Quy hoạch phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sản xuất và có kế hoạch tìm đầu ra sản phẩm luôn là vấn đề được xã hội rất quan tâm- nhất là nông dân- và đã nhận được rất nhiều kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trong tỉnh.
Quy hoạch phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sản xuất và có kế hoạch tìm đầu ra sản phẩm luôn là vấn đề được xã hội rất quan tâm- nhất là nông dân- và đã nhận được rất nhiều kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trong tỉnh.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 12 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang (đơn vị huyện Tam Bình) đã chất vấn UBND tỉnh về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND tỉnh. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang chất vấn: Tỉnh ta đã và đang rất quan tâm đến phát triển kinh tế vùng thể hiện là đã thông qua đề án quy hoạch xây dựng vùng, có kế hoạch phát triển kinh tế cho từng vùng.
Tuy nhiên, qua thực tế thấy rằng nông dân sản xuất chung theo nhu cầu thị trường, sản xuất tự phát, manh mún nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, hiện tượng “trồng- chặt- trồng” vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân là do đầu ra sản phẩm còn hạn chế, việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa được quan tâm nhiều, nên xảy ra tình trạng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, chạy theo thị trường dẫn đến “cung vượt cầu” giá cả xuống thấp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của nông dân, sản xuất không có lời, thậm chí thua lỗ.
Từ những thực tế trên, xin lãnh đạo UBND tỉnh cho biết hướng tới có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả sản xuất và có kế hoạch tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân trong thời gian tới?
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều quan tâm trong công tác chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tìm đầu ra cho nông sản.
Cụ thể, về nâng cao hiệu quả sản xuất đã triển khai các chương trình, dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao giống mới; sản xuất chuyển đổi từ cây kém hiệu quả sang các sản phẩm có thu nhập cao hơn như giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích màu và cây ăn trái.
Về tìm đầu ra cho nông sản cũng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nông sản qua nhiều kênh với nhiều hình thức khác nhau, giúp quảng bá các thương hiệu nông sản thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; hiện, có 2 sàn giao dịch điện tử để quảng bá nông sản của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng hệ thống cung cấp thông tin giá nông sản, phân tích dự báo thị trường thông qua các trang tin của ngành nông nghiệp, bản tin giá cả thị trường và hệ thống tin nhắn phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản.
Tuy nhiên, việc điều hành sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Đó là về quy hoạch, ngành nông nghiệp đã quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; theo đó, quy hoạch đã đánh giá sự thích nghi và khuyến cáo sản xuất phù hợp theo từng vùng.
Nhưng người dân còn sản xuất mang tính tự phát, manh mún nhỏ lẻ, không theo hướng dẫn chung của ngành chuyên môn.
Còn về dự báo thị trường nông sản (đặc biệt là dự báo dài hạn) chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức sản xuất, kể cả tầm quốc gia.
Chẳng hạn một số sản phẩm chủ lực quốc gia như cá tra, lúa gạo vẫn không thể dự báo chính xác, dẫn đến một số thời điểm giá các nông sản xuống thấp, ảnh hưởng đến người sản xuất.
Ông Lữ Quang Ngời cho biết, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm đầu ra cho nông sản, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu như về quy hoạch, tiếp tục thực hiện công khai các quy hoạch sản xuất của tỉnh và các địa phương; tăng cường tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy hoạch.
Về tổ chức sản xuất, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động đối với các HTX nông nghiệp, đây là khâu quan trọng, then chốt cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, đảm bảo quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất- tiêu thụ, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh, tập trung thực hiện các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản chủ lực; triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản của tỉnh.
Tiếp tục rà soát đánh giá lại thực trạng sản xuất nông nghiệp, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp hoặc kiến nghị Trung ương hỗ trợ nâng cao năng lực dự báo thị trường nông sản… góp phần tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành.
Đồng thời, kiến tạo chính sách để người dân chủ động liên kết sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản như chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ tái chứng nhận áp dụng VietGAP và tương đương; quy định về hỗ trợ hạ tầng cho các HTX nông nghiệp…
Song song đó là tăng cường hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới vào trong sản xuất giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng cường ứng dụng các giải pháp chế biến nông sản góp phần nâng cao giá trị, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế, sản phẩm tiềm năng của tỉnh.
Bài, ảnh: HẢI YẾN- CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin