Trẻ con có quyền được... ngủ nướng

07:06, 01/06/2019

Ông bố trẻ kể "nỗi khổ" nhất của vợ chồng chính là đánh thức nàng công chúa 8 tuổi và hoàng tử bé 5 tuổi, thức dậy đi học mỗi sáng. 

Ông bố trẻ kể “nỗi khổ” nhất của vợ chồng chính là đánh thức nàng công chúa 8 tuổi và hoàng tử bé 5 tuổi, thức dậy đi học mỗi sáng.

Bọn trẻ ưỡn ờ, lăn qua lăn lại, nhõng nhẽo đủ trò. Khi dụ được cô chị đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, quay vô nài nỉ cậu em… thì cô chị lại ôm gối sa lon nằm ngủ tiếp. Bị rầy rà, công chúa ầu ơ ví dầu “trẻ con có quyền được ngủ nướng mà ba”!

Câu chuyện này được rất nhiều phụ huynh khác đồng cảm, bởi “hổng khi nào kêu một tiếng mà mấy nhỏ thức ngay”, lại còn lý la lý luận kiểu như “trẻ con phải ngủ nhiều mới mau lớn, thông minh, học giỏi”. Nhiều phen người lớn phải “đứng hình”: vì sao bọn trẻ thường hay “đòi quyền” kiểu như được chơi, được về quê, được yêu thương, được ngủ nướng như vậy? Phải chăng chúng đang thiếu thốn những điều đó?

Có một thực tế mà nhiều người làm cha mẹ phải thừa nhận, đó là bọn trẻ ngày nay học nhiều hơn chơi. Từ học ở lớp, học sáng học chiều, đến học thêm, học ngoại ngữ, học đàn… về nhà còn phải làm bài tập. Có người còn bảo thời gian con đi học còn nhiều hơn thời gian cha mẹ đi làm, khi con phải thức khuya học bài, dậy sớm để kịp tới trường. Một chuyên gia ngành giáo dục từng so sánh là trẻ em Việt Nam học nhiều hơn trẻ em một số nước trên thế giới, chẳng hạn nhiều hơn trẻ em Nhật Bản 300 tiết mỗi năm. Trẻ học nhiều sẽ bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh còn nặng nề.

Trong khi đó, cuộc sống hiện đại ngày nay, phụ huynh còn có nhiều phương thức hỗ trợ trong việc nuôi dạy con cái, trong nhiều trường hợp smartphone chính là “cứu cánh”. Con khóc giải quyết bằng smartphone. Con biếng ăn giải quyết bằng smartphone. Con ngoan thưởng cho xem smartphone. Cha mẹ bận không có thời gian trông con cũng giải quyết bằng smartphone. Có những đứa trẻ chưa biết đi, chưa biết nói nhưng đã có thể dùng ngón tay lướt điêu luyện trên màn hình những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc máy tính bảng... Các nghiên cứu đã cho thấy, việc này rất có hại với trẻ nhỏ.

Có thể đến một lúc nào đó, bọn trẻ sẽ đòi quyền được người lớn quan tâm, chia sẻ hơn là chỉ chơi với chiếc điện thoại thông minh đó, nhưng chẳng bao giờ biết trò chuyện với chúng, cho chúng sự vỗ về yêu thương. Trẻ nhỏ sẽ không nhớ bạn vì vật chất bạn cho chúng, mà vì tình cảm bạn dành cho chúng. Cùng cha mẹ về quê điền dã, “cha ngồi xuống cõng em, cha nói cưỡi ngựa ngựa phi” và những ngày hè được… ngủ nướng, sẽ đáng nhớ và ý nghĩa biết bao.

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”- Bác Hồ từng nhắn nhủ nhẹ nhàng dành cho các em thiếu niên, nhi đồng. Những mầm non tương lai của đất nước phát triển tốt hay xấu đều do công tác chăm sóc, giáo dục của xã hội mà nên.

TRẦN PHƯỚC

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh