được tương đối để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân”- ông Trương Tấn Được cho biết.

Trong khi đó, tại xã Mỹ An cũng vừa có 1 điểm sạt lở mới ở ấp An Hưng. Theo ông Huỳnh Ngọc Thắng- Chủ tịch UBND xã Mỹ An, nỗi lo sạt lở tại các con sông trên địa bàn là rất lớn, có một số đoạn sạt lở cần phải có kinh phí lớn để khắc phục: “Địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để cố gắng hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, hạn chế ảnh hưởng đến các công trình đường sá và đời sống người dân”.

Trong khi đó, về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ông Trương Tấn Được cho biết, đã tham mưu cho UBND huyện để có sự chỉ đạo kịp thời, riêng các xã đều có sự nhắc nhở phương châm “4 tại chỗ”, lưu ý một số khó khăn và thực hiện các giải pháp thường xuyên.

“Dự kiến đầu tháng 9, các mặt công tác về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sẽ được thông tin qua tin nhắn tới các trưởng ấp để kịp thời thông tin, ứng phó khi có sự cố xảy ra...”- ông Trương Tấn Được chia sẻ.

Mô hình hay hạn chế sạt lở

Theo lãnh đạo UBND huyện Mang Thít, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt, nhất là hạn chế tình trạng sạt lở. Đồng thời đưa ra các giải pháp, mô hình hay để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông.

Ông Trương Tấn Được cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ An có mô hình giải tỏa cây nằm ven sông rạch, chống sạt lở. Hiện mô hình này cũng đã có một số hiệu quả bước đầu.

Theo ông Được, cây xanh, nhất là cây lớn nằm ven sông rạch gây nguy cơ sạt lở lớn, nhất là trong mùa mưa bão, thậm chí gây gãy, đổ, ảnh hưởng đến các công trình đường sá, nhà cửa. Do đó, hạn chế cây xanh nằm ven sông rạch cũng đã và đang góp phần hạn chế sạt lở.

Mô hình giải tỏa cây ven sông rạch trên địa bàn ấp An Hưng (xã Mỹ An) bước đầu phát huy hiệu quả.
Mô hình giải tỏa cây ven sông rạch trên địa bàn ấp An Hưng (xã Mỹ An) bước đầu phát huy hiệu quả.

Hiện xã Mỹ An đã thực hiện mô hình này khoảng 4.000m, được người dân ủng hộ. Bà Trần Thị Lan (ấp An Hưng) cho biết, từ lúc giải tỏa cây thì con đường trở nên sáng, mùa mưa đường mau khô. “Cán bộ xã cũng đến vận động để thực hiện giải tỏa, do thấy hiệu quả nên gia đình cũng đồng tình”- bà Lan cho biết.

Ông Lê Văn Thập (ấp An Hưng) cũng đồng tình cùng chính quyền địa phương, thực hiện đốn hạ 10 cây dừa đang cho trái nằm ven sông.

“Thấy nguy cơ sạt lở trước mắt cũng như tình trạng ngã đổ khi có giông gió lớn nên gia đình rất đồng tình. Hiện nay, tôi chuẩn bị nuôi thêm lục bình, trồng thêm cây bần để gia cố đoạn bờ sông trước cửa nhà”- ông chia sẻ.

Là hộ có số lượng dừa bị đốn hạ nhiều nhất là 27 cây đang cho trái, nhưng ông Hồ Văn Thẹo (ấp An Hưng) cho biết, rất đồng tình ủng hộ địa phương thực hiện mô hình này.

Theo ông, việc đốn hạ cây, nhất là các cây lớn giúp hạn chế tình trạng sạt lở, ngã đổ gây ảnh hưởng đến bờ đê, bờ bao, công trình giao thông. Kinh phí để khắc phục sự cố là rất lớn, do đó đây có thể là giải pháp phòng chống hay, và mô hình này của địa phương rất được người dân ủng hộ… 

Chủ tịch UBND xã Mỹ An Huỳnh Ngọc Thắng cho biết, mô hình này được sự chỉ đạo từ lãnh đạo huyện, có công tác vận động tốt và được nghiên cứu kỹ trong triển khai thực hiện để tạo sự công bằng, để người dân thấy được lợi ích.

“Mô hình bước đầu đã có hiệu quả, đường sá thông thoáng, hạn chế sạt lở, cây cối ngã đổ… Sắp tới, địa phương cũng sẽ tổ chức đối thoại với người dân để triển khai ở các ấp khác trên địa bàn”- ông Huỳnh Ngọc Thắng cho biết.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mang Thít, hiện tình hình sạt lở trên các tuyến đê bao ven sông xảy ra nhiều, theo hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Qua đó, thời gian tới cần tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức cảnh giác cao với nguy cơ sạt lở bờ sông. Các công trình, nhà ở ven sông, nơi có nguy cơ sạt lở cần khảo sát, thống kê để có phương án gia cố, nếu nguy hiểm phải di dời đến nơi an toàn…

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh