Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc Bắc – Nam) đến nay đã cơ bản bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương để thực hiện kiểm đếm, đo đạc, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc Bắc – Nam) đến nay đã cơ bản bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương để thực hiện kiểm đếm, đo đạc, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần.
Tất cả 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được các địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN |
Hiện các đơn vị của Bộ đang triển khai thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với 11 dự án và phê duyệt dự toán được 2/11 gói thầu; đã triển khai sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư).
Theo ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đến nay toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng (dài 653,61 km) của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã được các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án bàn giao cho các địa phương để thực hiện đo đạc, kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng. Tất cả 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được các địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển 4.628 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
Cũng liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, ông Phan Quang Hiển cho biết, đến nay, 6/11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã lựa chọn xong tư vấn đo đạc, kiểm đếm. Còn 5 dự án gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã lựa chọn xong tư vấn đo đạc, kiểm đếm một số đoạn theo địa phận các huyện để triển khai. Hiện 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã dự kiến bố trí các khu tái định cư tập trung.
Để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thị sát thực địa; làm việc với chính quyền địa phương dọc các tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của hai dự án cao tốc quy mô lớn thực hiện theo hình thức PPP là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Trong ngày 28/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đã trực tiếp làm việc và đối thoại với lãnh đạo, người dân các xã thuộc các huyện có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua dài nhất trong tỉnh như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Hưng Nguyên (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh) để nắm bắt và giải quyết sớm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, tại địa phương, trực tiếp là chính quyền cấp xã sẽ triển khai đền bù giải phóng mặt bằng dự án và là đơn vị đầu mối nắm bắt các khó khăn vướng mắc phát sinh, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Chính vì vậy, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các Ban Quản lý dự án phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, nắm bắt và giải quyết sớm các kiến nghị của địa phương, để tạo tiền đề thuận lợi nhất giải phóng mặt bằng, thi công dự án.
“Giải phóng mặt bằng, tái định cư là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam nói chung và hai đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt nói riêng. Do đó, đề nghị chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua khẩn trương đẩy nhanh thủ tục, các bước trong đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển hơn 4.600 tỷ đồng cho ban giải phóng mặt bằng các địa phương để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam. Riêng dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển 400 tỷ đồng và dự án Diễn Châu - Bãi Vọt là 390 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án khẩn trương tổng hợp, báo cáo số liệu giải ngân về Bộ để theo dõi, giám sát.
Ông Triệu Khắc Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại 2 dự án) cho biết, hiện nay, chính quyền các địa phương thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và đang gấp rút triển khai lựa chọn tư vấn trích lục, đo đạc, tư vấn thiết kế và thi công các khu tái định cư, đơn vị thiết kế và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật…
Để đảm bảo tiến độ xây dựng cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Cao tốc Bắc - Nam là dự án rất quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự án có quy mô đầu tư lớn, đi qua nhiều địa phương, có các yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Việc triển khai dự án được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai dự án với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng các yêu cầu tiến độ, chất lượng, an ninh, an toàn.
Về giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam.
“Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, trước mắt là hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo rà soát quy hoạch các khu tái định cư và thực hiện xây dựng để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân; chỉ đạo chính quyền cấp huyện, xã tổ chức triển khai thủ tục thu hồi đất, lập phương án bồi thường bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật, vận động và có chính sách hỗ trợ người dân thuê nhà tạm cư để bàn giao mặt bằng…
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai dự án.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2020) dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Cụ thể, 3 dự án thành phần đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách gồm dự án Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP xây dựng cao tốc Bắc - Nam, gồm các đoạn: Ninh Bình - Hà Tĩnh, Khánh Hòa - Đồng Nai.
Theo Quang Toàn (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin