Sẽ siết chặt chất lượng đào tạo lái xe

03:06, 01/06/2019

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra liên tiếp khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra liên tiếp khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.

Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng, đạo đức người lái xe. Đặc biệt, đây cũng là vấn đề “nóng” được đưa vào chương trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  trước Quốc hội trong những ngày tới. 

 Học viên thi sát hạch bài
Học viên thi sát hạch bài "Đề-pa lên dốc" tại Trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe Sóc Sơn (Sở Giao thông vận tải Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Nhiều bất cập cần giải quyết

Những vụ  xe “điên” đâm hàng loạt phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ hay đâm cả người dân đang đi bộ trên vỉa hè… ngày càng diễn ra nhiều hơn. Điển hình, từ đầu năm đến nay đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như xe container đâm hàng chục xe máy dừng chờ đèn đỏ ở Long An làm 4 người tử vong; xe tải đâm đoàn người đi viếng nghĩa trang trên Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương làm 8 người tử vong… Những vụ việc này khiến người dân cảm thấy bất an mỗi khi phải lưu thông trên đường.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, điểm chung của những vụ xe “điên” xảy ra gần đây ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo lái xe, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, thậm chí có những lái xe xem nhẹ tính mạng của người tham gia giao thông.

Trước tình trạng này, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng do chính sách xã hội hóa đào tạo sát hạch lái xe dẫn đến nở rộ các trung tâm đào tạo, kéo theo chất lượng không đồng đều giữa các trung tâm. Thậm chí, một số trung tâm đào tạo sát hạch lái xe cạnh tranh không lành mạnh với nhau để tranh giành học viên.

Hiện nay, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet các thông tin quảng cáo về dịch vụ học lái xe với các tít quảng cáo vô cùng hấp dẫn như: “học một thầy, một trò bảo đảm đỗ 100%”; “học lái xe giá rẻ”, “học lái xe cam kết đến khi thi đậu”... Nhiều học viên còn truyền tai nhau những cách “chống trượt” trong các kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành để bảo đảm kiếm được tấm bằng lái xe, còn kỹ năng điều khiển phương tiện chưa thực sự được học viên quan tâm.

Đề cập tới vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Qua tìm hiểu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những cơ sở đưa ra lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng để mời chào học viên chủ yếu không có chức năng đào tạo sát hạch lái xe, các trung tâm này chỉ làm dịch vụ nhận hồ sơ để kiếm hoa hồng. Đặc biệt, các cơ sở này đã ngang nhiên thông báo tuyển sinh dù không có giấy phép. Nhiều người dân do hạn chế về thời gian, lại có tâm lý lo trượt nên đã tìm đến những cơ sở này.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức phối hợp xử lý theo thẩm quyền; giao Thanh tra Sở Giao thông Vận tải làm việc với chính quyền và công an địa phương kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm”, ông Lương Duyên Thống chia sẻ.

Qua các cuộc thanh tra cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe gần đây, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra nhiều bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt là việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe chưa được coi trọng.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén chương trình trong đào tạo sát hạch lái xe. Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong học lý thuyết lẫn thực hành…

Siết chặt bằng cách nào?

Với điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu học lái xe của người dân tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với chất lượng đào tạo, sát hạch.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe quan trọng nhất là khâu sát hạch lái xe, vì vậy phải tiếp tục siết chặt việc này nhằm hạn chế tình trạng học ẩu, lái bừa. Các cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp chấn chỉnh quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe, giám sát chặt cả chương trình, thời gian và chất lượng dạy học tại các cơ sở đào tạo sát hạch.

Ngoài ra, cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về đào tạo sát hạch lái xe; có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, không chỉ phạt hành chính mà cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời những lái xe vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.

Đây là những giải pháp căn cơ nhất để nâng cao kỹ năng lái xe, đạo đức, việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Từ đó, góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mang tính chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Ông Lương Duyên Thống cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe những năm qua được cải tiến rất nhiều. Đặc biệt, tại các trung tâm sát hạch phần thực hành đều có gắn chip, chấm điểm tự động nên đã hạn chế tối đa tiêu cực, sự can thiệp của con người.

Để nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch lái xe, Bộ Giao thông Vận tải đã liên tiếp có văn bản yêu cầu siết chặt đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng độ khó của việc sát hạch như: tăng số câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe, áp dụng nhiều ứng dụng khoa học vào hoạt động. Việc này được kỳ vọng nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, hạn chế các sai sót của lái xe khi xử lý các tình huống trên đường.

Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tăng cường đạo đức nghề nghiệp người lái xe là yếu tố rất quan trọng. Bản thân người lái xe ngoài việc thường xuyên phải tự học, tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình với xã hội, cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Nhằm góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, ngoài việc cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ thuật trên lý thuyết, thực hành, còn phải chú trọng giáo dục, nâng cao đạo đức cho các học viên ngay từ ngày học viên mới theo học lái xe.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Theo đó, trong thời gian tới sẽ quy định tất cả các trung tâm bắt buộc phải đầu tư camera để kiểm tra, giám sát các phần thi và truyền dữ liệu về thẳng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đồng thời, các trung tâm phải nghiên cứu lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các xe sát hạch để minh bạch số km thực tế của học viên, tránh việc “cắt xén” giờ thực hành trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe ô tô. Tất cả thí sinh thi trượt lý thuyết hay thực hành, cơ sở sát hạch bắt buộc sau 1 tháng mới cho thi lại để học viên có thời gian ôn luyện.

“Ngoài ra, câu hỏi lý thuyết sẽ tăng lên 600 câu (trước đây là 450 câu). Trong 600 câu này sẽ có 100 câu hỏi, nếu đề có 35 câu mà làm đúng 35 câu nhưng có 1 câu trong 100 câu điểm liệt thì vẫn trượt và sẽ hủy kết quả lý thuyết. Câu hỏi lý thuyết sẽ bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, sân sát hạch lý thuyết truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh để theo dõi. Việc này góp phần hạn chế hiện tượng can thiệp của giáo viên, cán bộ sát hạch trong thi cử”, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ giấy phép lái xe giả, khai báo mất để được cấp lại giấy phép lái xe...

Theo Quang Toàn (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh