Vươn lên từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

02:07, 31/07/2019

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã giúp cho nhiều cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh có điều kiện vươn lên cải thiện đời sống. Nổi bật là có đến 56/109 xã- phường không còn hộ CCB nghèo, chiếm gần 52,4%.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã giúp cho nhiều cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh có điều kiện vươn lên cải thiện đời sống. Nổi bật là có đến 56/109 xã- phường không còn hộ CCB nghèo, chiếm gần 52,4%.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp ông Dũng (bìa phải) có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp ông Dũng (bìa phải) có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn đến ngay lúc cần

Sau 3 năm sang chiến trường K giúp nước bạn Campuchia, năm 1988 ông Nguyễn Hoàng Dũng xuất ngũ trở về quê nhà ở ấp Phước Ngươn (xã Long Phước- Long Hồ).

Lập gia đình và ra riêng với nửa công đất, đời sống của ông khá chật vật, phải cất chòi để ở và đi làm công cho các chủ máy cắt lúa để lo cho gia đình có 4 miệng ăn.

Năm 2004, khi Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Long Hồ có chương trình cho vay tín dụng ưu đãi, ông Dũng là 1 trong 10 người đầu tiên của xã Long Phước được tiếp cận với nguồn vốn này.

Thời điểm đó, ông vay 5 triệu đồng, cộng vốn số tiền tích lũy của gia đình ông mua được con bò nái giá 6,5 triệu đồng.

Ông Dũng tâm sự: Mình không có nhiều đất mà làm ruộng thì sẽ không hiệu quả, nên chăn nuôi là phù hợp nhất vì chủ yếu “lấy công làm lời”.

Trước đó, tui ham nuôi bò lắm nhưng do không có điều kiện, cũng nhờ có chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo của Ngân hàng CSXH mà tui mới có thể đầu tư chăn nuôi. “Điều đáng mừng là đồng vốn đến ngay lúc tui cần và giúp tui ăn nên làm ra”- ông nói.

Sau 5 năm hoàn trả vốn, ông Dũng duy trì vay thêm để nhân rộng đàn bò, đến nay đã cho xuất chuồng được 12 con bò và có điều kiện để xây cất nhà tươm tất. Năm 2016, ông Dũng tiếp tục vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất. Hiện, ông có trong tay 3 con bò nái, 1 con bê và mới bắt nuôi thêm 2 con dê.

Vụ này, ông Dũng còn mướn thêm 8 công đất ruộng để trồng lúa và trồng cỏ cho bò ăn. “Tiền cho thuê chỉ 20 giạ/công/năm. Mình chịu khó làm thì sẽ có dư”- ông Dũng nói và dự tính- “Sắp tới, khi hoàn trả vốn tui sẽ vay thêm để sửa chuồng bò và bắt thêm bò về nuôi”.

Được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng để phát triển trồng màu, ông Hùng (bìa trái) thu lời mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng/công.
Được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng để phát triển trồng màu, ông Hùng (bìa trái) thu lời mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng/công.

Chúng tôi đến tham quan rẫy màu xanh mướt mắt của ông Trương Văn Hùng (ấp Phước Lợi A, xã Phước Hậu- Long Hồ) nhân lúc ông đang tưới hẹ. Quệt những giọt mồ hôi trên trán, ông Hùng cười tươi:

“Trước đây, kinh tế gia đình tui chủ yếu nhờ vào 4 công ruộng và 2 công rẫy. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, tui đã mạnh dạn thuê thêm 2,5 công rẫy đầu tư trồng thêm các loại rau màu như hẹ, cần ống, rau om, tía tô… từ đó mà đời sống gia đình tui ngày càng ổn định hơn”.

Chỉ vào mấy liếp trồng cần ống, ông Hùng khoe: “Sau 2 tháng xuống giống, cứ mỗi tháng tui bán được 300.000 đ/liếp (mỗi liếp khoảng 6m2). Còn hẹ thì giá hơn 10.000 đ/kg, đầu ra cũng khá ổn định, nên bình quân mỗi tháng tui lời được khoảng 20 triệu đồng/công”- ông cười tươi- “Chỉ cần chịu khó chăm sóc thì thành quả mang về sẽ rất cao.

Sử dụng đúng mục đích, làm ăn hiệu quả

Theo ông Tạ Minh Thành- Chủ tịch Hội CCB xã Long Phước: Những năm đầu, khi có chương trình cho vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, ông Dũng là 1 trong 10 hộ đầu tiên của xã tiếp cận được nguồn vốn này. Ông cũng là người duy trì vay vốn xuyên suốt từ năm 2004 đến nay.

Hiện, toàn hội có 55/178 hội viên vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH với tổng nguồn vốn trên 2 tỷ đồng. Cũng nhờ đồng vốn này mà gia đình ông Dũng cũng như nhiều hội viên khác có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Đến nay, hầu hết nhà ở của các hội viên đều đạt “3 cứng” và không còn hộ CCB nghèo.

Để quản lý đồng vốn hiệu quả, ông Tạ Minh Thành cho biết: Trước khi cho hội viên vay vốn, hội đều tuyên truyền, vận động hội viên vay vốn đúng mục đích; đồng thời, họp tổ bình xét những hộ có nhu cầu vay và chọn người chịu làm ăn để cho vay.

Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên ngay sau khi nhận được vốn vay; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tránh để nợ quá hạn.

Ông Nguyễn Minh Hoàng- Trưởng Ban Kinh tế thuộc Hội CCB tỉnh- nhận định: “Do từng được rèn luyện trong môi trường quân đội mà hầu hết CCB đều có tinh thần vươn lên rất cao. Bên cạnh, nhờ sử dụng đồng vốn tín dụng đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả mà đời sống hội viên ngày càng cải thiện”.

Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH cùng các hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp nhau làm kinh tế mà đến nay toàn tỉnh chỉ còn 119 hộ CCB nghèo đa chiều (trong đó 59 hộ không thể thoát nghèo), chiếm tỷ lệ 0,75%, so năm 2018 giảm 41 hộ; hộ cận nghèo còn 217 hộ, giảm 63 hộ. Có gần 11.000 hộ CCB khá giàu, chiếm 69,4%, có 4/9 đơn vị cấp trên cơ sở cơ bản hết hộ hội viên CCB nghèo; 56/109 xã- phường không còn hộ CCB nghèo, chiếm gần 52,4%.

Theo ông Trần Lê Thanh Thảo- Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long), đến nay đã có trên 15 năm Ngân hàng CSXH ủy thác các chương trình tín dụng ưu đãi cho các cấp hội CCB.

Thời gian qua, hội đã quản lý nguồn vốn rất hiệu quả, điều này thể hiện qua chất lượng tín dụng và thu hồi nợ đến hạn. Việc tuyên truyền hộ vay gửi tiền tiết kiệm cũng đã dần đi vào nề nếp và ổn định.

Có thể nói, các chính sách ưu đãi của Chính phủ về tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, nhất là đối với CCB, thương binh và gia đình người có công.

Qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tình làng nghĩa xóm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau tại địa phương ngày càng gắn bó hơn. Điều đáng quý là hầu hết các CCB đều phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” cùng giúp nhau sản xuất kinh doanh để mau chóng vươn lên thoát nghèo. 

Đến nay, dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long qua 4 tổ chức chính trị xã hội (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên) đạt 1.906 tỷ đồng, chiếm 99,92% tổng dư nợ. Trong đó, toàn tỉnh có 15.620 lượt CCB được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 253 tỷ đồng. Có 424 tổ tiết kiệm và vay vốn do CCB làm tổ trưởng với trên 4.800 hộ vay.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh