Những ngày qua, độ mặn đột ngột tăng cao theo con nước triều cường 30/4 âl. Ngày 1/6, độ mặn đo được tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) lên đến 3,5‰. Tuy sau đó có giảm đôi chút, nhưng theo dự báo của ngành chuyên môn độ mặn tiếp tục có khả năng lên cao từ nay đến ngày 7/6.
Nạo vét kinh tạo nguồn, kinh rạch nội đồng giúp trữ ngọt nâng cao hiệu quả phòng chống mặn xâm nhập. |
Những ngày qua, độ mặn đột ngột tăng cao theo con nước triều cường 30/4 âl. Ngày 1/6, độ mặn đo được tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) lên đến 3,5‰. Tuy sau đó có giảm đôi chút, nhưng theo dự báo của ngành chuyên môn độ mặn tiếp tục có khả năng lên cao từ nay đến ngày 7/6.
Đột ngột tăng cao
Ông Lưu Nhuận- Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- cho biết độ mặn đo lúc 15 giờ 30 ngày 1/6 tại một số nơi ở huyện Vũng Liêm đột ngột tăng cao. Cụ thể, độ mặn tại cống Nàng Âm là 3,5‰, vàm Vũng Liêm 2‰, chợ Vũng Liêm 1,5‰. Độ mặn có chiều hướng tăng lên theo các con nước triều cao.
Đến ngày 2/6, độ mặn tại các điểm đo trên giảm đi đôi chút, độ mặn tại cống Nàng Âm giảm còn 2,4‰, vàm Vũng Liêm 1,7‰, chợ Vũng Liêm 1,3‰. Khi mặn xâm nhập, hiện các cống chính khu vực 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã được đóng để ngăn mặn. Dự báo độ mặn tiếp tục có khả năng lên cao từ nay đến ngày 7/6 (trong đợt triều cường 30/4 âl).
Những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Trong (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) tranh thủ bơm nước vào túi ny lông để trữ nước tưới cho vườn sầu riêng.
Rút kinh nghiệm sau những lần nước mặn xâm nhập bất ngờ, ông Trong bơm nước ngọt vô dự trữ sẵn trong túi ny lông trong mương vườn phòng khi nước sông bị mặn thì rút nước trong túi ra tưới vườn. Với túi nước có khả năng dự trữ 300m3, ông Trong cho biết trữ đủ nước dùng cho tưới vườn, giặt giũ, nấu nướng của gia đình qua đợt xâm nhập mặn.
Nghe tin mặn lên cao, ông Điều Công Khanh- người dân sống tại cồn Thanh Long (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) cho biết bắt đầu cảm thấy lo vì không chỉ nước mặn khiến cho điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân thêm khó, mà nơi đây còn có nguy cơ sạt lở đê bao, nếu xảy ra cùng lúc thì hậu quả rất nặng nề.
Để hạn chế thiệt hại do mặn xâm nhập, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn để vận hành công trình thủy lợi lấy ngọt hợp lý.
Thông tin kịp thời cho người dân biết để trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ngành chuyên môn cũng lưu ý 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn cần chủ động có các biện pháp kịp thời để phòng chống mặn xâm nhập.
Xâm nhập mặn không có khả năng gây nguy hiểm
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh mặn 4‰ vào cuối tháng 5 ở phạm vi từ 18- 45km tùy cửa sông, mặn xâm nhập trên các cửa sông trong tuần cuối tháng 5 tăng cao theo triều. Tuy nhiên, mưa đã xuất hiện, xâm nhập mặn không có khả năng gây nguy hiểm với hiện trạng hạ tầng kiểm soát mặn trên đồng bằng.
Khu vực cửa sông Cửu Long chiều sâu mặn xâm nhập lớn (ranh 4‰) trong tuần cuối tháng 5 khoảng 35- 42km, tăng 5- 7km so với tuần trước đó, so với cùng thời kỳ năm 2017- 2018 cao hơn từ 6- 8km và so với mùa khô năm 2015- 2016 cao hơn từ 2- 4km.
Với đặc điểm nguồn nước như hiện nay, vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long và các vùng cặp sông Tiền, sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường trong tháng 6. Xâm nhập mặn giảm do bổ sung đáng kể dòng chảy từ mưa trên
đồng bằng.
Từ những kết quả dự báo tiềm năng nguồn nước về đồng bằng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến nghị sản xuất và quản lý nước vụ Hè Thu và Thu Đông vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do triều cường. Khuyến cáo người dân khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra kỹ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Vùng giáp ranh với mặn cần theo dõi chặt chẽ chất lượng nước.
Với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng hiện nay, dòng chảy cao có sự điều tiết của thủy điện, nên nhiệt độ giảm, mưa đã xuất hiện. Dự báo diễn biến xâm nhập mặn trong tháng 6 khả năng giảm, nhưng cần thận trọng nhất là các đợt triều cường kết hợp với gió chướng, độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.
Hiện dòng chảy về ĐBSCL thấp hơn so với trung bình nhiều năm, để đề phòng rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý. Bên cạnh, duy trì công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với diễn biến nguồn nước.
Kịch bản ứng phó xâm nhập mặn Biện pháp ứng phó với kịch bản mặn xâm nhập nhẹ và sâu là nước mặn 3‰ lên đến đâu, đóng hệ thống cống ngăn mặn đến đó, bơm tưới cho vùng gò cao, ngưng bơm hút thu nước cho các trạm cấp nước tập trung sử dụng nước mặt khi độ mặn từ 3‰ trở lên, bơm hút lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰. Chú trọng khai thác giếng nước ngầm và trữ nước trong kinh, mương, ao, hồ... để cấp nước sinh hoạt cho dân vì các nhà máy nước mặt đã ngưng hoạt động. Toàn tỉnh dự kiến thực hiện 78 công trình thủy lợi (nạo vét kinh tạo nguồn, kinh rạch nội đồng và tu sửa cống), hỗ trợ kinh phí bơm tát cho 8.284ha đất canh tác (chủ yếu vụ Hè Thu); cấp nước thùng cho 22.402 hộ sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn, có tính đến phương án dùng xe, hoặc xà lan chở nước ngọt cấp cho dân trong trường hợp hạn, mặn gay gắt, kéo dài, cấp bột xử lý nước cho 18.620 hộ chưa có nước máy sử dụng, khai thác hơn 10.000 giếng khoan nước ngầm hiện có ở các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn, đặc biệt là các giếng khoan tầng sâu, công suất lớn. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin