Xã Nguyễn Văn Thảnh trên đường về đích

08:06, 19/06/2019

Với 10/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) được công nhận đạt, các tiêu chí còn lại đa số đã cơ bản hoàn thành, xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) đang nỗ lực rốt ráo các phần việc còn lại để kịp về đích theo lộ trình trong năm nay.

Với 10/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) được công nhận đạt, các tiêu chí còn lại đa số đã cơ bản hoàn thành, xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) đang nỗ lực rốt ráo các phần việc còn lại để kịp về đích theo lộ trình trong năm nay.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Tín hiệu vui

Về xã Nguyễn Văn Thảnh những ngày này, chúng tôi thấy nhiều công trình trường học đang khẩn trương thi công để đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo quy định.

Trung tâm Văn hóa Thể thao tại ấp Thới Hòa, Nhà văn hóa- Khu thể thao liên ấp Hòa Hiệp- Hòa Thuận- Hòa Thới cũng đang thi công, dự kiến trong tháng 7/2019 sẽ hoàn thành.

Trên các cánh đồng lúa giờ được thay thế dần những cánh đồng trồng đậu nành rau, bước đầu thay đổi đời sống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học khá hiệu quả. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống và phân, thuốc hữu cơ và bao tiêu đầu ra.

Ông Nguyễn Khắc Bình- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Nguyễn Văn Thảnh- cho biết: Mô hình này được triển khai từ vụ lúa Đông Xuân 2019, bước đầu nông dân ký hợp đồng xuống giống 4,3ha, đến vụ thứ 2 nâng lên 5,6ha, trong đó đã thu hoạch 1,8ha, đang thu hoạch 1,5ha.

Hiện, đơn vị thu mua đang chuẩn bị làm hợp đồng mới, dự kiến trong tháng 8/2019 sẽ xuống giống 10,3ha.

Theo các hộ trồng đậu nành, nếu trồng theo đúng quy trình, năng suất có thể đạt 1,3 tấn/công, giá bán đậu nành rau là 10.500 đ/kg, loại đạt chuẩn được mua với giá 10.750 đ/kg, lợi nhuận từ 4 triệu đồng/công trở lên.

Mô hình trồng đậu nành còn góp phần tạo việc làm cho lao động thu hái với trên 40 người tham gia, thu nhập tầm 250.000 đ/ngày.

“Xã đang dự kiến sẽ đưa mô hình này vào tổ hợp tác sản xuất hoặc vào hợp tác xã (HTX), góp phần nâng chất tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất”- ông Nguyễn Ngọc Tuân- Phó Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX nói.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mô hình trồng đậu nành rau đang là hướng mới gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản.
Mô hình trồng đậu nành rau đang là hướng mới gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Theo ông Nguyễn Khắc Bình, bên cạnh 2 tiêu chí hạ tầng đang đầu tư thi công, xã còn 3 tiêu chí được tỉnh ghi nhận sẽ đánh giá vào cuối năm nay là tiêu chí nhà ở dân cư, quy hoạch, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Còn lại các tiêu chí thuộc về nội lực của xã là: thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.

Đối với tiêu chí y tế, xã đang chờ Sở Y tế tái công nhận Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Về tỷ lệ người tham gia BHYT phải đạt từ 85% trở lên, hiện chỉ đạt 82,3%.

Để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, xã đang tiếp tục vận động các hộ đáo hạn tiếp tục tham gia và mở rộng vận động thêm các hộ tham gia mới, đồng thời vận động học sinh tiếp tục tham gia khi vào năm học mới. Dự kiến đến tháng 10/2019, xã sẽ đạt tiêu chí này.

Để đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã đang triển khai vận động người dân cùng tham gia xây dựng cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- đẹp.

Trong tháng 6/2019, khi hoàn thiện xong đê bao sông Cái Vồn sẽ vận động thu gom rác thải tập trung để nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải theo quy định (từ 60% trở lên). Hiện, tỷ lệ thu gom rác thải của xã chỉ mới đạt 20%.

Về thu nhập, đây là xã thuần nông, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, song năm nay giá lúa và giá heo thấp hơn so cùng kỳ năm rồi. Các hộ chăn nuôi lại đối mặt với tình hình dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp. Do đó, để đến cuối năm thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm cần phải có sự nỗ lực lớn.

Hiện, xã đang vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà trọng tâm là cây đậu nành rau.

Song, ông Nguyễn Ngọc Tuân cho rằng, do mô hình này còn mới nên nhiều nông dân còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, thiếu vốn, chi phí nhân công dịch vụ cao, việc tính toán trong sản xuất chưa phù hợp nên chi phí đầu tư còn cao. Nếu khắc phục được những khó khăn này, nông dân sẽ có lợi nhuận cao hơn so với hiện tại.

Về tổ chức sản xuất, xã có HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình với 31 thành viên tham gia trên diện tích 56ha.

Tuy nhiên, để HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012 thì còn nhiều chỉ tiêu chưa thực hiện được. Những khó khăn của HTX là chưa có trụ sở làm việc, chưa có kho bãi, thiếu trang thiết bị, thiếu chuyên môn kỹ thuật và chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuân: “Chính sách ưu đãi dành cho HTX nông nghiệp đã có, nhưng đến nay HTX vẫn chưa tiếp cận được. Xã đang đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ về chuyên môn để từng bước đưa HTX đi vào hoạt động có hiệu quả”.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh