Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu quan tâm việc có nên giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện; có nên tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND xã loại II?
Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu quan tâm việc có nên giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện; có nên tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND xã loại II?
Đại biểu đề nghị việc giảm đi một chức danh phó chủ tịch HĐND tỉnh- thành cần phải được cân nhắc thận trọng. |
Sau hơn 3 năm thực hiện, 2 luật này cũng thể hiện những vướng mắc, bất cập do luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành trước thời điểm có văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết khóa XII.
Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên luật chưa cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn được ban hành dẫn đến các quy định của luật chưa làm cho bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp bớt cồng kềnh, chưa phát huy được yêu cầu, nhiệm vụ.
Không nên giảm 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh
Trong phiên thảo luận, đại biểu quan tâm phương án có nên giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đơn vị tỉnh Bình Phước), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Thường trực HĐND gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch.
Qua quá trình áp dụng đã phát huy tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Do đó, việc giảm đi một chức danh phó chủ tịch HĐND tỉnh, thành cần phải được cân nhắc thận trọng.
Theo phương án của Chính phủ trình, việc giảm 1 chức danh phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh được thực hiện theo kiểu giảm “cào bằng” tất cả các địa phương, kể cả TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các chức danh phó chủ tịch HĐND cấp huyện cũng giảm tương tự.
Ban soạn thảo có lý giải, việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18 để có sự đồng bộ về tổ chức bộ máy của HĐND các cấp.
Theo nhiều đại biểu, cách lý giải này chưa thực sự hợp lý, chưa có tính thuyết phục cao vì chúng ta phải đảm bảo đạt được 2 mục tiêu song song là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Nếu không xét điều kiện thực tiễn của từng địa phương đơn vị mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả, dẫn đến việc chúng ta phải sửa luật thường xuyên.
Đại biểu Trương Anh Tuấn (đơn vị tỉnh Nam Định) băn khoăn, cần xem xét kỹ vấn đề này cho sát tình hình và yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Nhìn lại năm 2015 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Quốc hội đã quyết định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 phó chủ tịch, phó trưởng ban HĐND được tăng lên không quá 2 người.
“Với sự tăng cường đó, qua theo dõi hoạt động của HĐND đã có nhiều chuyển biến tốt hơn từ công tác thẩm tra đến chất vấn và trả lời chất vấn.
Công tác giám sát được triển khai thường xuyên và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri, nay cũng với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND sao ta lại làm ngược lại”- đại biểu Anh Tuấn cho biết.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (đơn vị tỉnh Phú Thọ) cho rằng, theo chức năng, nhiệm vụ của HĐND, ngoài việc quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, còn quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cơ chế chính sách trên địa bàn tỉnh. Nếu giảm 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh sẽ không thể đảm đương hết công việc, dẫn tới quá tải.
Tuy nhiên, đại biểu thống nhất với quy định, ban của HĐND tỉnh gồm trưởng ban, 1 phó trưởng ban và các ủy viên. Thực tế chức năng, nhiệm vụ cũng như yêu cầu thực tiễn hiện nay không nhất thiết phải có 2 đồng chí phó trưởng ban HĐND tỉnh.
Đóng góp thêm về vấn đề này, đại biểu Lê Xuân Thân (đơn vị tỉnh Khánh Hòa) đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách các cấp, trong đó đối với chức danh trưởng ban và phó trưởng ban HĐND cần quy định hẳn phải là đại biểu hoạt động chuyên trách. Có như vậy bộ máy mới thoát khỏi tính hình thức trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.
Cần thiết phải tăng 1 phó chủ tịch UBND xã loại II?
Theo quy định hiện hành, các xã loại II hiện chỉ có 1 phó chủ tịch UBND và trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị một phương án tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND cho các xã loại II.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đơn vị tỉnh Bắc Giang) đề nghị tăng thêm 1 phó chủ tịch để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tăng cường cải cách hành chính, tăng phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, phải đổi mới phương pháp làm việc, chế độ công tác, giảm họp hành, xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đơn vị tỉnh Hậu Giang) nhận định việc xã loại II có 1 phó chủ tịch UBND sẽ gặp khó trong công tác điều hành, đặc biệt là giải quyết các vấn đề tại địa phương, yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và những công việc cấp bách khác. Do vậy, rất cần thiết tăng thêm một chức danh phó chủ tịch UBND đối với xã loại II.
Tuy nhiên, đối với quy định này, một số đại biểu lại không đồng tình vì cho rằng, quy định như thế sẽ làm tăng thêm biên chế.
Theo đại biểu Trần Đình Gia (đơn vị tỉnh Hà Tĩnh), cần phải xem xét đánh giá kỹ nội dung này, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của UBND, của chủ tịch UBND xã nói chung, đặc biệt xã loại II. Bởi vì, khi chúng ta quyết định tăng phó chủ tịch UBND xã loại II thì cả nước sẽ tăng 5.500 biên chế.
Thực tiễn, trong quá trình thực hiện luật năm 2015 đến nay, hoạt động của UBND cấp xã chưa phát sinh những khó khăn nào lớn, vì vậy đã cần thiết phải tăng 1 phó chủ tịch UBND ở đây hay chưa? Nếu tăng thì tôi thấy không phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 39 cũng như Nghị quyết số 18 của Trung ương về tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy.
TÂM HUỲNH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin