Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn- Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chủ trì họp báo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Chiều 9/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo quý II năm 2019. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), chủ trì buổi họp báo. Tham dự họp báo có Trung tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường; Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu); Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị).
Tại họp báo, đại diện các đơn vị đã thông tin về một số nội dung chính: kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sáu tháng đầu năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ qua các thời kỳ chiến tranh và thực hiện chính sách hậu phương quân đội; quân đội tham gia ứng phó sự cố thiên tai trong mùa mưa bão năm 2019; công tác tuyển sinh quân sự năm học 2019 - 2020.
Việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có chuyển biến mạnh mẽ
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, trong sáu tháng đầu năm 2019 Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai toàn diện các nhiệm vụ; trong đó, tập trung đột phá thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác.
Trong đó, nổi bật là thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; hoàn thiện đường lối, pháp luật về quân sự, quốc phòng; xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Đồng thời, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2019, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm, trong đó có việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đánh giá chính xác, dự báo đúng tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý thắng lợi các tình huống; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, chủ động phối hợp với các lực lượng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; tích cực đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội; bảo đảm tốt vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ…
Tuyển 5.440 chỉ tiêu đào tạo đại học quân sự năm học 2019 - 2020
Về công tác tuyển sinh quân sự năm học 2019 - 2020, Trung tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường, cho biết: Đối tượng tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh); quân nhân chuyên nghiệp; công nhân viên quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh); nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ); nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân.
Độ tuổi tính đến năm dự tuyển đại học, cao đẳng quân sự đối với thanh niên ngoài quân đội từ 17 - 21 tuổi; quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 - 23 tuổi.
Các học viện, trường trong quân đội chỉ xét tuyển vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển; thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội; xác định điểm chuẩn riêng theo đối tượng nam - nữ, theo thí sinh có hộ khẩu thường trú ở từng khu vực hoặc theo từng Quân khu; thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm tuyển theo hộ khẩu thường trú.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2019 - 2020 đối với các trường đại học, cao đẳng quân sự là 1.501 chỉ tiêu đối với hệ đào tạo sau đại học (trong đó có 274 chỉ tiêu dân sự); 5.440 chỉ tiêu đào tạo đại học quân sự; 80 chỉ tiêu đào tạo cao đẳng quân sự…
Mở rộng hợp tác quốc tế để tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh
Trong thời gian qua công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ qua các thời kỳ chiến tranh và thực hiện chính sách hậu phương quân đội đã được Bộ Quốc phòng quan tâm, triển khai đồng bộ, toàn diện; tổ chức tìm kiếm, quy tập được hơn 900.000 hài cốt liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Đây là thông tin được Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, đưa ra tại họp báo.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Đề án rà phá, tháo gỡ bom, mìn, khắc phục vật cản nổ để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Hà Giang, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Từ năm 2012 đến nay, thông qua việc triển khai Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 15.367 hài cốt liệt sĩ (ở địa bàn trong nước: 7.215; ở Lào: 2.445; ở Campuchia: 5.707)
Việt Nam cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan (Mỹ, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Thái Lan...) nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh để thu thập thông tin về địa điểm chôn cất liệt sĩ, nhất là các khu mộ tập thể.
Trong thời gian tới bên cạnh việc hoàn thành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, mỗi năm phấn đấu tìm kiếm, quy tập được thêm khoảng 1.500 - 2.000 hài cốt liệt sĩ, Cục Chính sách sẽ đề xuất với lãnh đạo Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ một số trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho một số trung tâm nuôi, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng; tiếp tục xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách… nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách hậu phương quân đội.
Chủ động trong phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn
Trong năm 2018 thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước, với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc, sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất…
Thiên tai, sự cố đã làm 218 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái; thiệt hại hàng vạn héc ta lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản; hàng trăm công trình hạ tầng bị hư hỏng nặng; thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, toàn quân đã huy động hơn 299.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; trên 13.100 lượt phương tiện, xử lý kịp thời, hiệu quả hơn 1.288 sự cố, thiên tai, cứu được 1.560 người và 88 phương tiện, trong đó có 167 người và 10 phương tiện nước ngoài; kêu gọi, hướng dẫn trên 804.050 lượt tàu thuyền cùng gần ba triệu ngư dân về nơi tránh, trú bão an toàn…
Các đơn vị quân đội cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực sơ tán người trong vùng bão lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn; cấp phát thuốc, máy bơm, máy phát điện, nhà bạt, quần áo,... cho nhân dân vùng thiên tai; sửa chữa 96 km đường giao thông; gia cố 17 km đê; giúp đỡ nước bạn Lào khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện Xepian-xenamvoy (tỉnh Attapeu)...
Trong năm 2019 và những năm tới, theo dự báo, tình hình thiên tai, sự cố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết: Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung - tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động trong phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về thiên tai, sự cố; chuẩn bị toàn diện, chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân, hành động dũng cảm trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, qua đó tạo động lực, sức mạnh, tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và sự tin cậy, yêu mến của nhân dân.
Theo Hiền Hạnh (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin